Địa Lan không phải loại cứ thích là chơi

Địa Lan không phải loại cứ thích là chơi

Địa lan là các loại lan trồng dưới đất, chúng tồn tại khắp các vùng đồng bằng, trung du và miền núi nước ta. Ngoài ra còn có một số loại Địa lan được nhập từ nước ngoài. Người xưa gọi lan là “vương giả lương”, vì hoa Lan thanh nhã bất phàm…

Địa lan có tới vài trăm loài, và hiện vẫn chưa có thống kê chính xác. Trong đó, chỉ có một số loài được ưa chuộng. Một số loại có sắc nhưng không có hương; một số khác có hương, nhưng hoa ngắn thấp lẫn vào lá mà người xưa gọi là hoa cỏ, một số loại lá lại quá to, thân cây thô cứng, nên những loại ấy đều không được coi trọng.

Các loại lan quý hiếm thường có hương và đặc biệt phải nở vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Những loại này có ở Hà Nội và một số triền núi như Sapa, Yên Tử, chùa Hương Tích… Tất cả đều được trồng vào chậu đẹp, được chăm bón, giữ gìn cẩn thận. Có một số Địa lan được ưa chuộng như: Thanh Lan, Mạc Lan hay Mặc Lan, Hoàng Vũ, Cầm Tố, Hoàng Điểm, Đại Hoàng, Ngân Biên, Bạch Ngọc, Trần Mộng, Đông Lan, Tứ Thời…

Thanh Lan lại có ba loại: Lan Đại Thanh, Lan Trường Thanh và Lan Đoản Thanh. Những loại lan này thường nở vào dịp Tết Nguyên đán. Lan Đại Thanh là loại có màu xanh trong như ngọc, dò hoa to có đường kính gần 1cm, dài 80cm đến 100cm, có nhiều hoa trên một dò, nở từng bông một từ dưới lên trên, kéo dài ba tuần mới tàn. Lan Đại Thanh có lá dài trên 60 cm, xanh biếc, cây uốn cong mềm mại, hương thoảng và lan xa. Lan Trường Thanh lại có lá dài tương tự Lan Đại Thanh nhưng mỏng hơn chút ít, nhìn kỹ cũng không xanh bằng Đại Thanh, hoa dầy và nhỏ hơn Đại Thanh, hương thơm; dò hoa có đường kính khoảng 0,8cm, cao 70-80cm. Lan Đoản Thanh, hoa và lá đều ngắn nhỏ hơn hai loại Lan Đại Thanh và Lan Trường Thanh; lá dài 40cm màu diệp lục nhạt hơn Lan Trường Thanh, dò hoa chỉ cao khoảng trên dưới 40cm; hương tỏa lan xa.

Mạc Lan có hai loại chính là Lan Đại Mạc và Lan Mạc Biên.  Còn có vài loại Mạc Lan mọc trên núi, có hương, lá dài hơn hai loại hoa trên. Lan Đại Mạc có hoa màu nâu đen (đen nhạt); lá dầy và xanh, dài 40-50cm; dò hoa cao 50-60cm. Lan Mạc Biên, tương tự loại Đại Mạc nhưng khác ở chỗ lá có điểm trắng ở hai mép. Các cánh hoa cũng có điểm trắng. Các loại Mạc Lan đều nở vào dịp Tết Nguyên đán và có hương  thơm đậm đà.

Hoàng Lan có ba loại: Lan Đại Hoàng, Lan Hoàng Vũ, Lan Hoàng Điểm. Trong dòng Lan Hoàng Điểm lại chia ra làm hai loại: Lan Hoàng Điểm họng đỏ và Lan Hoàng Điểm họng vàng. Lan Hoàng Điểm họng vàng có người còn gọi là Lan Hoàng Nhị Điểm vì cánh hoa, họng hoa có hai chấm nâu nhạt. Lan Hoàng Điểm họng đỏ có lá dài nhưng nhỏ hơn Lan Đại Hoàng. Dò hoa bé và thấp, khi hoa nở trong họng có chấm đỏ, cành vàng. Loại này không qúy bằng loại Lan Hoàng Điểm họng vàng xẫm. Trong ba loại Hoàng Lan thì Lan Hoàng Vũ quý hiếm hơn cả. Lan Hoàng Vũ có màu vàng, ngọn và cánh hoa quay theo ánh sáng cong lên như múa. Lá dài trên 40 cm, hình kiếm hơi quăn nên người ta gọi là phản kiếm. Dò hoa cao và nhỏ bằng Lan Đoản Thanh. Lan Đại Hoàng lá to và dài tương tự Lan Đại Thanh nhưng mỏng và màu lá nhạt hơn, về mùa hè hơi hanh vàng. Hoa thưa, mới nở màu xanh nhạt, khi nở hết màu vàng.

dia-lan-khong-phai-loai-cu-thich-la-choi-1 Địa Lan không phải loại cứ thích là chơi

Lan Cầm Tố đường kính to trên dưới 1cm, dò hoa cao từ 1-1,2m. Có nhiều hoa trên một dò hoa. Màu hoa xanh, họng vàng, viền trắng mờ ở trên hai mép cánh. Lá dài từ 80-100cm,bản to hơn lá Lan Đại Thanh. Hoa nở vào dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt hoa thưa, mịn màng đẹp như màu tơ thiên tạo, hương thơm nhẹ nhàng hấp dẫn.

Lan Ngân Biên có hương thơm lạ,lá nhỏ uốn cong mềm mại, hai mép lá có viền trắng; hoa vượt cao trên lá,  chiều dài của lá khoảng 40 cm, chiều rộng 1cm nhỏ dần. Hoa nở vào đầu thu. Có một loại lan giống lan Ngân Biên nhưng lá cứng hơn trổ thẳng như lưỡi lê và không giá trị bằng, đó là lan Kim Biên.

Lan Bạch Ngọc là loại lan có hoa trắng nở vào cuối hè, lá to và ngắn hơn Lan Ngân Biên chút ít. Có hai loại Lan Bạch Ngọc là: Lan Bạch Ngọc Đại Diệp và Lan Bạch Ngọc Tiểu Diệp. Loại Lan Đại Diệp lá và hoa to hơn so với loại LanTiểu Diệp, ngoài ra còn một loại Lan Bạch Ngọc có tên gọi Bạch Ngọc Chân Hương. Loại này hoa có chấm như tàn hương phẩy vào, có củ to như củ hành ta, du nhập từ Trung Quốc sang Việt Nam từ lâu nên rất hiếm. Hoa nở vào mùa hè, hương thơm độc đáo.

Lan Trần Mộng có màu nâu nhạt, có dò hoa dài, nở vào mùa đông sang tới đầu xuân; lá dài và to ngang với lá lan cầm tố nhưng thon hơn và không bóng. Đông Lan là loại lan có hoa nở vào mùa đông, hoa đốm nâu vàng, lá giống lá lan Thanh Trường nhưng không mềm mại, uyển chuyển như Thanh Lan. Còn lan Tứ Thời là  lan có hoa nở bốn mùa, nhưng nở nhiều hơn vào mùa xuân. Lá lan nhỏ và dài như lan Kim Biên nhưng không có diềm trắng ở mép lá; màu hoa nâu nhạt hơi ngả sang vàng mờ. Hoa thấp, nhưng hương rất thơm…

dia-lan-khong-phai-loai-cu-thich-la-choi-2 Địa Lan không phải loại cứ thích là chơi

Người xưa cho rằng tháng chín là tháng nên tách lan để trồng và thay đất. Tháng chín âm lịch là vào cuối thu, tiết trời mát dịu, các loại lan nở vào mùa hè như: lan Bạch Ngọc, lan Ngân Biên, lan Kim Biên, lan Tứ Thời… hoa đã tàn, mầm đã già có thể tách, san tỉa, sang chậu được thuận lợi.  Khi tách lan, trồng lan là phải chờ hoa nở hết rồi mới tách nên chơi một dò hoa khoảng hai tuần là vừa phải. Nếu tách cây phải xem xét kỹ sức của lan và mầm nhú lan khỏe, mầm vươn dài khoảng 10cm mới tách. Với các loại lan nở vào dịp Tết Nguyên đán như: Thanh Lan, Mạc Lan, Cầm Tố, Hoàng Lan… thì đây là lúc cây đang ươm nụ, thậm chí có dò đã trổ dài tới năm mười phân; vì vậy không nên phân lan mà chỉ cho thêm đất và bón cho chúng. Cần chú ý tuyệt đối không tưới nước tiểu thời điểm này vì mầm còn non sẽ bị xót, ắt sẽ dễ bị hỏng.

Khi trồng Địa lan không để bí đất, úng nước hoặc bị sâu rệp, lan sẽ còi cọc không phát triển được hoặc bị phá hủy. Ta nên đặt lan nhẹ nhàng ,cho một lớp vỏ ốc ở dưới, với các lá theo hướng đã định. Phần đất áp sát củ cao trên miệng chậu để sau một thời gian tưới, đất tụt xuống dần là vừa. Nếu đất tụt xuống dưới miệng chậu, cần thêm đất cho rễ và củ được mát. Cần chọn các chậu thoát nước tốt, giữ được mát cho gốc cây. Có thể chọn các loại chậu cổ, nhất là chậu sành Tầu thường là cốt xốp không bị nóng chậu không làm ảnh hưởng tới lan.

Để lan phát triển tốt, khi trồng cần bỏ hết các rễ thối, cọ sạch các lá sâu rệp, tách bỏ các dò bị vàng lá. Một tuần tưới cho lan một, hai lần bằng nước gạo hoặc nước tiểu pha loãng, hoặc lấy nước trong từ ốc, cá ngâm không có mùi. Cần có thuốc chống sâu rệp, tránh các tia nắng hướng tây rọi vào làm cháy lá; nhặt các lá rụng ở gốc lan tránh không bị rệp trú ẩn. Dùng bùn ao phơi khô tẩm đạm, nước tiểu hoặc nhào đất với bùn, với phân ủ rồi mới phơi khô. Người chuyên doanh Địa lan cho hay, trồng Địa lan cần phải trải qua việc chăm sóc cây vào ngày “trái gió, trở trời”. Lan phụ thuộc rất lớn vào thời tiết và cách bón phân. Kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố này, lan sẽ ra hoa vào đúng dịp Tết, đạt tỷ lệ 80%.

dia-lan-khong-phai-loai-cu-thich-la-choi-4 Địa Lan không phải loại cứ thích là chơi

Chơi Địa lan càng phải biết giá trị các loại lan. Hoa phải cao trên lá, hoa to và có sắc thì càng quý; hoa lâu tàn, hương lan xa; lá nhỏ, ngắn và mềm mại; dò hoa vươn lên uyển chuyển, thanh cao  mới được coi là những loại lan quý.

Trả lời

0988110300
chat-active-icon