Nguồn: Andy Rutledge
Biên dịch: bác Vũ Hưng trong caycanhvietnam.com.
Nét đẹp của tác phẩm bị phá hỏng
Bạn có để ý là đôi khi bạn gửi hoặc nhận một email thì bạn rất dễ hiểu sai ý nghĩa của bản email đó không?
Chuyện hiểu sai ý như vậy thì xảy ra hoài. Người gõ phím gởi email với nội dung có ý tốt hoặc là chả có gì quan trọng, thế nhưng người nhận đọc xong lại có cảm giác như người thảo ra cái email này đang giận dữ hay căng thẳng lắm.
Chuyện này xảy ra cũng bởi con người ta vốn quen dựa vào nhiều thứ để đoán định trong giao tiếp; trong khi đó email thì chả có nhiều thứ như thế được (chỉ chữ là chữ).
Khi đối diện giao tiếp với nhau thì những ngôn từ được nói ra miệng cũng chỉ truyền đạt được một nửa cái điều người ta muốn nói. Khi mà nói chuyện trực diện, một mặt chúng ta mở miệng nói điều chúng ta muốn nói, nhưng đồng thời cả thân hình của chúng ta cũng lắc lư , khoa chân múa tay, thêm sắc mặt, giọng nói, trợn mắt, nhíu mày….Thành thử sự truyền đạt tư tưởng của hai người đối thoại trực diện nó là tổng hợp của nhiều thứ rất chi tiết. Bởi vậy, nếu chúng ta mà bớt đi một số những thứ ấy (tỉ như không nhìn thấy người đối diện, không nghe giọng nói họ,…) thì việc truyền đạt nó sẽ khó đạt.
Thế bây giờ, giả như bạn muốn Bonsai của bạn tạo dáng sẽ diễn giải điều gì đó tới người xem, thế nhưng nếu bạn mà không biết lợi dụng đúng ý nghĩa của “ngôn ngữ” thể hiện ở từng chi tiết trên cây, thì việc truyền đạt ý nghĩa ắt bị phá hỏng. Nghệ sĩ muốn truyền đạt thì cần nắm đủ mọi thể loại, sắc thái hệt như lúc người ta trực diện đối thoại vậy. Bạn mà vờ mấy “yếu tố truyền đạt” này đi, là khả năng truyền đạt của bạn tới người xem sẽ bị giảm mất ngay.
Khái niệm “đa chiều” về việc truyền đạt trong sáng tạo Nghệ thuật được gọi là Tính trọn vẹn của mẫu Thiết kế. Tính trọn vẹn này chỉ đạt được khi mọi chi tiết của việc tạo dáng đều cùng hòa đồng với nhau để nêu ra chuyện gì đó.
Thành phần tạo bố cục của một cái cây
Một khi các bạn đã nắm được ý nghĩa của dáng thân này, dạng cành kia, chúng sẽ diễn tả chuyện gì (như đã nói ở chương 1), thế là các bạn hiểu được ngay giống cây nào thì nên nằm trong những kiểu tạo dáng nào. Đã thế, các bạn hẳn là còn biết cách làm lộ ra những thứ mà môi trường gió bão nắng gió tác động vào cây (khiến nó ra vẻ thế này thế nọ). Có trong tay mọi thứ như vậy rồi, giờ thì chỉ còn chuyện chúng ta sắp xếp chúng lại với nhau để sao cho có một “bố cục mạch lạc”.
Bố cục của một Bonsai cũng chả khác gì bố cục của một cái bánh ngọt. Cứ là thân, cành, đọt, lá, rễ và chậu hòa nhau thành một tác phẩm thì cũng như kiểu lấy bột, đường, sữa, đậu trộn nhau kiểu nào để nướng ra cái bánh. Bạn thấy đấy, tạo ra một bố cục ngon lành thì có khác gì làm ra một cái cái bánh mà nhìn ứa nước dãi !
