5 Điều Cần Biết Để Tưới Nước Cho Cây Đúng Cách

Đánh giá

1. Lựa chọn loại nước để tưới cho cây

Trong tự nhiên, nước được chia làm hai loại là nước mềm và nước cứng. Hàm lượng muối khoáng hòa tan ở trong nước mềm thấp nhưng trong nước cứng lại rất cao, nếu bạn dùng nước cứng để tưới cây thì trong thời gian dài sẽ làm ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của cây.

Nước mềm là nước tưới lí tưởng cho cây. Nước sông, nước hồ, nước mưa đều có độ cứng thấp nên có thể sử dụng tưới cây trực tiếp. Nước suối, nước giếng có độ cứng cao nên không nên dùng tưới cây trực tiếp. Nước máy có lượng clo dùng để khử độc nên cũng không phù hợp với việc tưới cây trực tiếp. Bạn nên trữ nước vào dụng cụ chứa có mở nắp, để trong khoảng 3 đến 5 ngày để chất độc hại đối với cây lắng xuống hoặc bay hơi thì mới đem sử dụng.

2. Nhiệt độ của nước

Khi bạn tưới nước cho các cây nhiều hoa thì lưu ý là nhiệt độ của nước tưới phải cao hơn hoặc bằng nhiệt độ của đất hoặc nhiệt độ không khí. Nếu có thể hãy phơi nước ngoài nắng để tăng nhiệt độ cho nước. Bạn sẽ thấy cây hoa Đỗ Quyên nhạy cảm với nhiệt độ của nước như thế nào khi bạn dùng nước máy ở nhiệt độ thấp tưới cho cây thì khi bạn tưới sẽ làm nhiệt độ đất trồng cây bị thay đổi đột ngột và một thời gian rất ngắn sau đó bạn sẽ thấy cây bị rụng lá và hoa.

3. Thời gian tưới nước cho cây

Thời gian tưới nước rất quan trọng. Bạn hãy chọn thời điểm thích hợp để nhiệt độ của đất và nhiệt độ của nước ngang nhau. Nếu sự chênh lệch giữa nhiệt độ đất và nước ở khoảng 5 độ C thì khá an toàn khi tưới nước, cây không bị tổn thương phần rễ. Thời gian tưới nước vào các mùa khác nhau thì cũng khác nhau.

Khi bạn tưới nước cho cây vào mùa Xuân, mùa Thu và mùa Đông thì thời gian để tưới cho cây hợp lí nhất là vào 4 giờ chiều và 10 giờ sáng. Vào mùa hè, nhất là buổi trưa, khi nhiệt độ không khí lên cao, nhiệt độ bề mặt của lá có thể lên đến 40 độ C, lúc này lá sẽ thoát hơi nước rất mạnh và hơi nước cũng bốc hơi rất nhanh, rễ cây cần được cung cấp đủ nước để bổ sung lượng nước bị thất thoát ở bề mặt của lá. Ở thời điểm này nếu bạn tưới nước lạnh cho cây, về lí thuyết là giúp cây tăng lượng nước trong đất nhưng lại làm nhiệt độ trong đất bị hạ xuống đột ngột, rễ cây sẽ phải chịu sự kích thích của nước lạnh làm cản trở quá trình hấp thụ bình thường của nó. Nhưng trong cơ thể cây lúc đó không phát ra bất kỳ tín hiệu cảnh báo nào, lỗ khí trên bề mặt lá chưa kịp đóng lại làm cho sự mất cân bằng của cung cầu nước dẫn đến hiện tượng cây bị “hạn sinh lí”

Hiện tượng hạn sinh lí xảy ra khi trạng thái cây không cho phép cây hút nước dù nguồn nước không hề thiếu. Rễ cây không thể lấy nước khi mà quá trình bay hơi nước vẫn diễn ra làm cho cây bị mất cân bằng nước. Ví dụ: khi đất bị yếm khí, rễ cây sẽ bị thiếu oxy để hô hấp nên không thể có sức hút nước hoặc trường hợp nồng độ muối trong đất cao vượt quá nồng độ dịch bào của rễ cũng sẽ làm cây không thể hút nước, hoặc trường hợp nhiệt độ đất quá thấp cũng xảy ra hiện tượng hạn sinh lí. Hệ quả là sẽ làm cho lá cây bị héo vàng, nếu nặng có thể làm cây bị chết.

Để quan sát điều này được rõ hơn bạn hãy để ý những cây cảnh thân cỏ như Hoa Tóc Tiên, Cúc Tây Lùn… nếu bạn tưới nước lạnh cho chúng vào giữa trưa nắng thì cây sẽ có phản ứng ngay lập tức.

