.Đa số lan hài thường sống ở vùng lạnh ẩm của núi cao nên chúng không phát triển tốt khi mang xuống đồng bằng do đó gây cho chúng ta ấn tượng là lan hài khó trồng. Thật ra thì lan hài có 2 nhóm:
– Nhóm lá có vân, thường chịu được nhiệt độ ấm, sống tốt ở đồng bằng: Nhiệt độ thích hợp của chúng là 15, 5°c – 18°c về đêm, nhiệt độ ban ngày 22°- 26, 5°c.
– Nhóm lá không có vân, thích hợp vùng núi cao, lạnh. Nhiệt độ ban đêm 10°c – 13°c, nhiệt độ ban ngày 15, 5°c – 18°c.
Vì vậy ở đồng bằng chúng ta có thể trồng lan hài được và như ta đã biết, quanh Sài Gòn – Gia Định xưa, lan hài mọc khắp mà sách vở còn ghi, như loài Paphiopedilum concolor gọi là Hài Gia Định. Hơn nữa các lan hài lai chịu được khí hậu nóng ở đồng bằng đã được nuôi trồng khá phổ biến ở nhiều nơi.
Như vậy ngoại trừ ở cao nguyên như Đà Lạt, Buôn Ma Thuột… là những nơi lý tưởng để trồng lan hài còn ở đồng bằng thì nên chọn những loài chịu khí hậu nóng, thường là những loài có vân ở lá.
ÁNH SÁNG.
Đối với những vùng mà môi trường tự nhiên đã thích hợp với nó như Đà Lạt (Lâm Đồng) thì chỉ cần một mái che đơn giản để tránh ánh nắng chói chang của mặt trời là đủ. Còn đối với đồng bằng, lan hài phải được trồng dưới mái che râm mát vì trong thiên nhiên chúng mọc dưới bóng cây rừng rậm rạp nên không chịu được ánh nắng trực tiếp của mặt trời. Độ sáng thích hợp là 30 – 40%, nên trồng dưới mái hiên có ánh sáng khuếch tán là tốt nhất. Thiếu nắng lá sẽ đậm màu, dư nắng sẽ tái nhạt, nhưng quá dư nắng lá sẽ bị cháy và cây sẽ khô héo nhanh chóng. Ánh sáng ban mai trong mọi trường hợp đều tốt cho cây.
NƯỚC TƯỚI.
Vì lan hài mọc nơi ẩm ướt, không có giả hành phù mập để dự trữ nước cho nên việc tưới nước cho lan hài là quan trọng nhất. Phải giữ ẩm cho lan hài suốt năm, không có thời kỳ để khô. Thường tưới 1-2 lần/ngày bằng vòi phun sương, tốt nhất nên có một thời gian khô nhẹ giữa 2 lần tưới. pH của nước cỡ 6,2 – 6,6. Tránh đừng để nước đọng ở đọt cây, chồi hoa, nhất là vào mùa nắng, sẽ làm thối đọt và hư hoa. Tưới nước đẫm trước và sau khi tưới phân là điều cần thiết, về mùa khô phải tưới thường xuyên hàng ngày. Vào mùa mưa thì phải coi chừng việc úng nước làm cho lan hài thối, những ngày không mưa thì phải tưới. Việc tránh úng trong mùa mưa là việc quan trọng nhất. Tốt nhất vào mùa mưa các chậu lan hài phải được để trên sạp hay treo lên giàn lan. Chế độ tưới nước không những tùy thuộc vào mùa mà còn tùy thuộc chậu và chất trồng.
CHẤT TRỒNG.
Vì đa số lan hài là bán Địa Lan hay thạch lan nên chậu và chất trồng phải giữ ẩm tốt, nhưng không được úng nước vì vậy chậu trồng nên có nhiều lỗ. Theo kinh nghiệm bản thân, nên dùng chậu của phong lan cỡ 15 – 20cm đường kính, có nhiều lỗ và trồng treo. Vì là bán Địa Lan nên chất trồng không nên có đất. Hỗn hợp chất trồng tốt là xơ dừa vụn hoặc dớn sợi, than gỗ vụn cỡ bằng hạt bắp đến bằng lóng tay, lá khô vụn, phân bò khô và đối với các loài sống trên đá vôi thì cần thêm vài viên đá vôi khoảng bằng đầu ngón tay, nếu không có vôi thì có thể thế bằng vