Vẫn như mọi bài viết trước, mình mong muốn cả nhà xem qua danh sách gần 200 loài, giống thực vật có cùng chi Ceropegia với loài Chuỗi Tim (Ceropegia woodii) này ạ:
Đây là một chi thực vật khá hay ho với nhiều loài nhìn như quái vật ngoài hành tinh, với hệ thống củ và thân tương đối đa dạng. Có lẽ điểm chung lớn nhất của các loài trong chi này là hình dáng và cấu trúc của hoa. Dưới đây là một số loài mà cá nhân mình (#dungcaxinh) thấy dị nhất:
Ceropegia là chi thực vật có hoa trong họ Apocynaceae (Họ La Bố Ma). Nghiên cứu phát sinh chủng loài của Surveswaran và ctv. (2009), Bruyns và ctv. (2015), Meve và ctv. (2017) cho thấy Ceropegia như định nghĩa tới thời điểm đó là cận ngành. Bruyns et al. (2017, 2018) đề xuất mở rộng Ceropegia để bao gồm toàn bộ các chi còn lại của phân tông Stapeliinae. Nếu điều này được chấp nhận thì chi Ceropegia nghĩa rộng là đơn ngành sẽ bao gồm khoảng 717 loài (đa số đã tuyệt chủng hoặc không có dữ liệu hình ảnh) đã biết và việc sử dụng các chi pha tạp là không cần thiết. (Theo Wiki)
Giới thiệu về Ceropegia woodii (Chuỗi Tim)
Loài này được Schltr. mô tả khoa học đầu tiên năm 1894.
- Tên khoa học: Ceropegia woodii
- Tên thường gọi: Strings of Heart, Chain of hearts, Collar of hearts, String of hearts, Rosary vine, Hearts-on-a-string, và Sweetheart vine.
- Tên tiếng Việt: Chuỗi Tim, Chuỗi Tim Tím, Tim Tím
- Tên tiếng Trung: 爱之蔓 (Ài zhī màn) – Ái Chi Màn
Vào năm 1881, loài này được John Medley Wood, người quản lý Vườn bách thảo Durban, phát hiện mọc rủ trên vách đá, tại núi Groenberg (Natal) ở độ cao 1800 feet (548 mét). Mười ba năm sau, vào năm 1894, ông gửi một cây còn sống cho Kew. Cái cây được gửi đến Kew này sau đó đã ra hoa, cung cấp dữ liệu cho số 7704 – Tạp chí thực vật của Curtis xuất bản năm 1900. Nghệ sĩ thực vật học Matilda Smith đã chuẩn bị hình ảnh dữ liệu, trong khi nhà phân loại học Kew, NE Brown, đưa ra bản mô tả chi tiết, đặt tên cây theo người phát hiện ra nó (Wood). Với tập tính bò lan, vẻ ngoài gọn gàng và khả năng chịu đựng chế độ chăm sóc “lười biếng” đã khiến Ceropegia woodii trở thành một loại cây lý tưởng để trồng trong giỏ treo.
Cây Chuỗi Tim Tím là một loại cây dạng bò, leo thân mọng nước thường xanh (không rụng lá vào mùa đông) (evergreen succulent trailing vine), cao tầm 10 cm (3,9 in) và lan rộng, các cành lan có chiều dài có thể lên tới 2–4 mét (6 ft 7 in – 13 ft 1 in). Lá có hình trái tim, khoảng rộng và dài từ 1 – 2 cm. Khi được chiếu đủ ánh sáng, chúng có màu xanh lục đậm; dưới ánh sáng không đủ, lá có màu xanh lục nhạt. Khi già đi, nó phát triển thành một cây gỗ ở gốc. Rễ và đôi khi ngay ở thân có khi sẽ phát triển củ. Trên thân leo, những củ này hình thành ở các nodes (mấu, mắt nối các thân) có hình ảnh rất giống chuỗi tràng hạt và có thể là lý do cho cái tên Rosary Vine của cây (Rosary có nghĩa là Tràng Hạt, Vine có nghĩa là cây leo). Nhìn chung, hình thức hoa của Ceropegia woodii tương tự như các loài thuộc chi Ceropegia, tràng hoa dài tới 3 cm và có màu pha trộn giữa trắng nhạt và đỏ tươi. Năm cánh hoa có màu tím đậm hơn.
Ceropegia woodii rất đẹp và hài hoà. Ở các vùng ôn đới, nó là một loại cây trồng trong nhà rất phổ biến, thường được trồng trong giỏ treo nên các cành có thể rủ xuống với các lá cách nhau tạo ra hình ảnh các chuỗi tràng hạt lớn. Rất nhiều giống đã được lai tạo với màu sắc và hình dáng lá khác nhau. Cây yêu cầu thoát nước tốt, chỉ nên tưới khi khô và không được để sũng nước. Cần loại bỏ nước thừa khỏi đĩa cây sau khi tưới. Chỉ có thể trồng ngoài trời ở các khu vực cận nhiệt đới và nhiệt đới có nhiệt độ tối thiểu là 15 ° C (59 ° F). Che một phần khu vực trồng cây sẽ hữu ích khi cây được trồng ngoài trời. Loại cây này đã đạt được Giải thưởng Công viên Vườn của Hiệp hội Làm vườn Hoàng gia (Royal Horticultural Society’s Award of Garden Merit) (xác nhận vào năm 2017).