Điều cần thiết chúng ta phải luôn nhớ trong đầu là mọi thành phần của cây, mọi đường nét sắc thái diễn tả từ mọi chi tiết ở cây…đúng vậy ! tất cả mọi thứ phải là cùng nhau hợp thành “một điều muốn truyền đạt” (tới người xem). Mà quan trọng nhất là “đừng chế thêm” điều gì khiến đi ngược lại cái ý bạn muốn cây truyền đạt. (Chả lẽ bạn “chế thêm” ít giấm vào cái đám vật liệu làm bánh ngọt ?).
Nói như thế không phải là bảo mẫu thiết kế của bạn cứ là suông đuột hay đơn điệu. Rõ rằng sự cô đọng là điều cần thiết cho việc thiết kế, thế nhưng cái tính nhất quán (hòa hợp tất cả các chi tiết để nhắm diễn tả chỉ một chuyện) vẫn là điều chúng ta cần nắm nắm để chi phối mọi kiểu mẫu thiết kế. Đó cũng chính là nền tảng để rằng chúng ta có muốn “chế thêm gì” (lệch ra ngoài một chút) thì cũng cốt để “bổ sung” cho ý muốn diễn tả.
Muốn xem cây bạn làm ra có “tính truyền đạt nhất quán” không (tức là mọi chi tiết đều quy về một chuyện muốn nói.- chú thích của người dịch), thì bạn cứ việc nhìn vào những chi tiết trên cây, tự đặt ra câu hỏi rồi trả lời.
- Đường thân diễn tả gì nhỉ?
- Mức tỉ lệ giữa chiều cao cây với chiều rộng vòm tán lá là ý muốn diễn tả gì?
- Hướng chuyển động của đường thân diễn đạt điều gì?
- Vị trí cây nằm trên mặt chậu (ra trước, lùi sau, sang phải hay trái chậu) là tả chuyện chi?
- Góc độ gốc thân so với mặt đất chậu muốn tả chuyển gì?
- Góc độ ngả xuống hướng lên của cành so với đường thân là ý ra sao?
- Dạng cành (thẳng, cong, quặt quẹo) là sao?
- Hướng chuyển động của cành muốn nhắm chuyện gì?
- Cách phân chi của cành là chỉ ý gì?
- Kiểu thuôn vót của cành cho ngụ ý gì?
- Cách phát mạnh vùng đỉnh của cây là muốn nói chi vậy?
- Lá nhiều, lá lơ thơ là ý gì?
- Dạng vòm lá muốn nêu chuyện gì?
- Cách phân bố tán tàn của tổng thể vòm lá là kể chuyện gì cho người xem?
- Thế còn những khoảng trống trong “Bố cục”, nếu nhiều, là ý gì? Nếu ít là ý gì?
- Dạng vỏ (thô, mịn, sần nứt, láng bóng…) là tả cái gì vậy?
- Màu vỏ (đậm, nhạt, nổi, mờ…) là ý nói chuyện gì?
- Tổng thể mọi chuyện ở phần vỏ là muốn chỉ hết vào một chuyện gì nhỉ?
- Hệ rễ ( to, nhỏ) mà người xem thấy được là ý muốn bảo người ta chuyện gì?
- Kiểu rễ (xòe rộng, bấu đất, lổn ngổn, quấn quýt) lộ ra trước mắt là muốn tả cái gì?
- Điểm đặc biệt của loài cây được dùng ở đây nhằm tả hay muốn chứng minh chuyện gì?
Và ….vân vân….
Ấy là các thành phần của riêng cái cây thì như những chuyện mới nêu trên. Chứ còn “diễn tả tổng thể” (nhất quán) thì phải tính cả chậu và đất trồng. Các câu hỏi chúng ta tự nêu như vầy:
- Hình dáng chậu muốn nhấn chuyện gì?
- Màu chậu nói lên cái gì?
- Cỡ chậu (lớn nhỏ so với cây) là ý chỉ chuyện gì?
- Chân chậu (đơn giản, chạm trổ, thẳng gọn, xòe rộng…) cốt để diễn tả cái gì?
- Chậu sâu, chậu cạn là mục đích gì của thiết kế?
- Thế đất ở mặt trồng (bằng phẳng, dốc xuôi thoai thoải…) để diễn tả chuyện gì?
- Mặt đất trồng được tô điểm đá sỏi, rêu phong là muốn chỉ ra chuyện gì?
Mọi trả lời cho tất cả những câu hỏi nêu trên sẽ chỉ cho các bạn biết: thiết kế của chúng ta có hòa hợp làm một không (nhất quán). Chả cần gì mọi câu trả lời cho các câu hỏi trên phải giống hệt nhau. Thế nhưng những trả lời đó hòa đồng, ăn khớp nhau để cùng nhằm vào “diễn tả cùng một chuyện”. Bất kỳ câu trả lời nào có vẻ như “không ăn khớp” với mục đích diễn đạt, có nghĩa là chi tiết ở cây (của câu trả lời đó) đã ” đối nghịch”, đã làm nhạt đi tính nhất quán của mẫu thiết kế.
Chuyện như vậy thì cũng chả khác thí dụ như vầy. Trong một dàn nhạc với đủ thứ nhạc khí: đàn sáo kèn trống. Cả dàn nhạc đang cùng diễn tấu một khúc nhạc truyền cảm, nhẹ nhàng. Đột nhiên, đám kèn lại thổi lên một khúc nhạc “xung trận”, thế có phải là “tính nhất quán” của dàn nhạc chả còn. Một đằng thì hầu hết mọi nhạc công đang cố sức diễn tả những cung bậc du dương ru hồn người, một bên thì mấy tay thổi kèn lại vút ra tiếng nhạc mạnh bạo như thể đang ác chiến. Thế thì người đi xem chắc “phát điên” và ắt là sẽ đòi tiền lại!
Các bạn nên lưu ý rằng: nếu có câu trả lời nào cho bất kỳ câu hỏi được nêu mà chả thấy ăn nhập gì cho mục đích diễn đạt, thì rõ là chúng ta phải xem lại. Giải pháp cho việc “xem lại” này có khi cần một thời gian dài mới ”xong”, thế nhưng chí ít thì các bạn cũng “biết được chỗ nào không hay” để mà dồn sức sửa chữa.
Còn như các bạn không trả lời được những câu hỏi đặt ra như trên, thì quả là các bạn “chỉ thiết kế cầu may” đấy thôi. Bạn uốn cây mà chả biết bạn đang muốn cây diễn tả cái gì thì sao mà bạn thành công được?
Tôi hy vọng rằng những chuyện tôi đề cập trên đã khiến bạn hình dung được mức quan trọng thế nào khiến bạn cần nắm được thật nhuyễn (cách xài) những ngôn ngữ của cây cối trong việc sáng tạo Nghệ Thuật.
Nhằm giúp gợi ý cho các bạn nắm được loại đặc điểm nào của cây nó có thể diễn đạt điều gì tới người xem, các bạn nên tham khảo trở lại chương 1: đường nét, hình dạng, màu sắc, độ thô mịn cấu trúc.
Những diễn giảng của mọi thể loại nghệ thuật (âm nhạc, điện ảnh, hội họa…) sẽ đều có liên hệ tới nỗ lực thực hiện thiết kế bonsai của các bạn.
Những Vấn Đề của Tính Nhất Quán
Một khi cây Bonsai bị bỏ thí để tự nó mọc tùm lum, hoặc nghệ nhân chưa đủ chu đáo để tạo được sự toàn vẹn cho mẫu thiết kế, lúc đó những “xung khắc” có thể sẽ xảy đến trên mẫu thiết kế. Kết quả thì thường là kém mức truyền đạt hoặc là (mấy kiểu phát cành, lá, phù thân, rễ…) chả có tí ăn nhập gì tới việc truyền đạt cả.
Nếu quan sát thật kỹ, với chút nghiêm khắc (không khoan nhượng), vào bố cục tác phẩm, thì có thể bạn khám phá ra được “những xung khắc” cho mẫu thiết kế. Hoặc bạn cũng có thể dùng những câu trả lời cho bảng câu hỏi, mới nêu ở phần trên, để giải quyết vấn đề xung khắc khiến cây bonsai này thiếu tính nhất quán.
Nhắc lại lần nữa: hễ bất kỳ câu trả lời nào không ăn nhập gì tới mục đích bạn mong muốn, thì đấy chính là điểm xung đột gây giảm tính nhất quán cho mẫu thiết kế (nhớ đọc ra là: làm giảm tính sáng tạo nghệ thuật và cả tính truyền đạt).
Thiếu tính nhất quán của tuổi cây và sức mạnh
Lấy thí dụ như cây Thông đen Nhật Bản dưới đây. Cây có thân đồ sộ, vặn qua vặn lại, có độ vót, vỏ già cùng với hệ rễ tỏa lộ trên mặt đất. Thế nhưng, chúng ta lại có những cành nhỏ nhắn, dài sọc, hơi cong vòng, mà lá thì chỉ vài túm lơ thơ ngoài ngọn cành. Vậy là mẫu thiết kế tệ quá = hỏng!
Đường thân diễn tả: năng lực, nam tính, tuổi tác, môi trường khắc nghiệt.
Hệ rễ lộ diễn tả: sức mạnh, tuổi đời, nam tính.
Các cành diễn tả: mềm mại, nữ tính, non trẻ, yếu đuối.
Các bạn có thấy điều xung khắc ở các chi tiết diễn tả? Hai thành phần chính (thân, rễ) cùng nhắm một mục đích diễn tả. Trong khi phần chính thứ ba là cành lại phô ra những điều trái ngược hoàn toàn mà người xem chả sao lý giải được.
Điều này có nghĩa rằng: chúng ta cần bỏ nhiều thời gian hơn để liệu nuôi trồng, uốn tỉa sao cho mấy cành cây Thông cũng chuyển đạt sự già lão, nam tính, chống chọi với môi trường nắng gắt, gió to, thì mới chuyển thiết kế về mức đồng nhất trong diễn tả được.
Thiếu tính nhất quán ở môi trường phát triển
Giả như các bạn có cây như hình dưới. Rễ thì chỉ lộ lên ở một bên gốc. Thân cây mảnh mai và hơi cong vòng. Thế nhưng, đám cành mọc thẳng từ thân ra lại nằm ngang mặt đất. Vậy là chả nhất quán rồi = bố cục xấu!
Rễ lộ một bên diễn tả: hướng chuyển động của thân, chút yếu đuối của cây
Đường thân diễn tả: thân cây bị môi trường làm biến dạng (so với dạng nguyên thủy), nữ tính
Các cành diễn tả: sức mạnh, nam tính, ổn định (không bị môi trường làm biến dạng), cứng cáp
Cây như trên thì Thân và rễ gợi cho người xem “thấy” được lý do (môi trường) đã khiến cây có hướng phát triển, chuyển động “bất bình thường”. (Đúng ra thì) những những lý này cũng phải tác động lên “cách chuyển động” của cành mới phải. Thế nên dạng thẳng băng của cành đã “nghịch” với những phần khác của cây. Sự “nghịch” này đã khiến cho bố cục tác phẩm “thiếu cân xứng”.
Thiếu tính nhất quán ở độ tuổi ngụ ý diễn tả
Với hình ảnh cây Du bonsai dưới đây, mẫu thiết kế là hình ảnh một cây Du được nhìn ở mức rất gần.
- Chậu có màu tối, góc cạnh.
- Cây trông hết sức mạnh mẽ với đường thân vót.
- Cành thấp nhất có hơi lớn một chút.
- Các cành nhỏ dần lên tới đỉnh.
Thế nhưng, cấu trúc phần đỉnh lại chóp nhọn, chỉ ra: cây còn non trẻ!
Chậu diễn đạt: sức mạnh, nam tính, cây già lão
Đường thân diễn đạt: cận cảnh, cây đầy mãnh lực, nam lão niên
Đỉnh ngọn diễn đạt: tuổi trẻ, kiểu dáng nhóm Tùng bách
Vậy là bonsai này đã lộ “Thiếu tính nhất quán ở độ tuổi”.
Hầu hết những yếu tố cấu thành tác phẩm đều toát lên dấu hiệu diễn đạt “tuổi già”. Thế nhưng phần đỉnh ngọn cây lại phô diễn nét trẻ con. Những cây già lão, đặc biệt là nhóm cây lá bản, thường có vòm lá tròn đầu. Đỉnh nhọn của vòm lá cây Du Bonsai trên, đã xung khắc với mọi yếu tố khác trong bố cục tác phẩm này.
Góc độ lệch lạc (của thân/cành) – trừ khi muốn tạo điểm nhấn, và sự thiếu nhất quán đường mạch chính
Khi mạch chính của một tác phẩm, thường là đường thân, có dạng thiếu tính nhất quán hoặc là không đồng nhất về những đoạn biến động đột ngột, chuyện như vậy sẽ tạo sự khó chịu về mức “căng” trong bố cục tác phẩm.
Tương tự, khi một cành riêng lẻ nào đó di lệch ra ngoài hướng chuyển động của các thành phần trong bố cục, nó cũng sẽ tạo tình trạng “mất tập trung”. Tuy kiểu lệch lạc này có thể dùng để tạo điểm nhấn tác phẩm, nhưng cũng chả nên để nó nổi mạnh quá ( “trùm lên hết tác phẩm”) và cũng đừng quên: cần một lý do hết sức rõ ràng cụ thể nào đó để khiến cho cái cành lệch lạc đó hiện diện.
Cây Thông trên biểu hiện vấn đề mạch chính thiếu tính nhất quán (giữa nhiều chuyện khác nữa). Đường thân khởi lên thẳng tắp tới nửa chiều cao, rồi (đột nhiên) xuất hiện đường cong quẹo!
Tính nhất quán của góc độ các cành trên cây Tùng Juniper ở trên đã bị cái cành lệch lạc bên trái gần đỉnh (gạch đỏ) làm mờ nhạt.
Bạn để ý góc độ lệch lạc của mớ cành bên trái vùng đỉnh (trong vòng đỏ) ở cây Phong Nhật Bản trên. Những cành này “xung khắc” với tính đồng nhất về góc độ của tòan bộ chi cành trong bố cục tác phẩm. Những cành này “vô trật tự” và làm loãng bố cục, bằng không cây này hẳn là một bonsai rất đáng nể.
Những thí dụ đơn giản nêu trên hẳn sẽ giúp các bạn hình dung ra được vài chuyện mà bạn nên chú ý kỹ hơn trong việc lập mẫu thiết kế bonsai. Tính nhất quán ở toàn bộ diễn đạt trên mọi chi tiết sẽ cùng tạo ra một thiết kế đầy sức thu hút. Tính nhất quán còn gia tăng thêm mức đậm đà của điều bạn muốn gởi tới người xem, như thế nó càng giúp cho mẫu thiết kế trở nên hiện thực, với mức thành công cao.
Sơ suất trong Bố cục (trưng bày)
Thêm vào những chuyện thường được “lỗi” và khuyết điểm trong bonsai, vấn đề sơ suất trong việc (phô diễn) bố cục tác phẩm cũng lắm chuyện cần tránh. Những sơ suất này vốn dựa theo những căn bản quy tắc nghệ thuật mà người ta thường gọi tên là: những chuyện gây mất tập trung, giảm (lệch) hiệu quả, thiếu tự nhiên, hoặc không phù hợp trong nghệ thuật trưng bày bonsai.
Đường tiếp giáp bị chạm
Khi 2 đường hay 2 mặt ngoài của 2 vật thể (khác nguồn gốc) chạm nhau tại một điểm, chính điểm này sẽ gây cho mắt nhìn bị phân tán (mất tập trung, lệch đường nhìn). Một khi sơ suất trong bố cục gây tình trạng tiếp xúc này, nó sẽ “dẫn dắt” mắt người xem lệch ra ngoài “đường chuyển động” của bố cục tác phẩm.
Những sai lệch khi đặt cây trong chậu
- Vị trí cây trong chậu,
- Mức nhổm của đế rễ trên mặt đất trồng,
- Góc nghiêng của cây,
- Mặt đất, thế đất trồng.
