Chia sẻ kinh nghiệm chiết cành Bonsai cơ bản

Chia sẻ kinh nghiệm chiết cành Bonsai cơ bản
Đánh giá

Bài viết tổng hợp kinh nghiệm trên forum.caycanhvietnam.com cho ai không có thời gian lục lọi!
Chiết cành tức là làm cho một cành phát rễ rồi cắt đem trồng xuống đất. Khác với giâm cành là cắt thẳng cái cành đó cắm xuống đất rồi cầu cho cành đó sống, hên xui.

Lý thuyết của việc chiết cây

Dù bạn chiết cây nào đi nữa thì nguyên tắc và cách làm cũng giống nhau thôi. Tức là bạn sẽ làm gián đoạn đường vận chuyển nhựa luyện khiến cho cây buộc phải phát sinh rễ hòng cứu vãn sự sống!
Giải thích ngắn gọn là thế này: Khi tầng tế bào sinh mô và đường tải nhựa luyện từ lá xuống dưới bị cắt đứt, nhựa luyện bị ứ lại sẽ kích thích bật rễ ra để lấy nhựa nguyên.
Lưu ý rằng bạn cần cạo sạch tầng sinh mô, tức là màng mỏng sát lớp vỏ cây khi bạn bóc ra. Nếu tầng sinh mô vẫn còn nó sẽ tự sinh ra vỏ cây để nối lại đường vận chuyển nhựa -> không phát rễ.
Mời bạn tham khảo thêm cấu trúc sinh học của thân cây để hiểu thêm (loài cây nào cũng như nhau về phần này)

Lưu ý chung:

  1. Chọn cành bánh tẻ(không non không già) chiết là dễ nhất.
  2. Để nhiều lá nhất có thể, lá nhiều thì nhựa luyện sẽ nhiều, nhanh phát rễ. Đối với tất cả các loại cây, bạn đừng vặt lá khi chiết.
  3. Không được bó bầu kín mít.
  4. Không chiết cành khi lá còn non.
  5. Khoanh vỏ có bề rộng > đường kính cành một chút.
  6. Nên đợi vài ngày cho vết cắt khô nhựa rồi mới bó bầu, tránh vết thương nhiễm khuẩn.

Các phương pháp chiết cành

Nguyên liệu: dớn trồng lan hoặc xơ dừa, hoặc rễ bèo, hoặc rêu, hoặc rong lấy từ ao hồ hoặc bất kỳ loại thực vật nào có khả năng giữ ẩm và không gây nấm mốc mà bạn có thể kiếm được tại nơi bạn sinh sống. Chớ nên dùng rơm bởi rơm dễ bị mốc lắm.
Từ lý thuyết như trên, người ta nghĩ ra vô vàn cách để chiết cây, miễn sao đảm bảo được rằng quanh chỗ chiết được “ấm, ẩm và tối“. Mọi loại cây đều chiết như nhau cả, chỉ có điều cành lớn thì bó bầu phải lớn, thế thôi.

Phương pháp bó bầu

Bó bầu là phương pháp truyền thống. Ưu điểm là an toàn, dễ chăm sóc, dễ thành công. Nhược điểm là không sắp xếp được bộ rễ cho xòe ra.
Lưu ý quan trọng khi bó bầu:

  • Bầu phải thật chắc chắn, nếu bầu lỏng rễ con dễ bị đứt.
  • Không được bó bầu kín mít. Rễ cũng cần oxy để thở. Ngoài ra môi trường yếm khí dễ phát sinh nấm mốc. Quan niệm bó bầu kín mít để khỏi phải tưới là rất sai lầm.

Phương pháp air layering

Mình không biết dịch cụm từ “air layering” thế nào cho hợp, nên để nguyên vậy nếu ai cần tìm trên google cũng dễ!

Ưu điểm của phương pháp này là bộ rễ xòe đều rất đẹp. Nhược điểm là đất dễ bị khô nên ở miền Bắc chỉ có thể làm vào mùa xuân hoặc bạn cần có hệ thống phun sương liên tục thật tốt.

Dưới đây là cách chiết của bạn Chauchau_longan trên diễn đàn caycanhvietnam.com

Bước 1: Lột vỏ. Nhớ cạo sạch lớp màng mỏng bên dưới vỏ bởi đó là tầng sinh mô có khả năng chữa lành vết thương.


Bước 2: Bôi thuốc kích thích ra rễ (mình dùng N3M bán ở các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật, 25k/lọ nhỏ) và đợi 2 ngày cho vết cắt khô.


