Chúng ta chơi cây thì có ai mà không thèm thuồng, thích thú được làm chủ một bonsai cổ lão. Chỉ có điều là chả phải ai cũng có khả năng để được hưởng cái sung sướng làm chủ một cây già lão, dù là mới ở dạng phôi.
Thế nên cái việc dùng một vật liệu bonsai non trẻ để biến nó thành một “cổ thụ” trong chậu dưới cái nhìn của một người bình thường, là điều mà người chơi bonsai cần biết cách thực hiện.
Chính những quy ước bonsai sẽ có nhiệm vụ hướng dẫn chúng ta “nên làm thế nào” để cái “cây vật liệu 5, 10 năm tuổi” trong tay chúng ta “dễ dàng trở thành một cổ thụ” già trên trăm tuổi. Tức là cái cây vật liệu non trẻ ấy đã được chúng ta “cắt xén, uốn éo” và “trưng trong chậu” như thế nào đó để rồi nó mang bóng dáng một cổ thụ trên đồi, chứ không còn tí ti gì hình ảnh của một cây non trẻ.
Quy ước bonsai giúp chúng ta làm được chuyện đó. Thế nhưng, chẳng may, những quy ước mỹ thuật thị giác này lại bị một số bạn “làm biếng sáng tạo” đã chuyển nó ra thành “luật“. Với ý là “cây nào giữ đúng luật như vầy, như vậy … thì mới đúng là bonsai!”.
Thế cho nên, cuối cùng thì quá nhiều bạn đã dùng cái “khung”: cây bonsai là có hình dạng như thế: cành 1 phải thế này, cành 2 phải… và chiều cao cây thì gấp 6 lần đường kính thân…để làm ra những cây bonsai. Bởi thế mà hàng ngàn, hàng chục ngàn cây bonsai có cùng một khung đã được sản sinh trong nhiều năm.
Giá như những cây bonsai “cùng khung” này được coi như cây của một người tập chơi bonsai thì chắc cũng chả gì để nói. Không may, ngay cả những cây đem triển lãm cũng trong khuôn khổ như vậy thành ra mới có chuyện: người nước ngoài bảo sao cây bonsai triển lãm mà sao cây nào cũng giống cây nào? (Đây là chuyện của năm 2013).
Nếu lần giở những trang sách Kỹ thuật Bonsai, tỉ như quyển :
Kỹ Thuật Bonsai, Giáo Sư Lê Công Kiệt và Nguyễn Thiện Tịch, tái bản lần thứ 12 với bổ sung, 2012.
Hoặc như quyển Bonsai Techniques , John Yoshio Naka, 1973
Chúng ta sẽ chả bao giờ thấy tác giả nào nói: Đây là quy tắc bonsai!
Như trong quyển Bonsai Techniques thì ông John Y. Naka gọi là: Những (hiểu biết) tổng quát tiếp cận Bonsai.
Còn trong sách của Giáo Sư Lê Công Kiệt thì gọi là: Vài Quy Ước Thẩm Mỹ.
Làm gì có ai gọi những tỉ lệ giữa thân, cành, gốc, chậu…là quy tắc hay luật lệ gì đâu?
Đa phần thì chúng ta ít nhiều đã đọc đâu đó trong sách hay trên internet một số những chuyện về “quy ước mỹ thuật” dùng trong bonsai. Kiểu như:
- Cây có nên tỉ lệ đường kính gốc / chiều cao = 1/6,
- Chậu nên có chiều dài gấp 3 đường kính gốc cây,
- Chậu nên có bề sâu bằng đường kính gốc cây,
- Cành thấp nhất nên ở 1/3 chiều cao thân,
- Khoảng cách các cành (trên thân) càng lên đỉnh càng nhặt ….
Tất cả những tỉ lệ nêu trên (mà chúng ta hay lầm lẫn gọi là quy tắc bonsai) chẳng qua chỉ là những nhận xét của “cổ nhân” khi thấy một “cây đẹp, già lão, dễ nhìn” thì thường xuất hiện những chi tiết na ná như trên. Từ đó, người ta rút ra những kinh nghiệm: muốn biến những cây non trẻ trông cho có vẻ già lão thì chuyển về những “tỉ lệ” như trên. Lúc đó, nhận thức của người xem sẽ “bị xáo trộn”. Tức là như kiểu Andy giải thích trong tập sách của ông ta ở chương 4: Những Thách Thức dính liền với tính Nghệ Thuật của Bonsai (Những việc cần đối đầu để đạt tính Nghệ thuật trong Sáng tạo Bonsai)
Nếu các bạn đọc vài lần chương 4 của sách ông Andy, chúng ta có thể thấy ngay: những người làm nghệ thuật bằng cây Bonsai đã dùng hình ảnh cây cối trong thiên nhiên làm cơ sở. Thế nhưng (tương tự những họa sĩ vẽ tranh phong cảnh):
- Chúng ta tự sắp xếp lại những phần trên cây để trông nó gọn gàng, thuận mắt, mỹ thuật… (điều mà chúng ta hay gọi là: bố cục tác phẩm); chứ nào có phải cứ bắt chước y hệt thiên nhiên là mỹ thuật đâu. Hình ảnh thiên nhiên gây cảm hứng là điều tốt nhất.
- Trong khi tạo tác phẩm bonsai, chúng ta còn đưa vào đó những cảm xúc, cảm nghĩ của cá nhân chúng ta. Thế nên, cái cây bây giờ sẽ trở nên “một tác phẩm diễn tả một câu chuyện ẩn chứa xúc cảm con người”. Nếu được như vậy: cái cây trở thành một tác phẩm nghệ thuật (nghệ thuật =truyền đạt).
Để đạt được 2 chuyện trên, nếu ứng dụng những tỉ lệ ( kỹ thuật) liên quan đến tỉ lệ vàng, chúng ta có thể “ăn gian một chút” khi phô diễn cây ra trước mắt người khác:
- Ăn gian về kích cỡ
- Ăn gian bằng cách cho cây ngả ra trước
- Ăn gian bằng cách cắt tỉa tỉ lệ cành với thân
- Ăn gian bằng cách xếp cành nhặt dần ở phần ngọn thân
- Ăn gian bằng cách tạo một góc nhìn đặc biệt cho cây ( phép phối cảnh)…
Kể cả việc chúng ta diễn tả một vài chi tiết trên cái cây “hơi lố” lên một chút, cũng nhằm để “đánh lừa” mắt người xem (chú ý chuyện này mà quên đi, hay bỏ qua chuyện khác).
Nói tóm lại, ông Andy, trong chương 4, đã giải thích rất rõ cho chúng ta thấy những quy ước thẩm mỹ về tỉ lệ, cùng một vài thủ thuật, mà nếu khéo dùng, chúng ta có thể dễ dàng biến một cây non trẻ thành một cây già lão “dưới mắt nhìn của một người bình thường”. Vấn đề chính yếu là khi dùng những “thủ thuật đó”, cái cây bonsai của chúng ta có nói lên được chuyện gì hay không? (nghĩa là cây được kiến tạo có mục đích truyền đạt điều gì đó, hay kể câu chuyện nào đó).
Cho nên, với hình ảnh cùng một cái cây (hình trên), khi được mô tả dưới 3 góc nhìn khác nhau (xa, gần, cận cảnh), cây sẽ có 3 bộ dạng khác nhau. Vậy thì:
- Nếu bạn chọn “diễn tả cái cây ở cách xa”, bạn nên uốn cái cây tương tự hình thứ nhất. Một khi cây đã ở xa, vậy thì bạn không nên để cây lộ ra từng cái rễ hay rõ mồn một từng cái lá (tính đồng nhất).
- Tương tự, diễn tả cái cây hơi hơi xa, thân cành rõ nét hơn một chút, nhưng cũng chả thể nào nên thấy rõ từng vết nứt trên vỏ?
- Còn như muốn diễn tả cái cây ở gần ngay trước mặt, lúc này bạn khoe lộ bộ rễ, vỏ sần thì hợp. Dĩ nhiên là dưới gốc nhìn lên thì bạn cũng thấy đường thân vặn vẹo và thân ngắn chũn lại.
Cho nên, có 2 trường hợp hoàn toàn trái ngược nhau trong diễn tả:
- Vì những thể hiện quá rõ nét trên cái cây: bộ rễ lồi đẹp, vỏ nứt sần… bạn phải chọn diễn tả cái cây ở góc nhìn gần (mọi thứ rõ nét), vậy thì cách diễn tả chi cành và cỡ lá của một cây nhìn gần cũng cần phải phù hợp.
- Ngược lại, bạn muốn diễn tả một đại thụ được nhìn từ xa, vậy thì bạn chả nên chọn những cây lộ rõ vỏ, rễ hay lá to, hoặc thân cong queo. Dĩ nhiên những loài cây lá ri rí và thân cây hơi cao, thẳng sẽ dễ dàng diễn tả chuyện này.(và nếu cây được nhìn từ xa, bạn cũng cần chuyển cây sang mức tỉ lệ hoàn toàn khác với cây nhìn gần. Thí dụ như mức tỉ lệ 1:15 (nhìn hơi xa) thay vì 1:6 (nhìn gần)
Chúng ta có thể xem lại ba góc nhìn: Xa, hơi xa, cận cảnh qua 3 tác phẩm dưới đây. (Hình trích trong quyển Vision of My Soul, tác giả Robert Steven).
Cây nhìn từ xa:
Cây nhìn hơi hơi gần:
Cây nhìn rất gần:
Thực sự thì những tỉ lệ mỹ thuật chỉ là như vậy, thế nhưng, khốn nỗi, có một số người có lẽ vướng vào chuyện “làm biếng sáng tạo”, thế nên khi vừa nắm được chút chuyển dạng của một cây “phôi” sang một cây bonsai với tỉ lệ 1:6 bèn là coi như: chỉ như vầy mới là bonsai! Thế nên, rốt lại thì: cây nào cũng chỉ rập khuôn một tỉ lệ, một kiểu phân cành? Có lẽ rồi từ đó chúng ta đã có cây bài chăng?
Có lẽ chỉ duy nhất quyển sách kỹ thuật của ông John Naka là đề cập đến những tỉ lệ trên một bonsai rút ra từ tỉ lệ vàng. Nhưng tiếc rằng, mặc dù ông John Naka chỉ đưa ra những tỉ lệ giúp mắt người ngắm cây dễ thấy ra được một đại thụ trong chậu và đặc biệt ông John Naka dùng một cây trực làm chuẩn cho thí dụ, một số người khi thử áp dụng những tỉ lệ này đã thấy “hiện ra một cây bonsai tuyệt vời”(?). Nó tuyệt vời có lẽ vì có hình dạng của nó khác hẳn với mọi loại cây mà một người bình thường vẫn hay thấy ngoài đường hay trong chậu ngoài sân. Thế là hình ảnh một bonsai với cành 1, cành 2, cành 3, và vòm lá hình tam giác đã trở thành “một chuẩn định cho cây được gọi là bonsai”(?). Nghĩa là “phải có hình dạng và cách xếp đặt cành 1, cành 2, cành 3 như vậy mới là bonsai”.
Nếu có bạn nào còn giữ những số báo Hoa Cảnh của các năm 2009, 2010, 2011, 2012 xem lại các bài viết chủ đề “Cùng nhau xây dựng tác phẩm Bonsai” của tác giả Tần Kịch, chắc hẳn các bạn sẽ nhận ra ngay: bất kỳ một cây đưa vào chậu bonsai dáng nào, cuối cùng cũng đều được tác giả để nghị chuyển sang kiểu cành 1, cành 2, cành 3 (có lẽ thỉnh thoảng có chút khác biệt ở chuyện thưa thớt tàn lá nhiều ít).
Một khi những quy ước tỉ lệ Mỹ thuật được chuyển đổi thành quy luật và được mọi học viên tuân thủ để được công nhận: đã chuyển một cây phôi cành lá tùm lum tà la thành một cây bonsai với cành 1, cành 2, cành 3 ở
đúng vị trí quy định (theo quy luật). Thế là học viên tốt nghiệp sau khi đã nắm giữ và tuân thủ mọi “quy tắc bonsai”(?).
Thành thử, hễ mà thấy một tác phẩm như hình dưới, chắc hẳn những bạn từng được học và “cố gắng tuân thủ quy tắc bonsai” khi nhìn những tác phẩm như kiểu trên sẽ thốt: “cái cành âm như thế là lỗi! Cắt bỏ ngay!”
Mình đoán là những năm 2011 sang 2012, giống cây Mai Chiếu Thủy trong miền Nam bùng phát. Bởi đây vốn là giống cây đã được ông bà ta dùng làm cây Kiểng với những đặc tính ưu việt, thế nên nay đưa vào Bonsai có vẻ rất dễ ăn: nhanh chóng hình thành tác phẩm. Đã thế, không ít những cây Mai Chiếu Thủy với hình thức gần như “cố định”, đạt giải thưởng trong các cuộc thi. Thế là hình ảnh những cây Mai Chiếu Thủy với dạng cành 1, cành 2, cành 3 nằm đúng vị trí quy định tạo thành vòm tam giác, đã trở thành “mẫu mực bonsai”, để rồi được gọi là cây bài.
