Chậu cây có tầm quan trọng lớn trong việc phát triển của cây. Khi bạn lựa chọn một chậu cây phù hợp sẽ giúp cho rễ cây phát triển tốt, đủ khoảng không để cung cấp đất và dinh dưỡng nuôi cây. Chậu trồng cây cũng được làm từ nhiều chất liệu khác nhau. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một số loại chậu cơ bản được nhiều người sử dụng.
1. Chậu đất nung
Chậu có đặc tính xốp, không khí và nước dễ lưu thông vì được làm bằng phương pháp nung đất sét ở nhiệt độ chuẩn. Chậu này sẽ tạo ra môi trường tốt nhất để rễ cây phát triển tốt, nhất là những cây ưa khô. Chậu được nhiều người chọn dùng bởi những ưu điểm như giá rẻ, thoáng khí, thoát nước tốt, rễ cây hô hấp và sinh trưởng tốt.
Bên cạnh những ưu điểm trên thì nhược điểm của chậu là màu sắc đơn điệu, nhìn thô ráp, không tiện di chuyển vì dễ vỡ, chậu dễ bám bẩn và không giữ được vẻ đẹp ban đầu.
Hình dáng của chậu đất nung chủ yếu là hình tròn với những kích thước khác nhau. Đường kính và chiều cao của chậu thường xấp xỉ nhau. Còn độ sâu của chậu thì phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi loại cây khác nhau. Ví dụ khi bạn trồng Đỗ Quyên hoặc những cây trồng bằng củ thì sẽ chọn chậu nông nhưng khi trồng dòng Lan Quân Tử thì bạn cần phải chọn chậu sâu…
2. Chậu nhựa
Chậu nhựa là loại khá bền, chắc chắn, không dễ vỡ, nhẹ, đa dạng về màu sắc và kích thước nhưng không thoáng khí và khó thoát nước . Chậu nhựa có ưu điểm nổi bật là dễ di chuyển, không dễ vỡ hoặc nếu có bị vỡ thì các mảnh vỡ cũng không gây nguy hiểm nên thường được dùng để trồng treo ở cửa sổ, ban công.
Vì chậu làm từ nhựa nên thành chậu ít có khả năng chịu nhiệt. Khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nóng hoặc quá lâu sẽ làm cho rễ cây bị sốc nhiệt còn chậu sẽ bị giòn, phai màu và nứt. Khi có gió thổi to hoặc va chạm mạnh thì chậu nhựa dễ bị xô đổ, rời khỏi vị trí.
Chậu nhựa phù hợp với những cây trồng ưa nước, ưa ẩm như Vạn Niên Thanh, Thủy Trúc, Cây Dây Nhện…
3. Chậu sành sứ
Chậu sành sử có ưu điểm về màu sắc, kiểu dáng đa dạng, nhiều kích cỡ khác nhau, có thể trồng cả trong nhà lẫn ngoài trời, khả năng giữ ẩm tốt. Phù hợp với những cây trồng lớn vì thân chậu nặng khả năng bị lật đổ sẽ ít.
Bên cạnh đó chậu cũng có một số nhược điểm là khi cây lớn chậu sẽ dễ nứt, dễ vỡ. Chậu này khả năng thoát nước kém nên bạn cần chú ý việc tưới nước cho cây, tránh để cây bị úng mà thối rễ rồi chết.
4. Chậu cây cảnh khung gỗ
Chậu làm bằng gỗ là vật liệu tự nhiên với nhiều dáng vẻ và kích thước khác nhau. Chậu có khả năng giữ ẩm tốt, không cần tưới nước cho cây thường xuyên, khi trời nắng nóng chậu còn giúp làm mát cho cây.
Bạn có thể tự tạo những chậu gỗ với kích thước linh hoạt để trồng rau sạch. Chậu bằng gỗ không những chịu nóng tốt mà chịu lạnh cũng không hề kém nên nó có khả năng bảo vệ cây trồng rất tốt.
Nhược điểm của chậu gỗ là độ bền không cao, nếu bạn để chậu bị ngấm nước nhiều và lâu thì chậu sẽ nhanh bị mục, bị hỏng.
5. Chậu cây cảnh thủy sinh
Đây là loại chậu giúp ta trồng cây bằng nước chứ không phải bằng đất. Các loại cây có thể trồng thủy sinh như Trầu Bà, Vạn Niên Thanh…
Về hình thức chậu sẽ có 2 phần, phần thủy tình hoặc nhựa ở bên ngoài, bên trong sẽ là 1 giá thể nhựa dùng để cây, giá thể sẽ có những khe hở để rễ cây hút nước và phát triển.
6. Chậu giấy
Nhiều người không biết là có thể dùng chậu giấy để trồng cây. Đây là loại chậu được làm từ nguyên liệu bằng giấy, phù hợp với những loại cây con hoặc những cây không ưa thay chậu.
7. Chậu xi măng
Nghe tên đã biết nguyên vật liệu làm ra chậu là từ đâu. Chậu xi măng có những nét độc đáo riêng cho không gian trồng cây với kích thước đa dạng, độ bền cao, phù hợp với các cây trồng ngoài trời. Trọng lượng chậu lớn nên không sợ mưa to gió lớn làm đổ chậu. Khả năng cách nhiệt tốt giúp cho rễ cây không bị sốc nhiệt, giúp thoát nước tốt.
Tuy nhiên, chậu xi măng có nhược điểm là giá thành cao, nặng nên khó di chuyển khi bạn muốn sắp xếp lại cây trồng.
Khi đã biết được ưu nhược điểm của từng loại chậu, chúng tôi hị vọng bạn sẽ đưa ra được những lựa chọn tốt cho từng loại cây muốn trồng. Chúc bạn thành công!