Bước 3: Dùng một cái khay đặt vào chỗ khoanh vỏ như hình dưới.


Bước 4: Cố định khay và trải xơ dừa có trộn B1 lên nắp thùng sơn.


Sau một thời gian, rễ sẽ như thế này. Chúng ta chỉ việc cắt ra và đem trồng.

Phương pháp khác

Bạn khoanh vỏ rồi đợi cho vỏ phù lên một chút thì cắt cành đem giâm. Mẹo nhỏ này tỷ lệ thành công cao hơn việc cắt và giâm thẳng xuống đất.

Phần phụ: kỹ thuật chiết cành duối (tác giả Dương Văn Lạc)

Chiết cành duối

Thời gian tiến hành chiết là từ tháng 4-tháng 8 âm lịch. Sau khi khoanh vỏ, ta phải cạo sạch lớp nhựa mủ và những sơ còn sót lại ở phần chiết. Sau khi để khô được 1 tuần, ta cần cạo lại lần 2, bởi vì lần đầu cạo rất kỹ nhưng vỏ vết cắt còn chảy nhựa và loang ra vết cắt đó. Cạo xong lần 2 lại tiếp tục phơi thêm 1 tuần lễ nữa. Cứ khoảng 12-15 ngày, kể từ khi cắt lột vỏ là bó cành chiết. Đất bó bầu là đất bùn ải hoặc đất cát pha đập nhỏ, tưới ẩm nước rồi nhào với rơm đã phơi khô kỹ. Sau khi bó bầu xong ta ta dùng nilon bọc ngoài và lấy dây buộc chặt. Khi buộc nhớ để hở miệng phần trên bầu đất để tuới và hứng nước. Khoảng 60-75 ngày, kể cả cành hoặc cây chiết phát rễ rất tốt thì cắt đem trồng.

Đánh cả cây duối lên chậu

Trước tiên tưới ẩm đất xung quanh vùng gốc cây định đào bới, dùng chân xéo qua xéo lại làm cho đất nén thành khối, hạn chế vỡ bầu gây tổn thương nhiều lông hút rễ con. Khi đào quanh gốc với độ sâu bao nhiêu là tùy theo cây to hay nhỏ, rễ sâu hay nông, ta lấy vải, bẹ chuối hoặc bao sợi dứa quấn xung quanh bầu. Sau đó dùng dây cao su thiết thật chặt phần bầu đất đã được đào bới để bảo vệ bầu đất. Nếu ta định lấy độ sâu của bầu là 40cm thì ta cần đào sâu 60cm, dùng bao… cuốn xung quanh bầu với độ sâu 40cm. Từ độ sâu 40cm trở xuống ta đào khoét hầm toàn bộ phần gầm của bầu. Phần gầm bầu đào xong ta lót bao sợi dứa và dùng dây cao su buộc chéo chữ thập từ gầm bầu đất tới đỉnh bầu đất rồi thiết chặt. Làm như thế là toàn bộ vầng bầu đất đã được thiết chằng ngang dọc khá cẩn thận. Điều cần lưu ý trong khi đào bới nếu đụng chạm vào rễ cây mà cần phải cắt, ta lấy cưa cắt lựa khéo léo, nhẹ nhàng. Nếu dùng búa chim hoặc xà beng chặt mạnh thì toàn bộ bầu đất dù đã bó chặt vẫn rung chuyển mạnh gây đứt cụt nhiều lông hút rễ con ở trong bầu, các đầu rễ chặt bị dập, xước dài làm thối rễ và cây hay bị chết. Đối với duối, điều cực kỳ quan trọng khi đào bới là đảm bảo bầu cẩn thận, giữ lại được nhiều lông hút rễ nhỏ tương đối an toàn thì sau này cây mau hồi phục và phất triển nhanh.

Đối với duối tại vườn nhà, nếu đào bới khai thác mà chia làm mấy thời kỳ, làm cẩn thận có phần nào tốt hơn, vì trông khoảng thời gian cách nhật, cách nguyệt thì lông hút rễ con lại được mọc tiếp và phát triển.

Đối với những cây mọc ngoài đường, bên bờ bãi, gò, đồi,có hình dáng đẹp mà chia ra mấy thời kỳ đào bới thì ít khi còn lại phần mình, rất dễ vào tay người khác. Do vậy kỹ thuật đào bới là khâu quyết định. Tất cả các cây duối khai thác, đào bới tôi chỉ làm một lèo rồi đưa vào trồng ở chậu, hầu hết cây vẫn sống và phát triển tốt.

Để lại một bình luận

0988110300
chat-active-icon