Chả biết có đúng không, mình chỉ đoán là có lẽ trên thế giới, chỉ có miền nam Việt Nam là có hiện tượng “cây bài Bonsai”(?). Có lẽ do phong trào Bonsai bùng phát nhanh quá, rất đông người cùng xắn tay áo “nhào vào
thú chơi”, để bắt kịp “trào lưu”, các lớp bonsai nở rộ và đưa ra phương thức: “cây bonsai là thân phải như vầy, cành 1,2,3 phải mọc như vầy như vầy cho đúng quy tắc”. Mà thực sự thì một cây sau khi được cắt và uốn theo quy tắc đó, trông nó “rất bonsai”! Thế nên sau vài năm, khu vực miền Nam Việt Nam đã có một “kiểu Bonsai rất bài bản”(?).
Có lẽ, dưới mắt kinh doanh, việc kiến tạo kiểu bonsai cây bài sẽ rất nhanh chóng phát triển. Giá trị cao thấp chỉ còn tùy vào việc phát triển chi dăm ở các cành 1,2,3. Mà việc này, đối với cây lá bản ưa nước như Mai Chiếu Thủy thì chắc chả khó khăn.
Nhưng xét về mặt nghệ thuật thì cuối cùng mình có thể nói: cây bài chả truyền đạt được chuyện gì!
Vào cuối năm 2014, mình nhớ đã đọc trong số báo Hoa Cảnh nào đó (báo được anh Nguyễn Thiện Tịch gửi qua mail), đã có bài viết đặt vấn đề: xét lại việc chơi bonsai với cách định vị cành 1, cành 2, cành 3. Vả lại, nếu có dịp xem ở những sách vở Bonsai khác, mình đố các bạn tìm thấy có quyển sách ngoại quốc nào “đề cập đến các quy tắc tỉ lệ cây bonsai phải có”. Ngay như, quyển của Giáo sư Amy Liang, bà ta cũng chả hề đề cập gì đến bất kỳ một tỉ lệ nào trong suốt quyển sách dày 288 trang.
Mà ngay đến những quyển sách về căn bản Bonsai mới xuất bản một vài năm nay, như quyển “The Foundation of Bonsai” ( Bonsai Căn Bản) của anh chàng Harry Harrington xuất bản năm 2015, tuy hết sức chi tiết nhưng tác giả này không hề đá động gì tới những tỉ lệ hay điều gì gọi là quy tắc bonsai!
Tóm tắt lại :
- a.Tỉ lệ trong bonsai chỉ là một trong hơn 7 nguyên tố căn bản cho một sáng tác nghệ thuật.
- b. Cụ John Naka trong sách Kỹ thuật Bonsai nhắc lại vấn đề “tỉ lệ vàng” để giải thích một số những tác phẩm bonsai. Theo đó, những tác phẩm đẹp, thuận mắt, thường có những tỉ lệ thân, cành chậu phù hợp tỉ lệ vàng.
- c. Việc hướng dẫn những căn bản bonsai tại một số vùng miền đã dựa trên sự hiểu lầm: dùng một gợi ý tỷ lệ mỹ thuật (trong số nhiều tỉ lệ khác) để đặt ra quy định chuẩn mực bonsai. Từ đó, các học viên “giữ cứng” những quy tắc chuẩn mực này cho mọi tác phẩm nên không còn tính nghệ thuật. Tình trạng này gây ra hiện tượng “cây bài Bonsai”, có lẽ chỉ có ở Việt Nam (?).
- d. Cây bài là 1 dáng cây đẹp, tuy nhiên không chỉ có mỗi dáng đó trong bonsai. Làm cây nên tùy cảm hứng và đặc điểm riêng của từng phôi.
Mình chả hiểu là đến Hội Hoa Xuân năm 2016 thì hình ảnh tổng quát những cây Bonsai sẽ như thế nào. Chứ còn so sánh một số hình ảnh bonsai triển lãm từ năm 2013, đến triển lãm tháng 6-2015 vừa rồi, kết quả của “quy tắc cành 1,2,3” vẫn còn phảng phất khá rõ. Thế nên, đứng từ xa mà ngắm một dàn cây bonsai triển lãm là đã phần nào nhận ra “nét đặc biệt Việt Nam”.
Nếu so sánh với triển lãm ở bất kỳ quốc gia nào khác, ta đều dễ dàng nhận ra sự khác biệt: