Yêu cầu ngoại cảnh của lan Cattleya, Dendrobium, Oncidium (Tài liệu nghiên cứu của Ts. Hoàng Xuân Lam)

Yêu cầu ngoại cảnh của lan Cattleya, Dendrobium, Oncidium (Tài liệu nghiên cứu của Ts. Hoàng Xuân Lam)
Đánh giá

Lan Cattleya, Dendrobium, Oncidium yêu cầu một số điều kiện ngoại cảnh như nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng, giá thể trồng, dinh dưỡng… phù hợp để sinh trưởng, phát triển. Việc nắm vững những yêu cầu điều kiện ngoại cảnh sẽ giúp người trồng lan có cơ sở để đưa ra các biện pháp kỹ thuật nuôi trồng, sản xuất lan trong điều kiện cụ thể của từng vùng nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.

1. Nhiệt độ.

Cattleya là giống lan có thể sống được ở vùng nóng và vùng ôn đới, đặc biệt đây là giống rất thích nghi với điều kiện khí hậu và thời tiết của Việt Nam, với một biên độ rất rộng. Chính vì thế nó được trồng và phát triển rất mạnh ở tất cả các nơi, các tỉnh phía Nam, các tỉnh phía Bắc và ngay cả trên vùng cao nguyên, tuy nhiên cách trồng có khác nhau. Nơi có không khí mát và ẩm là điều kiện rất tốt cho Cattleya phát triển, nhiệt độ lý tưởng cho loài Lan này là 21 độ C vào ban ngày và 16 độ C vào ban đêm, vùng thích hợp cho loài này là vùng Bảo Lộc. Mặt khác, lan Cattleya vẫn tăng trưởng và có thể phát triển ở nhiệt độ cao hơn nhiệt độ lý tưởng 18 độ C vào ban ngày và 15 độ C vào ban đêm, đó là nhiệt độ bình thường của các tỉnh phía Nam. Ngoài ra, lan Cattleya cũng phát triển tốt ở những vùng khí hậu của mùa đông với nhiệt độ 13 độ C vào ban ngày và 10 độ C vào ban đêm, đó là nhiệt độ của các tỉnh phía Bắc. Do đó có thể nói rằng Cattleya có thể trồng và ra hoa khắp nơi ở nước ta. Tuy nhiên, ở vùng lạnh mát nên trồng loài Cattleya sophro và loài Cattleya sophrolaelio thì sự ra hoa của các loài này đều đặn hơn. Điều này là do các giống lan Cattleya được xuất phát từ 2 nguồn, một nguồn từ vùng khí hậu nóng ẩm của Brazin và một nguồn từ vùng đồi núi cao nguyên ở Columbia và Mexico.

Lan Dendrobium thuộc loại cây ưa nóng. Phần lớn các loài Lan trong chi này thích hợp với nhiệt độ ban đêm vào khoảng 10 – 16 độ C và ban ngày vào khoảng 21 – 32 độ C. Yếu tố ảnh hưởng lớn đến sự ra hoa của Dendrobium chính là nhiệt độ. Ví như Dendrobium nobile không ra hoa ở nhiệt độ thường mà chỉ tăng trưởng, nhưng chúng sẽ ra hoa khi nhiệt độ giảm xuống 13 độ C hoặc thấp hơn. Lan Bạch Câu (Dendrobium crumenatum) yêu cầu nhiệt độ giảm khoảng 5 – 6 độ C trong vài giờ thì 9 ngày sau chúng sẽ ra hoa đồng loạt ở 18,5 độ C.

Nhiệt độ lý tưởng cho Oncidium là trung bình hay ấm khoảng 24 – 30 độ C ban ngày và 13 – 16 độ C vào ban đêm. Tuy nhiên Oncidium có thể chịu được nhiệt độ xuống khoảng 10 độ C ban ngày và 38 độ C trong một vài giờ, nhưng kéo dài sẽ không ra hoa. Ở nhiệt độ cao hơn cần tăng độ ẩm và gió.

2. Ẩm độ.

Ẩm độ là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ quá trình sinh trưởng, phát triển của cây Lan. Đa số các loài Lan thích hợp với mức ẩm độ tương đối tối thiểu 70%. Khi đề cập đến ẩm độ đối với hoa Lan Cattleya, Dendrobium, Oncidium người ta thường quan tâm tới 3 loại ẩm độ là ẩm độ vùng, ẩm độ vườn và ẩm độ của chậu trồng lan. Trong quá trình trồng lan sẽ căn cứ vào từng loại ẩm độ để điều chỉnh. Nếu ẩm độ của vùng cao thì ẩm độ của vườn và ẩm độ cục bộ trong chậu cũng cao, không cần tưới nước. Nếu ẩm độ của vùng thấp thì nên tăng cường tưới nước.