Là những điểm đầu tiên đập vào mắt người xem. Tất cả những yếu tố nêu trên cần được phô diễn đúng mức để tránh gây ấn tượng xấu ngay từ cái nhìn đầu tiên. Dẫu cho bố cục tác phẩm có khá hay ho đi chăng nữa, những yếu tố kể trên lại thường có khuynh hướng át hết mọi hiệu quả truyền đạt từ những phần khác của bố cục tác phẩm.
Cây Thông đen Nhật Bản bản trên được đặt sai vị trí nên đặt. Với dáng cây như thế, cây nên được trồng lệch sang bên phải của vùng tâm điểm chậu.
Cây Thông trắng Nhật Bản trên có góc trồng kém quá! Đường thân của cây cũng chả phải là không có đặc điểm gì, thế nên nếu cây được trồng nghiêng về phải, tạo góc trồng hẹp hơn (90 độ) thì có lẽ cây sẽ đẹp hơn. (Phần tàn lá được sắp xếp lại là sẽ lộ được vẻ đẹp).
Thân cây Tùng Juniper trên xuất phát từ đất lên với góc độ không hay: Thẳng quá! Đường thân thì uốn lượn sinh động, mà phần gốc vươn lên như vậy thì chả có ý nghĩa gì.
Vị trí chậu bonsai trên kệ
Vị trí của chậu bonsai đặt trên kệ trưng bày cũng quan trọng không kém:
- Chậu cây nên được đặt ngay trung tâm chiều dài kệ (chiều trái-phải).
- Chậu nên gần sát tâm điểm theo chiều rộng (chiều trước-sau).
Sao cho không được che khuất bất kỳ một hoa văn nào ở mặt trước của kệ.
Có người cho rằng việc đặt chậu ở trung tâm kệ là không hay, bởi cây trong chậu dạng hình chữ nhật hay oval thì thường vẫn được trồng lệch tâm điểm chậu.
Chuyện như vậy thì không nên áp dụng cho chậu với kệ. Cân bằng giữa hướng phát thiển của đường thân và cái chậu đã được diễn tả theo vị trí do nghệ sĩ chọn vị trí và góc độ đặt cây trong chậu. Việc phô diễn như vậy là xong, nếu bạn lại diễn tả vấn đề này lần nữa bằng cách đặt chậu cây Bonsai lệch tâm của kệ trưng bày, hóa ra bạn lại gia tăng mức bất cân xứng.
Đặt chậu cây ở bất kỳ chỗ nào lệch tâm kệ trưng bày cũng phát sinh chuyện mất tập trung, mất cân bằng.
Sự cân xứng
Thực hiếm hoi để chúng ta có thể gặp nét cân xứng cây cối mọc ngoài thiên nhiên. Một bố cục lộ nét cân xứng sẽ thường gợi ra tính nhân tạo.
Tỉ lệ kiểu hàng rào gỗ.
Việc sắp xếp cây với những khoảng cách đều đặn chuyển đến nhận thức của người xem nét nhân tạo lẫn sự nhàm chán ở tác phẩm. Tạo những khoảng cách cân xứng, đều đặn như thế cho bố cục tác phẩm là một trong vài chuyện gây mất tự nhiên thường gặp.
Dẫu rằng những cây ở trên được đặt tại những vị trí khác nhau ở khoảng cách trước-sau, nhưng các khoảng đều đặn từ cây này đến cây kia (trái sang phải) khiến nhìn vừa “xấu xí”, vừa giả tạo.
Kiểu xếp đặt như trên nhìn rõ ra là tự nhiên hơn nhiều.
Vẻ nhân tạo đã toát ra từ những đường ngang qua thân cây Thông trắng Nhật Bản trên, bằng không cây này hẳn là một bonsai quá đẹp. Hình nguồn từ Tạp chí Bonsai Today.
Trong khi những khuyết điểm và sai sót, vừa được nêu ở phần trên, có thể làm gián đoạn việc truyền đạt của tác phẩm, và cũng ngăn trở cả việc “biểu lộ cá tính riêng” của bạn qua tác phẩm, ở chương kế tiếp,chúng ta sẽ tìm xem liệu cái việc “biểu lộ cá tính riêng” này có đưa ra cạm bẫy, hay khó khăn gì cho chính bạn không.