Tính tự nhiên của tán lá
Ngoài tự nhiên tán lá phát triển rất tự do. Sự phát triển này nguyên nhân là do sự tác động của các yếu tố như: hướng nắng, hướng gió, địa hình, mặt nước…
Đôi khi các chi tiết trong tán lá của tự nhiên mọc lộn xộn, mọc vượt, rối rắm… nhưng do quan sát xa, ta vẫn thấy đó là hình ảnh đẹp. Tuy nhiên, hình ảnh tán lá ở Bonsai vì được ngắm nhìn gần, do đó cần phải có sự chắt lọc, để tạo ra những hình ảnh đơn giản gần giống tự nhiên, qua lăng kính của nghệ thuật.
Nhiều cành riêng biệt hợp lại tạo nên cấu trúc tán cây.
Số lượng cành đối với Bonsai không quan trọng là số chẳn hay là số lẻ, điều quan trọng là thể hiện tính vừa đủ của nghệ thuật!
Tán cây phát triển theo tác động của thiên nhiên, sự phát triển này là không đồng bộ về các hướng, nên đường biên bên ngoài của tán lá là rất không đều đặn.
Chúng ta nên chú ý đến điều này khi thiết kế đường ven của tán cây. Hiện nay một số cây của anh em còn mắc phải lỗi này, đường biên của tán cây được cắt tỉa quá đều đặn theo khuôn hình tam giác, hay hình tán dù…làm cho hình ảnh chung của cái cây trông rất cứng nhắc, không tự nhiên!
Cấu trúc đường biên của tán lá không nên thiết kế quá đều đặn, quá cân xứng.
Hình dạng bên ngoài của tán lá nên có hình ảnh ngẫu nhiên bất kỳ, nếu xử lý được như thế thì cảm giác cứng nhắc nặng nề sẽ bớt đi, tính tự nhiên của tán lá sẽ rất gần gũi!
Tán cây cũng thể hiện tính cổ thụ
Tán cây mà có ngọn hình chóp nhọn, tạo ra cảm giác cây còn non.
Tán cây có ngọn hơi tròn, tạo cảm giác là cây đã già.
Một vài kiểu tán cây: hình bán nguyệt, hình tam giác, tán rũ, gió lùa, hình nấm…
Tán cây khi xây dựng nên chú ý đến sự hòa hợp với kiểu dáng của cây.
Cần phải nhận định đúng tính chất của thân, để làm cơ sở cho quyết định hình ảnh và tính chất của tán cây.
Cây có tính chất mạnh mẽ thì cấu trúc hình ảnh tán cây phải thể hiện tính mạnh mẽ, cây mềm mại uyển chuyển thì tán cây cũng nên mềm mại linh hoạt…
Kích thước của tán cây cũng nên chú ý, đừng quá mất cân bằng với cây.
Nên chú ý về độ lớn, độ dày của từng tán lá riêng biệt không quá mỏng cũng như quá dày, cũng đừng đều đều bằng nhau.
Khi tạo tác cũng nên chú ý đến hình dạng đường biên của từng tán lá, không nên cắt sửa quá là đều đặn và giống nhau như đúc khuôn, hãy xây dựng hình ảnh mỗi một tán lá là riêng biệt, là độc nhất trên cây.
Khoảng trống giữa các tán lá sẽ tạo ra không gian và chiều sâu cho tán cây.
Nhưng không phải là những khoảng trống đều đặn; mà làm sao cho có chổ dày-chổ thưa, chổ ẩn-chổ hiện, có thực-có hư…
Lỗi của hình ảnh tán lá trông không tự nhiên còn là chổ này.
Vấn đề cần quan tâm ở đây, là không gian của tán cây nên được thiết kế sao cho hình ảnh của nó phải đạt được cảm nhận không gian ba chiều trong trường nhìn và trông thật gần gũi với tự nhiên, chứ không phải là một tán cây hoàn toàn thuần nhiên hay ngược lại là lộ rõ tính nhân tạo!
Nguồn caycanhvietnam, tác giả Thái Văn Thiện.