Cattleya có giả hành mập, có khả năng dự trữ nước rất lớn. Do đó tưới nước thường xuyên sẽ làm cây yếu, không phát triển, đôi khi làm cây chết do thối rễ.

Lan Dendobium thuộc loại ưa nước trung bình, chúng cần ẩm liên tục song không chịu được úng ngập hoặc ẩm độ quá cao. Ban ngày cây cần độ ẩm 40 – 60%, ban đêm độ ẩm thích hợp từ 60 – 90%. Đối với sản xuất lan Dendrobium ở quy mô công nghiệp cần chọn vùng có ẩm độ thích hợp, xây dựng nhà nuôi trồng tốt và đặc biệt phải biết chọn chậu, loại giá thể phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây.

Lan Oncidium thích hợp với ẩm độ trung bình, cần được tưới nước thường xuyên nhưng không chịu được úng ngập trong thời gian dài. Những giống lá dày và cứng không cần tưới thường xuyên như những giống có lá mỏng và mềm.

3. Ánh sáng.

Tùy từng loài mà sự che sáng đối với loài Lan Cattleya lại thay đổi khác nhau. Tuy nhiên có thể áp dụng cho nhiều loài Lan Cattleya cần ánh sáng tán xạ ở mức độ che 50% cường độ ánh sáng (khoảng 12.000 – 20.000 lux). Trong giàn lan không treo các chậu sát vào nhau, phải có một khoảng cách từ 15 – 20 cm. Nếu không có giàn che, lan Cattleya cũng có thể trồng trực tiếp ngoài ánh sáng với điều kiện là tiểu khí hậu nơi đó phải ẩm mát và các cây được trồng từ nhỏ ở các chậu phải được đặt sát nhau. Lan Cattleya sẽ cho hoa to, màu đậm, cánh dày, cứng nếu được trồng trong điều kiện ánh sáng tối ưu. Ngược lại, trồng ở nơi có ánh sáng yếu cây rất chậm ra hoa, khi ra hoa thường bị gục xuống, màu nhạt. Ánh sáng quá mạnh cây còi cọc, ra hoa bé và hay bị khuyết tật. Ngoài ra, Cattleya còn có đặc tính là rất nhạy cảm với ánh sáng về ban đêm, dù cường độ rất yếu cũng làm cho cây không ra hoa.

Dendrobium có thể trồng trong điều kiện ánh sáng trực tiếp hoặc khuyếch tán bởi nó là loài ưa sáng. Ánh sáng hữu hiệu cho chi lan này là 60 – 70%, độ che sáng 30% với cây ở tầng thấp và 40% với cây ở tầng trên, tương ứng với cường độ ánh sáng từ 15.000 – 30.000 lux rất phù hợp cho sự phát triển của loài này.

Oncidium phát triển tốt trong cường độ ánh sáng vừa phải, thích hợp là từ 15.000 – 20.000 lux. Những giống lá to và dày cần nhiều ánh sáng hơn là những giống lá mỏng và mềm. Do cần ít ánh nắng nên Oncidium có thể trồng dưới ánh đèn được.

Từ nhu cầu ánh sáng của lan Cattleya, Dendrobium, Oncidium cho thấy trong điều kiện khu vực đồng bằng Bắc Bộ, để phát triển sản xuất các loài Lan này cần có các biện pháp điều khiển ánh sáng cho phù hợp với yêu cầu của mỗi loài Lan để tăng khả năng sinh trưởng, phát triển và ra hoa nhằm đem lại hiệu quả cao nhất đối với người trồng lan.

4. Giá thể.

Giá thể (chất nền) bao gồm tất cả các loại vật liệu bao quanh bộ rễ cây trồng. Các loại giá thể khác nhau có ưu, nhược điểm khác nhau nên tuỳ theo loại lan, tuổi cây và mục đích trồng mà chọn loại giá thể thích hợp.

Sự sinh trưởng, phát triển của lan Cattleya phụ thuộc nhiều vào giá thể, tùy theo vùng trồng, mùa vụ và tuổi cây mà có thể sử dụng các loại giá thể khác nhau. Có thể dùng than củi, gạch vụn, xơ dừa, đá vụn, dung nham để trồng Cattleya. Ở Đà Lạt, người ta thường dùng dớn làm giá thể trồng lan Cattleya.

Lan Dendrobium ưa giá thể giữ ẩm tốt nhưng có độ thông thoáng nhất định. Nhìn chung Dendrobium thích hợp với nhiều loại giá thể như than hoa, xơ dừa, gỗ mục, sỏi nhẹ, ngói non… Đây là những vật liệu rẻ tiền, dễ kiếm. Tuy nhiên việc lựa chọn giá thể hoặc phối hợp các loại giá thể với nhau để phù hợp với từng loài, từng giai đoạn phát triển của cây sẽ đem lại hiệu quả cao nhất.

Lan Oncidium thích hợp với các loại giá thể nhẹ, có khả năng thoát nước tốt. Loại giá thể thường dùng như đá vụn dung nham, than hoa, đặc biệt là vỏ cây khô. Dùng vỏ cây loại nhỏ cho các giống có rễ nhỏ và những giống có rễ lớn dùng vỏ cây loại trung bình. Những loại lá dày, cứng như Oncidium ampliatum hay Oncidium Mule ears v.v… có thể cột vào những miếng vỏ cây.

5. Dinh dưỡng.

Lan tuy cần phân bón nhưng chúng lại không chịu được với nồng độ cao, vậy nên việc bón phân cho lan phải được thực hiện thường xuyên và bằng cách phun qua lá là tốt nhất. Phải chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng đa, trung và vi lượng trong phân bón cho lan với thành phần và tỷ lệ phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cây. Nguyên tắc chung là thời kỳ sinh trưởng thân lá mạnh cần hàm lượng đạm cao, hàm lượng lân và hàm lượng kali thấp, trước khi ra hoa cần lân và kali cao, đạm thấp, khi nở hoa, lan cần kali cao, lân và đạm thấp hơn. Có thể dùng phân vô cơ và hữu cơ hỗn hợp loãng sẽ cho kết quả tốt cho sự sinh trưởng. Trước mùa ngừng sinh trưởng một tháng, trong suốt một tháng bón cho lan loại phân 10:20:30 hoặc 6:30:30 để tạo sự cứng cáp cho cây trước khi cây vào mùa nghỉ.

Theo Minh Trí, Xuân Giao (Tác giả sách “Kỹ thuật trồng lan”), lan rất mẫn cảm với việc thiếu hoặc thừa các yếu tố dinh dưỡng. Các triệu chứng về bệnh sinh lý khi thừa hoặc thiếu yếu tố dinh dưỡng nào đó thường biểu hiện khá rõ.

Các loài Lan Cattleya nếu có các bộ phận sinh trưởng đủ khả năng phát triển thành một giả hành mới thì có thể ra hoa bất kỳ mùa nào trong năm, chính vì thế việc bón phân cho lan ngoài mục đích duy trì sự sinh trưởng và phát triển của cây Lan còn nhằm điều khiển sự ra hoa của loài Lan này (trừ số ít những loài ra hoa theo mùa).

Lan Dendrobium cần nhiều phân bón vào mùa hè hơn mùa đông vì mùa hè cây tăng trưởng nhiều hơn. Nếu có đầy đủ chất dinh dưỡng cây sẽ mau lớn, ra nhiều hoa và hoa to hơn. Có thể dùng các loại phân có hàm lượng đạm cao để bón quanh năm và phân có hàm lượng lân, kali cao để kích thích ra hoa. Dùng phân theo liều lượng của nhà sản xuất để tưới cây mỗi tuần. Nếu dùng quá nhiều thì dễ bị cháy lá và cháy rễ cây.

Lan Oncidium đòi hỏi dinh dưỡng cao, có thể dùng phân bón dưới nhiều dạng khác nhau. Phân bò khô vò thành từng viên đặt trên bề mặt giá thể rất hữu hiệu cho việc hấp thu của cây qua quá trình tưới nước hàng ngày. Các loại phân vô cơ thường được pha với nước theo nồng độ khuyến cáo để tưới trong suốt mùa sinh trưởng. Để đảm bảo cành hoa dài với số lượng hoa nhiều có thể bón các loại phân có nồng độ kali cao. Một tháng trước khi vào mùa nghỉ có thể bón loại phân 10-20-30 hoặc 6-30-30 để nâng cao sức chịu đựng của cây.

Qua nghiên cứu đặc điểm thực vật học, yêu cầu ngoại cảnh đối với các giống lan Cattleya, Dendrobium, Oncidium cho thấy điều kiện khí hậu của Việt Nam hoàn toàn có thể nuôi trồng các loài Lan này, đặc biệt ở các tỉnh khu vực phía Nam. Tuy nhiên, các tỉnh phía Bắc do có mùa đông lạnh nên cây sinh trưởng, phát triển kém. Để phát triển các giống lan này, trong sản xuất cần đặc biệt chú trọng việc sử dụng giá thể, phân bón, chất điều tiết sinh trưởng, chất kích thích ra hoa và các biện pháp điều khiển hoa nở vào các dịp lễ, Tết.

Để lại một bình luận

0988110300
chat-active-icon