Chia sẻ kinh nghiệm: DIY Tự chế thuốc bôi lũa lime sulphur

Chia sẻ kinh nghiệm: DIY Tự chế thuốc bôi lũa lime sulphur
Đánh giá

Một số khái niệm

  • Jin: là cành bị chết đi còn trơ lại phần lõi gỗ cứng.
  • Shari: phần lõi gỗ của thân cây.
  • Lime+sulphur: là vôi và lưu huỳnh. Hỗn hợp này dùng để bảo quản phần gỗ lũa lâu bị mục.

Tức là Jin&Shari hiểu chung là phần lũa của cây. Trong phong cách chơi cây hiện đại Jin&Shari là không thể thiếu bởi nó chứng tỏ cây đã trải qua sương gió dập vùi. Lũa khiến người xem cảm nhận ranh giới giữa sự sống và cái chết, sức sống bền bỉ của cây…

Mua nguyên liệu ở đâu?

Lưu huỳnh: xin ở phòng thí nghiệm hóa của trường, mua ở cửa hàng hóa chất, mua ở tiệm thuốc bắc, mua ở cửa hàng đồ khô ngoài chợ… Thật ra lưu huỳnh giờ đã bị coi là chất độc, bị hạn chế (do có những người thất đức đem bảo quản thuốc bắc, măng khô…bằng lưu huỳnh). Giờ ở Ninh Bình hỏi đâu cũng không có, bạn nào biết chỗ mua xin chỉ giúp.
Vôi: ra chỗ nào bán trầu cau hỏi mua. Còn ngoài cửa hàng vật liệu xây dựng ở Ninh Bình giờ không thấy bán nữa, không biết nơi khác thì thế nào.

Cách điều chế Lime Sulphur

Công thức: 1 vôi + 2 lưu huỳnh + 10 nước.
Cách điều chế:
– Hỗn hợp trên khuấy đều, đem nấu 50 phút. Trong khi nấu phải liên tục khuấy đều tay để lưu huỳnh hòa tan và tránh bọt tràn ra khỏi miệng nồi sẽ gây cháy.
– Nếu điều chế tốt và đảm bảo nhiệt độ vừa phải, dung dịch thuốc Lime sulphur sẽ có màu mận chín
– Lửa nhỏ quá, thuốc sẽ có màu vàng, công hiệu kém.
– Lửa to quá, thuốc có màu xanh, gây cháy gỗ và thân cây.
Bảo quản
Đóng vào chai nhựa, để nơi thoáng mát. Dung dịch dễ bay hơi và có thể gây cháy nổ. Tránh xa tầm tay trẻ em.

Cách sử dụng Lime Sulphur

Lưu ý: chỉ bôi thuốc lên gỗ đã chết khô ít nhất 6 tháng, không bôi lên gỗ còn tươi. Còn bạn xem clip nước ngoài họ hướng dẫn làm lũa hay dùng đèn khò để tẩy xơ gỗ cho lũa được mịn và làm khô gỗ, nhưng cách này rất nguy hiểm cho cây và không được khuyến khích. Nếu có dùng đèn khò thì chỉ nên dùng với cây cỡ lớn.
Bước 1: Xịt nước cho ướt phần gỗ cần bôi thuốc.
Bước 2: Lau khô phần vỏ cây, bởi nếu không thuốc lũa sẽ men theo nước mà loang ra vỏ cây, nhìn rất mất thẩm mỹ.
Bước 3: Bôi thuốc lên vỏ cây, sau đó lau lại một lần nữa phần thuốc loang ra vỏ. Nếu thuốc mới khô, có thể dùng một chiếc bàn chải đánh răng để đánh cho sạch phần thuốc loang ra. Lưu ý tránh để thuốc ngấm vào đất. Một lượng nhỏ thuốc thì không hại gì cho cây, chúng sẽ trôi đi khi ta tưới nước. Nhưng một lượng lớn thuốc sẽ bao bọc rễ cây làm chúng không hút được nước, giống như cây bị “bịt mũi” không cho thở vậy!
Sau vài giờ tới 1 ngày thuốc sẽ chuyển sang màu trắng. Tránh để cây tiếp xúc với nước trước khi thuốc kịp khô.

Tác dụng của Lime Sulphur

Hỗn hợp vôi & lưu huỳnh diệt hầu hết mọi loại nấm mốc. Với điều kiện thời tiết như ở miền Bắc, bôi chất bảo quản gỗ này 6 tháng 1 lần là đủ để tránh mối mọt. Tuy nhiên, thuốc chỉ có thể bảo vệ phần gỗ rất hạn chế. Nó không thể ngấm sâu vào bên trong thớ gỗ cho nên không dùng được thuốc này cho các loại cây gỗ mềm như sanh, si, đa. v.v

Trong tự nhiên, gỗ thông/tùng già cũng có màu trắng. Có thể ban đầu bạn không quen với màu trắng của gỗ. Nhưng bạn yên tâm, nhìn nó rất tự nhiên. Có điều gỗ lũa cần có thời gian, sương gió, nhiệt độ biến đổi làm cho nứt nẻ thì mới đẹp. Gỗ lũa mà trắng lốp như bôi vôi thì đúng là không tự nhiên thật. Gỗ lũa tự nhiên nhìn sẽ giống hình dưới.

Tổng hợp từ bonsai4me.com

 

Trả lời

0988110300
chat-active-icon