Tương lai shohin (mini Bonsai) chắc là sẽ phát triển mạnh!!!

Tương lai shohin (mini Bonsai) chắc là sẽ phát triển mạnh!!!

Trong những năm qua nhiều người hỏi tôi “Tại sao anh lại quan tâm đến shohin?” Câu trả lời thật đơn giản.

Khi bắt đầu chơi cây cảnh, khoảng hai mươi năm có lẻ trước đây, tôi không hề có khái niệm về kích thước của cây cảnh. Một lần tôi nhìn thấy cây cảnh trong một siêu thị – lúc bấy giờ những cây Thông, cây Thích đó còn được gọi là ‘cây trong nhà’, chúng chỉ lớn cỡ bàn tay và tôi cho rằng đó là khích thước tiêu chuẩn của cây cảnh.

Sau đó, tôi được xem một số bức ảnh trong tạp chí cây cảnh tại vườn Bách Thảo Brooklyn, nhưng các bức ảnh đó không có chú thích về kích thước. Tôi nghĩ rằng chúng có cùng kích thước với những cây cảnh mà tôi đã nhìn thấy trong siêu thị.
Tôi không hiểu làm thế nào để tạo ra những chi tiết hoàn mỹ và vẻ già nua trên những cây cảnh đó. Nhưng tôi nghĩ, họ làm được thì mình cũng làm được.

Thế là tôi bắt tay vào công việc mà không biết rằng cây cảnh tôi muốn bắt chước cao gần 1m, trong khi cây tôi đang cố làm chỉ cao có 1 gang tay. Dĩ nhiên là 10 năm sau, tôi biết rằng việc tạo ra bản sao y hệt là điều không tưởng. Nhưng trong những năm đầu tiên ấy tôi đã gần đạt được điều đó.

Tôi vẫn còn giữ 3 cây cảnh đầu tiên. Tôi vỡ vạc ra rất nhiều trong những năm chăm sóc chúng cho đến khi tôi biết rằng phần lớn cây cảnh có khích thước lớn hơn thế rất nhiều. Tôi không chỉ biết cách cuốn dây kẽm và tỉa cành cho cây cảnh mini mà thông qua việc thường xuyên chăm sóc chúng tôi còn hiểu thêm rất nhiều về sự phát triển của cây.

Ngày nay, tôi trồng cả những cây cảnh lớn. Nhưng khi đã có được kỹ năng và kiến thức về shohin hay cây cảnh mini, tôi không thể rời xa chúng nữa.

Tôi rút ra rằng bằng việc áp dụng những kỹ thuật và kiến thức của shohin vào cây cảnh có kích thước lớn hơn, tôi có thể tạo nên những chi tiết tinh tế hơn bình thường.

Tôi yêu sự chính xác đến từng chi tiết. Khi quan sát cây, tôi có thể mất đến hàng giờ để ngắm nghía một cây cảnh. Khi bạn nhìn vào vật nào đó trong thời gian lâu như vậy, bạn sẽ nhận ra mọi chi tiết xấu cũng như đẹp.

Nhưng cây cảnh không chỉ có chi tiết mà còn có những yếu tố khác và chúng cũng rất quan trọng khi bạn đã ngắm nhìn một cây cảnh trong thời gian dài. Mọi người chơi cây cảnh đều trải nghiệm điều này. Họ tiếp xúc với cây cảnh của mình hết ngày này qua ngày khác, hết năm này qua năm khác nên họ không còn ngắm nhìn chúng 1 cách tỷ mỉ nữa.

Giống như đọc sách, bạn không chỉ nhìn vào chữ để xem cách đọc thành tiếng như thế nào. Mắt bạn lướt theo dòng và ngay lập tức nhận ra hình dạng của chữ. Điều đó cũng giống như 1 cây cảnh đã quá quen thuộc. Bạn nhận ra nó nhưng bỏ qua các phần cấu thành của cây.

Do vậy cần ngắm nhìn kỹ cây cảnh, ngay cả khi nó đã ở dạng “thành phẩm”, bằng con mắt phân tích như thể cây đó còn ở dạng nguyên liệu mà bạn đang chuẩn bị tạo dáng. Shohin là môi trường rèn giũa bạn về nguyên tắc này. Để tạo cho một shohin hình dạng của một cây cảnh lớn bạn phải công phu hơn nhiều.

Nếu bạn trồng từ hạt hoặc chiết cành, bạn cần phải trù tính trước việc tạo cành ít nhất là một mùa, đôi khi còn phải dài hơn. Bạn không thể mắc một sai lầm nhỏ đối với cây shohin. Bạn phải cắt, tỉa theo một kế hoạch tổng thể có sẵn. Nếu bạn không tìm ra chồi cây mọc ở hướng mong muốn thì hãy ghép một chồi non vào đó hoặc chờ thêm 1 năm nữa với hy vọng cây sẽ nảy chồi đúng chỗ. Với cây to bạn có thể có nhiều, thậm chí đến hàng tá giải pháp khác nhau để lựa chọn.

Gieo hạt và chiết cành là cách tốt nhất để có 1 shohin đẹp. Dùng cây khai thác để làm shohin là việc không nên bởi bạn không kiểm soát được việc hình thành thân và cấu trúc của cành cây.

Khi bạn hạ thấp độ cao của cây nguyên liệu, bạn tạo ra vết cắt lớn và phải xử lí bằng cách nào đó để nó hài hòa với hình dáng của cây. Nhưng với shohin, bạn không thể áp dụng thủ thuật mạnh tay như cây nguyên liệu lớn được. Nhất là khi tạo Jin và Shari. Đơn giản là vì shohin không thể chịu được những thủ thuật đó. Điều này buộc bạn phải tính toán kỹ hơn và đó là 1 thói quen tốt khi bạn làm những cây cỡ lớn.

Tiếp đó bạn sẽ phải suy nghĩ về vấn đề tỉ lệ khoảng không giữa các cành và thân, giữa các cành với nhau. Rồi khoảng không giữa cành thấp nhất và mặt đất.

Khi bạn nhìn cây cảnh chính chiều cao của khoảng không – điều bạn không nhìn thấy – cho bạn biết về kích thước của cây mà bạn đang muốn chuyển tải hình ảnh.

Chiều rộng của khoảng không, vốn phụ thuộc vào chiều dài tương đối của cành cây và chậu cây có thể cho bạn biết cây mọc ở đâu. Nói một cách đơn giản, một chiếc chậu hẹp hàm ý chỉ vách núi, còn chậu rộng ngang thì gợi ra hình ảnh thung lũng.
Với shohin tất cả các yếu tố trên khó điều chỉnh hơn và đòi hỏi phân tích trù tính cẩn thận. Shohin tạo cho bạn những thách thức to lớn về mặt nghệ thuật và kỹ thuật trồng cây. Tỉ lệ giữa thân cây và chậu cây; việc bố trí cành và khoảng không giữa chúng; nhịp điệu và chuyển động của cây…đều phải thỏa mãn những yêu cầu khắt khe về mặt thẩm mỹ.

Làm việc với shohin giúp bạn phát triển tính sáng tạo. Tìm cách giải quyết khó khăn và tạo ra 1 hình dáng cây cảnh đầy thuyết phục giúp rèn luyện những kĩ năng của bạn và khi đó bạn sẽ làm những cây cảnh lớn dễ dàng hơn.

Không thể vin vào chữ “mini” để bao biện cho nhược điểm của shohin. Mặc dầu shohin tạo cho bạn khả năng sử dụng những cây nguyên liệu mà người khác bỏ qua.

Bạn biết cách lấy 1 cây cao 1,8m rồi cắt ngắn đi chỉ còn 60cm để tạo ra một cây cảnh. Đó là việc làm thông thường mà chúng ta đều biết. Nhưng nếu cây đó chỉ cao khoảng 30cm, thì suy nghĩ đầu tiên thường là giữ nguyên kích thước này thậm chí để cho cây lớn hơn chút nữa cho phù hợp với kiểu dáng mà bạn dự định. Suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm. Bạn cần phải áp dụng đúng giải pháp như áp dụng với cây lớn. Hãy cắt bớt đi chỉ còn 15cm hoặc thấp hơn.

Với shohin cùng một lúc bạn có thể mang theo được 2,3 cây; có thể làm việc với chúng ngay trên bàn ăn hoặc trên đùi. Bạn có thể chọn 1 cây nào đó để tạo dáng bất kỳ lúc nào. Ngắm nghía, chơi đùa với chúng rồi đặt chúng lên giá.

Nếu bạn rất say mê cây cảnh nhưng chỉ có thể dành ra khoảng 1h mỗi ngày cho cây, thì shohin là lựa chọn lý tưởng. Chúng là thứ tuyệt vời để lấp đầy thời gian nhàn rỗi đó của bạn. Nhưng để phát triển, shohin cần thời gian dài. Chúng lớn rất chậm và shohin dạy bạn lòng kiên nhẫn.

Bạn còn có thể bắt đầu với những cây nguyên liệu xấu xí. Vì thân và cành của shohin nhỏ nên rất dễ tạo dáng. Một cái cây rất thường trong vườn có thể biến thành một cây hoang dại mọc trên mỏm núi đầy sương gió.