Một việc nữa là khi tưới nước cho cây vào trưa nắng, những giọt nước đọng lại trên lá sẽ gây bức xạ nhiệt làm cho lá bị cháy và nước ở trong chậu cây khi bị nhiệt tác động sẽ khiến bộ rễ có thể bị luộc chín.

Vào mùa đông bạn cũng cần lưu ý về sự chênh lệch nhiệt độ giữa sáng mà tối. Bạn nên tưới nước cho cây vào buổi trưa, lúc đó nhiệt độ của không khí và nhiệt độ của đất là ngang nhau. Có quan niệm cho rằng tưới cho cây vào lúc chập tối là tốt nhất nhưng vào mùa đông và với cây trồng trong nhà thì không nên làm như vậy. Vào buổi tối nước không bị bốc hơi nên thoát nước chậm sẽ làm tăng độ ẩm trong không khí và trong đất trồng cây, làm cho cây dễ bị nhiễm sâu bệnh và nhiễm lạnh.

4. Phương pháp tưới nước

– Tưới bình: Bạn hãy dùng roa tạo dòng nước nhỏ để tưới cho chậu cây, như vậy sẽ không làm trôi đất trong chậu và không làm chặt đất. Bạn không nên dùng xô hoặc thùng để tưới thẳng nước vào gốc cây, vì như vậy sẽ làm cho đất bị chặt lại, trôi mất màu thậm chí cây có thể chết vì đất chặt quá rễ cây không nhận được nước.

– Tưới phun mưa: Đây là cách tưới được nhiều người lựa chọn. Dùng sen vòi tưới từ trên xuống giúp cho đất thấm nước đều là cách tốt nhất.

– Tưới kiểu nhỏ giọt thấm dần: Khi bạn đi vắng khoảng 2 đến 3 ngày thì nên dùng cách này. Bạn hãy đổ nước vào bình hoặc can rồi treo lên cao, dùng giẻ hoặc bấc đèn quấn chặt vào gốc cây rồi nối với bình nước, nước sẽ từ can ngấm vào giẻ để duy trì sự sống cho cây.

– Ngâm chậu: Đây là phương pháp dùng cho trường hợp khẩn cấp khi đất trồng cây quá khô hoặc chủ yếu là đất sét nên bị quá cứng. Bề ngoài có vẻ như đất đã đủ nước nhưng thực tế bên trong đất vẫn khô hạn. Lúc này, hãy ngâm vào chậu nước rồi từ từ hạ thấp chậu, cho đến khi chậu đất ngập nước, bọt khí bắt đầu sùi lên, cho đến khi không thấy bọt khí sủi là đất đã ngậm đủ nước. Khi đó hãy lấy chậu đất ra khỏi nước, chậu sẽ nặng hơn ban đầu thì mới đạt kết quả tốt.

5. Nhìn chậu cây cảnh để tưới nước cho cây

Hiểu một cách đơn giản là bạn nhìn hình dáng và những dấu hiệu bên ngoài của chậu để biết được tình trạng trong chậu và đưa ra quyết định về số lần tưới và thời gian tưới nước cho cây. Sau đây là một số điểm bạn có thể quan sát:

(1) Nhìn kích cỡ của chậu để xác định lượng nước tưới cho cây:

Khi cây trồng trong các chậu nhỏ thì lượng đất sẽ ít và khả năng tích nước cũng ít, do đó chậu nhỏ sẽ nhanh mất nước hơn là chậu lớn và nước sẽ khô nhanh hơn. Khi bạn trồng cùng một loại cây cảnh nhưng lại ở các chậu có kích thước khác nhau thì số lần tưới cho chậu cây cũng sẽ khác nhau.

(2) Nhìn chất liệu của chậu cảnh để xác định lượng nước tưới:

Nếu chậu trồng cây là đất nung thì chậu sẽ có những lỗ nhỏ để thoát nước và thành chậu cũng thô ráp nên chậu sẽ thấm nước tốt và thoáng khí. Nếu là chậu nhựa hoặc chậu sứ thì ngược lại. Nếu 2 chậu có cùng kích thước nhưng khác nhau về chất liệu cũng sẽ cho ta số lần tưới nước khác nhau. Chậu sứ và nhựa thì sẽ tưới ít hơn là chậu đất nung.

(3) Nhìn chất đất và tốc độ ngấm nước để xác định lượng nước:

Nếu là đất cát thì khả năng ngấm nước sẽ rất nhanh và giữ nước kém nên phải tưới nhiều hơn. Với đất sét thì ngược lại, bạn cần tưới ít hơn, nhưng lượng nước mỗi lần tưới phải dựa vào thực tế để quyết định.

(4) Nhìn màu sắc của đất để tưới nước:

Khi đất trong chậu nhẹ và cứng hơn, chuyển sang màu trắng thì bạn cần tưới cho cây, và lượng tưới phải nhiều hơn bình thường.

Trả lời

0988110300
chat-active-icon