Chăm sóc cây Ceropegia woodii (Chuỗi Tim)
Cây Chuỗi Tim (String of Hearts) nhỏ bé ngọt ngào này thường bị nhầm là một loại cây mọng nước (succulents) nhưng không phải vậy. Đây là một cây thuộc chi Ceropegia, rất kiên cường, dễ trồng và có cách chăm sóc tương đối giống một loại cây mọng nước khác, cây thuộc chi Hoya (xem danh sách hình ảnh và tên khoa học các loài thuộc chi Hoya TẠI ĐÂY ạ). Cả 2 chi này đều được gọi là “Cây leo mọng nước” (succulent vine).
- Ánh sáng: Đây là một cây chịu được ánh sáng từ trung bình đến cao. Thường thì không nên để cây hứng ánh nắng mặt trời trực tiếp quá lâu trong ngày, điều này sẽ dễ khiến cây bị héo hoặc cháy. Theo kinh nghiệm của mình thì để cây ở khu vực cửa sổ có ánh nắng được lọc hoặc ánh sáng mạnh (nhưng không phải là nắng trực tiếp) là hoàn hảo nhất.
- Tưới nước: Kinh nghiệm của mình là đối xử với cây như các loại cây mọng nước. Tức là chỉ nên tưới nước khi đất khô hẳn và để ráo sạch nước sau mỗi lần tưới. Với chậu treo nhỏ như của mình thì vào mùa hè mình tưới 2 ngày 1 lần, còn lại như mùa đông thì thường 3 – 5 ngày tưới 1 lần. Cách tưới nhanh là nhúng cả chậu cây vào nước cho ngập đến miệng chậu trong 2,3 phút để nước ngấm hết vào chậu cây rồi nhấc lên, cho ráo sạch nước rồi treo lại chỗ cũ. CÂY SẼ NGỦ ĐÔNG VÀO MÙA ĐÔNG NÊN NHẤT ĐỊNH PHẢI TƯỚI ÍT NƯỚC VÀO MÙA ĐÔNG.
- Nhiệt độ: Mình cảm giác khi nhiệt độ giảm xuống dưới 10 độ C, cây có dấu hiệu héo (như kiểu bị bỏng lạnh), nhất là các khu vực có gió lùa mạnh. Nên khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, theo mình thì không nên để cây ngoài trời, nên cho vào trong nhà. Với các khu vực nhiệt đới nóng quanh năm thì cũng nên cho cây vào khu vực mát mẻ trong những ngày quá nóng. Nhiệt độ lý tưởng mình thấy khoảng từ 20 – 30 độ C.
- Đất và giá thể: Yêu cầu chung là đất phải thoát nước cực tốt. Mình thường áp dụng công thức số 2 hoặc số 3 trong bài này: [Chia sẻ] Công thức trộn đất, giá thể trồng cây Hương Thảo (Rosemary)
- Sang chậu: Nên tách cây, sang chậu vào mùa xuân hoặc mùa hè.
- Phân bón: Cá nhân mình thường ít bổ sung các loại phân bón cho cây, thường chỉ bổ sung bằng các loại phân hữu cơ (ngâm từ các bã hoa quả ép, xay) hoặc cùng lắm là các loại phân nước hoặc phân tan chậm hoặc phân dê.
- Hoa: Mình thấy cây ra hoa nhiều vào cuối hè, cũng có khi cây ra hoa bất thường trong năm.
- Cắt tỉa: Nên cắt tỉa các cành chết, lá khô để cây dồn năng lượng cho các cành lá khoẻ mạnh khác ạ.
- Sâu và bệnh: Cây ít bị sâu bệnh, nhưng theo nhiều tài liệu thì có thể dính: Rệp sáp (mealybugs), Rệp (aphids), côn trùng cánh vẩy (scale) và ve nhện (spider mites).
Nhân giống Ceropegia woodii (Chuỗi Tim)
Các cách nhân giống thông thường
Đây là một cây dễ nhân giống, tuy thời gian để các cành cuttings ra cây mới thường khá lâu. Có 3 cách nhân giống thường được áp dụng (các cách nhân bằng lá hoặc hạt thường ít được dùng hơn vì hay bị thối lá hoặc thời gian nảy cây con quá lâu):
- Cắt các cành chứa nodes (mấu, mắt) và ngâm vào nước để cho rễ bung ra từ các mấu này
- Cắt các cành chứa nodes (mấu, mắt) và cắm vào đất, giá thể nhẹ và trồng thành cây độc lập luôn.
- Vắt cành rủ của cây mẹ vào chậu đất, làm sao các mấu nằm trên bề mặt đất, chờ khi các nodes bung rễ bám đất thì cắt cành tách ra khỏi cây mẹ.
Mình xin mượn hình ảnh của atreegarden để minh hoạ cho các cách trên:
Chúc anh chị em thành công trong việc nhân giống loài cây Ceropegia woodii (Chuỗi Tim Tím, Strings of Heart) tuyệt đẹp này ạ!!!!
(Phần tiếp theo)
Có thể nhân giống Ceropegia woodii (Chuỗi Tim Tím, Strings of Heart) bằng lá hoặc bằng hạt không?
Ceropegia woodii có thể được nhân giống bằng lá, nhưng quá trình này thường kết thúc ở việc chiếc lá sẽ bị thối rữa (khá giống trường hợp nhân giống bằng lá ở các loài Thu Hải Đường – Begonia) (Xem thêm ở BÀI NÀY ạ). Cũng có thể thành công, tuy nhiên sẽ mất nhiều thời gian để cây phát triển. Ceropegia Woodii dễ dàng được nhân giống bằng hạt, mặc dù quy trình cũng khá lâu so với các cách nhân giống bằng cành giâm (cuttings) ở phần trên.