Chăm sóc shohin là một câu chuyện hoàn toàn khác so với cây cảnh lớn. Tôi cho rằng vẻ đệp tột đỉnh của shohin chỉ tồn tại trong 1 thời gian nhất định, tương tự các loại cây cảnh khác. Sau đó chúng cần tái tạo hoặc trồng lại. Cây càng nhỏ thì thời gian đạt vẻ đẹp tột đỉnh càng ngắn. Tôi nhận thấy shohin chỉ đạt vẻ đẹp đỉnh cao trong khoảng 4-6 năm, sau đó bạn phải cắt tỉa cành mạnh tay và làm lại.

Việc cắt tỉa thường xuyên để hình thành nên dáng mini của cây tạo ra sự dồn nén đến mức chồi cây không còn đủ sức duy trì và mất dần sự sống. Tốt nhất khoảng 3 – 4 năm lại cắt tỉa sâu để tạo ra lớp chồi non bên ngoài. Nhưng thường là bạn không muốn làm mất đi vẻ đẹp của cây, nhất là sau khi phải mất bao nhiêu công phu mới tạo ra được. Do vậy bạn có xu hướng kéo dài thời gian đỉnh điểm của cây quá lâu. Và khi bạn quyết định tái tạo lại, quá trình đó kéo dài hởn so với cây cỡ lớn hơn.

Shohin cũng đòi hỏi kĩ năng làm vườn cao hơn. Các cây nhỏ nhạy cảm hơn với sự thay đổi thời tiết. Nắng, gió, lạnh…đều gây tác động mạnh mẽ đối với shohin. Việc quên tưới cây trong 1 ngày dường như không có tác động gì đối với cây cảnh có khích thướng lớn. Nhưng nếu điều đó xảy ra với shohin, cây cảnh đó sẽ nói lời vĩnh biệt với bạn. Nếu để rệp tự do tung hoành trong 1 tuần, mọi chồi non của shohin sẽ bị hủy hoại. Trong khi mọi cây cảnh lớn đều có thể phát triển bình thường bất chấp sự có mặt của côn trùng.

Chăm sóc shohin tạo cho bạn tính kỉ luật. Bạn không thể để xảy ra sai sót đối với cây cảnh của bạn. Dĩ nhiên đôi khi bạn phạm phải sai sót hoặc sao nhãng theo thói quen cố hữu của mình. Và hậu quả là cây cảnh của bạn trở thành đồ bỏ đi. Điều đó sẽ làm cho bạn trở nên cứng rắng hơn. Bạn có thể tự dằn vặt mình về thói cẩu thả. Nhưng bạn sẽ quen dần với nỗi đau khi đánh mất cây shohin quý báu của mình.

Khoảng 10 hoặc 12 năm sau, khi bạn tạo được một cây cảnh mini mà bạn rất tự hào và lần đầu tiên trong đời trưng bày ra công chúng. Bạn đứng đó nhìn dòng người thờ ơ đi qua. Họ chiêm ngưỡng hết cây cảnh lớn này sang cây cảnh lớn khác mà không hề để ý đến sinh linh quý giá bé nhỏ của bạn. Thi thoảng bạn chỉ nghe được lời bình luận ngây thơ của lũ trẻ “trông nó đẹp chưa kìa”, “a, cái cây cổ thụ bé tí”. Trẻ em đúng là người biết yêu cây đính thực.

Việc trưng bày shohin dạy bạn tính nhân văn. Và đó là bài học quý giá nhất và khó khăn nhất. Vì vậy đừng phiền lòng với những người coi shohin chỉ là thứ đồ chơi hoặc một thứ gì đó khôi hài. Họ không thể cảm nhận được hơn thế. Thật dễ dàng khi coi thường những thứ mà mình không làm được. Nhưng nếu bạn tạo được một shohin đẹp, bạn hiểu những điều mà họ không biết. Bạn học được những điều mà họ không bao giờ có được.

Không có gì ghê gớm khi ai đó có tiền mua cây lớn, điều đó chỉ phụ thuộc vào hoàn cảnh riêng và điều kiện từng người, chứ không phản ánh tài năng của một nghệ nhân cây cảnh.

Với tôi, nếu không có những bài học từ shohin, hiểu biết của tôi về cây cảnh sẽ không hoàn thiện, và cây cảnh lớn của tôi cũng không thể đạt được vẻ đẹp như nó có. Kĩ thuật, kiến thức về nghề vườn và khả năng nghệ thuật của tôi cũng sẽ không phát triển đầy đủ. Và tôi cũng không thể có được những niềm vui sướng vô bờ như đã từng có.

Đó là những bài học vô giá đối với những người làm cây cảnh.

Trích từ sách “Sổ tay nghệ nhân cây cảnh”

Để lại một bình luận

0988110300
chat-active-icon