Từ khi chủ vườn lan đi vắng, từ khi hoa không người chăm sóc, giống cỏ quý kia cũng không còn mọc nữa. Phải chăng người người đã đi, cái hào hoa cũng không còn?
Năm mươi năm về trước, du khách ở vùng Thanh Hóa thường khi đi qua chỗ bến đò Ái Sơn, về hữu ngạn con sông Mã, nhận thấy ở vệ đường có một khoảnh vườn độ bốn, năm sào, xung quanh trồng toàn một thứ tre đằng ngà.
Đáng chú ý nhất là cái cổng kiến trúc theo lối cổ. Nếu khách biết chữ Hán và đọc được chữ thảo Bát hiền đại chủ đời Thanh, thì khách nhận thấy ba chữ tên biệt thự viết phỏng theo lối chữ của Tăng Quốc Phiên. Trên cái nền bằng gỗ lim sơn màu “cấn rượu”, ba chữ thếp vàng “Túy lan trang” như hoạt động trên miếng bạch thạch cẩn vào gỗ đỏ.
Chủ nhân “Túy lan trang”, là một vị quan đã nghỉ hưu, từ ngày nộp lại triều đình chiếc ấn vàng, lui về chỗ huê viên, thường để hết thời giờ vào việc vun trồng, chăm chút một thứ lan rất quý, tìm tận ở Yên Tử sơn khi còn tại chức nơi tỉnh Đông ngoài Bắc. Hoa xưa, quen cái khí hậu nơi đỉnh núi cao một năm hoa về nơi đồng bằng, hoa không quen với ngày nắng, đêm sương chỗ xứ lạ mà lá úa hoa gầy. Sớm, chiều hai buổi thăm hoa, chủ nhân vườn lan chỉ lo hoa kia không ở mãi với mình, mà cái công ngàn dặm chọn đất lành bọc cỏ quý mang về quê hương sẽ lấy gì để chuộc lại. Sau một hồi tàn tạ giữa vườn lan, hoa lại bắt đầu cười với gió xuân về. Thoảng mùi lan đượm, ngắm lá lan xanh rờn trên mấy hàng chậu sứ túy lan lớp đất phủ lần vỏ sò cùng hòn cuội trắng, chủ nhân như sống một cuộc đời mới. Rồi lan kia như cảm tình người tri kỷ, ngày một thêm hoa và chả mấy chốc chủ nhân phải lùi phòng riêng về một mé của khu vườn, nhường nơi đất tốt cho cỏ quý nẩy ngọn thêm cành.
Ông chủ lấy luôn tên giống lan đặt làm tên biệt thự, ngụ cái ý yêu hoa và tỏ cho khách qua đường biết vườn nhà đầy cỏ lạ.
Nhớ đến lời sư Cụ chùa Quỳnh Lâm vùng tỉnh Đông dặn lại sau khi cho giống lan, mỗi bận xuân về, sớm sớm, ông chủ lại phải cho cả vườn Túy lan say với hơi rượu thời cái vương giả hương ấy mới còn ở với người thế gian. Ngày xuân phải bón lan bằng hương rượu, ông chủ rất lấy làm sung sướng được gần vùng cất rượu ngon có tiếng ở châu Thang là làng Vĩnh Trị. Những buổi sớm mùa xuân, mặt nước con sông Mã phẳng lặng như tờ, lại lăn tăn làn sóng nhỏ do mái chèo đập làn nước của một chiếc thuyền nan bơi từ bến ái Sơn sang bến làng Vĩnh Trị. Những người mưu sinh gần sông dậy sớm đứng trên mạn thuyền để hít thở cái không khí trong sạch bình minh vui cười bảo nhau:
“Thuyền cô chiêu Tần bên Túy lan trang đã qua Vĩnh Trị lấy rượu cho hoa!”.
Phải, cô chiêu Tần – con gái ông chủ vườn Túy lan đi lấy rượu về bón hoa đấy!
Quan án Trần, vì thích chơi hoa mà phải giảm những chi tiêu trong nhà để có đủ tiền đặt thứ “rượu khê” cho hoa Lan, trị giá hai quan một vò bên làng Vĩnh. Mà mỗi sớm, chèo thuyền đi lấy rượu theo lời cha dặn, cô chiêu Tần đã diễn ra trên dòng nước sông Mã một cái cảnh tượng giống như trong tranh thủy mặc của người Tàu. Một người con gái mà cái dáng điệu dịu dàng đã in theo khuôn nhịp chốn đài trang, tóc búi cánh phượng, áo mặc rộng tay màu thiên thanh, chân đi dép cỏ mà lại thực hành một cái ý nghĩ chan chứa màu thơ – ngày xuân cảnh sớm, bơi thuyền lấy rượu cho hoa – đủ làm cho lãng tử được thấy cái đẹp ấy phải đưa mình vào mộng.
Vươn mình trên con ngựa trắng, cậu ấm Hai ghì cương, xuống yên, buộc ngựa vào gốc cây thùy dương, rồi đi tản bộ đến một cái quán dựng trên đê. Ngồi trên bệ đắp bằng đất sét, cậu ấm Hai như chờ đợi một người và muốn giết thời gian, luôn tay phe phẩy cái roi ngựa làm bằng cành liễu khô bẻ ở cổng huyện Đông Sơn là nơi người cha giữ chức Huyện úy. Cậu ấm Hai ngồi chờ cô chiêu Tần đi lấy rượu về. Ngồi đợi người yêu lâu quá sức và khi cúi mặt nhìn nền mặt đất chỗ quán nước, cành liễu khô đập luôn tay vào đôi má chiếc giày tàu bằng nhung đen đế gai se tám sợi, không đủ cho người quên hết những ý nghĩ về thời gian từng giờ từng phút, cậu ấm Hai lại cất mình lên ngựa cho khuây khỏa nỗi lòng nhớ người yêu. Con ngựa trắng được lỏng cương vế, cũng uể oải lê bốn vó trên đường. Vó câu một bước lại dừng, con ngựa trắng còn mê man những đám cỏ non của ngày xuân phủ kín mặt đê. Rồi vẳng tiếng hát nơi đầu sông đưa lại. Cậu ấm Hai nhận thấy được tiếng người quen, gò đôi cương nâng cao đầu ngựa trắng; lỏng buông tay khấu, lần bước trên đê, ngựa đã từ từ đi xuống nơi dốc chỗ bến đò. Cậu ấm Hai, cô chiêu Tần cùng nhau đi lễ: người xuống ngựa, khách dừng chèo, nơi đầu sông lại có cái cảnh tượng như hệt cảnh tả trong bài thơ của Bạch Lạc Thiên.
– Xin lỗi đã để công tử phải chờ chờ tiện nữ. Dưới Nguyệt viên nay có đám, đặt nhiều rượu ở bên Vĩnh Trị, nên hôm nay qua lấy rượu cho lan phải đợi lâu. Vậy công tử sang bản trang từ bao giờ?
– Việc bên huyện đã xong nên bữa nay ta muốn qua Túy lan trang xem hoa nở và mang trầm sang biếu gia nghiêm
– Quan Lệnh doãn cho công tử mang trầm qua Túy lan trang như mỗi lần hội diện cùng gia nghiêm, bên bàn rượu, trước những giò lan nở, tiện nữ lại được nghe lại tiếng đàn thập lục của công tử.
Quan Lệnh doãn huyện Đông Sơn là bạn thân và là khách quý của quan án Trần bên Túy lan trang. Ngày còn thư sinh, hai ông già ấy, đã cùng thi một trường, học một thày và xuất thân cùng một hội. Cuộc đời chìm nổi, tuy không làm chìm đắm nổi khách công danh trong khoảng mấy chục năm trời, nhưng cũng đã làm cho hai người tưởng lúc xa nhau. Vui lại từ ngày thuyền buộc bến, quan án Trần về ở Túy lan trang, cho là một cái diễm phúc được vui tuổi già gần người bạn xưa. Rồi muốn cho cái tình thân ấy được thân hơn nữa, đôi bạn già ngỏ ý cho nhau rõ rằng sẽ đi lại với nhau bằng cái tình thông gia nên tác hợp cho hai trẻ. Đều là người hiểu rõ cái lẽ sự vật trên thế gian, hai ông già không chịu uốn mình theo lề thói giả dối và thực hành cái luân lý khổ khắc với đôi trẻ. Cho nên còn ở cái thời kỳ vị hôn phu và vị hôn thê mà cậu ấm Hai cùng cô chiêu Tần thường được gặp nhau và trò chuyện. Nếu cuộc đời cứ theo cái nhịp êm đềm mà đưa đôi già, đôi trẻ ấy đi những ngày tháng cuối đời thì thật là niềm hạnh phúc của con người ta, Tạo hóa có lẽ dành riêng cho nhà họ Trần và nhà quan Lệnh doãn Đông Sơn.Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang! Nếu hầu hết những hạnh phúc đều giống nhau ở chỗ ấm cúng, êm đềm, đầy đủ thì mỗi nghịch cảnh lại có bộ mặt riêng tùy theo cái đau đớn của người trong cuộc.
Năm Ất Dậu, đời vua Đồng Khánh, vùng Hoan ái phải qua cơn binh lửa gây nên bởi loạn Văn thân. Cũng có người lấy danh nghĩa mà dúng tay vào công cuộc phá hoại; nhưng vứt đâu cho hết những kẻ lợi dụng thời cuộc, làm cho thỏa thích lòng dục trong lúc giao thời trắng đen không tỏ rõ. Cái thời loạn! Mà thời loạn thời trai thời loạn chứ sao? Cô chiêu Tần sống vào buổi non sông mờ cát bụi, đã đành trông ngóng cái thời bình. Cậu ấm Hai gặp lúc loạn ly, không những không có thủ đoạn của kẻ làm trai thời loạn, mà còn tỏ cho người thời ấy biết rằng một kẻ thư sinh chỉ có cái tâm hồn lãng mạn là một người chọn lầm thế kỷ. Chọc trời khuấy nước, trong khi người ta ham chuộng cái sức khỏe mà chỉ biết có ngón đàn, hiểu có hồn hoa, thời ở tâm người tài tử, buồn, tủi, cực đến dường nào! Trước những cái tin máu xương thành sông núi, trăm họ bị làm cỏ, hai trái tim thơ ngây, của cô chiêu Tần và cậu ấm Hai, đều đập chung một điệu hãi hùng. Riêng về phần quan án Trần, thời thân già đã không lấy làm quan tâm đến vóc xương khô, còn những lo cho hoa, làm sao ngăn nổi gót chân đám người ô hợp nếu một mai chúng tràn đến.
Quan Lệnh doãn Đông Sơn lo việc tuần tiễu quân nghịch cũng thưa đi lại trên quan án Trần. Nơi Túy lan trang, hoa thường vẫn nở, người thường vẫn không chểnh mảng việc vun xới cho hoa mà chỗ lan viên lần lần như đã thấy cảnh điêu tàn. Không phải tại người, không phải tự hoa; chỉ tại cái không khí nặng nề của thời loạn phảng phất trên chỗ hoa viên.
Một đêm kia, về quãng cuối năm Bính Tuất, mưa tuôn rả rích, gió thổi vù vù, một cái đêm đông đầy những sự bí mật tối đen.
Cô chiêu Tần, kinh động mở mắt dậy. Mé lầu trang lửa đỏ ngất trời. Tiếng người đi lại nhộn nhịp. Tiếng người quát tháo dữ dội. Họ nhét giẻ vào miệng cô chiêu Tần, rồi vực đi. Chỗ bến đò ái Sơn, bốn chiếc thuyền từ từ dời bến. Đứng trên mui thuyền có tiếng người con gái gào khóc, một người vạm vỡ mặc quần áo đen, quấn khăn đầu rìu, tay cầm một cây “hồng” đốt bằng giẻ tẩm dầu, soi sáng quắc mặt nước con sông.
Bên Túy lan trang, lửa vẫn đỏ ngòn mà tịnh không ai cứu hỏa. Tre và gỗ chỗ lầu trang thi nhau mà cháy trước những ngọn lửa xanh lè liếm quanh loài thảo mộc. Lúc mà ngọn lửa đám cháy không soi rõ những đám lan xanh rờn trên chậu sứ, thời canh đã sang tư. Đêm tăm tối buông một bức màn bí mật, lạnh lẽo lên trên chỗ hoa viên tàn tạ. Chỗ đầu sông, đàn đóm lập lòe nơi bến nước, gió đêm vi vút bãi lau già!
Sớm hôm sau, các người ở vùng đấy, ngồi triết lý suông, giữa hai ngụm nước chè tươi nơi quán:
– Quan án Trần cũng vì bị kinh động, cảm xúc mạnh quá mà chết. Cô chiêu Tần, thuyền cướp mang đi. Cái biệt thự kia bị cháy ra tro. Cho hay sống vào thời loạn, cái phú quý và cái sắc đẹp cũng nhiều khi là cái mầm vạ lớn.
Từ khi lan vắng chủ, từ khi hoa không người nâng giấc, giống cỏ quý kia cũng quyết tạ theo tri kỷ, thề không ở lại với thế gian. Vả chăng người giai nhân đã đi, cái hào hoa cũng tận. Cái thuật cất “rượu khê” bên làng Vĩnh Trị, cũng không ai truyền lại cho ai nữa, để lại một mối tiếc cho “làng men” mỗi khi nhắc tới cái phong vị hồi cận đại.
Sau cái đêm dữ dội ấy, cây cỏ nơi Túy lan trang đều một loạt ủ rũ như để tang cho người thiên cổ. Tơ liễu khóc mưa, tóc tùng reo gió, bóng tre lìa bụi, đều ngậm một cái tình buồn trước cái hương trời lăn lóc khoảnh vườn hoang. Lan đã biết tạ chủ, thời cỏ cây kia há kém ai!
Để lại bên sông một khoảnh đất cao hơn mặt ruộng, đứng xa trông như một cái gò phát bằng ngọn, ngày nay, Túy lan trang chỉ còn là một chỗ đi về của đám mục đồng. Tụi trẻ kia không biết kính trọng cái âm phần của giống Túy lan khi yên giấc sau lúc tạ chủ, cho trâu bò giẫm nát cả mồ hoa!
Thiên “thảm sử Túy lan trang” cũng đi theo với thời gian và bị xóa nhòa trong trí nhớ người đồng thời. Ngày nay du khách đi qua vùng ái Sơn đất Thanh Hóa, nghe thấy những danh từ “Gò Lan tạ” và “Quán cậu Hai” phải hỏi mãi mới ra nghĩa cũ. “Gò Lan tạ” là nền tảng Túy lan trang và là cái nơi vùi hoa Lan; “Quán cậu Hai” là nơi cậu ấm Hai nghỉ ngựa trước khi gặp người ngọc chỗ lầu trang, vẫn hết sức giơ cái thân tàn chịu lấy cái gió mưa nơi đầu bến. Gò, quán kia đã ghi vào trong tâm trí khách chơi hoa một cái kỷ niệm buồn rầu. Vườn xuân lan tạ chủ; đàn đóm lập lòe nơi bến nước mà gió đêm vi vút bãi lau già…
\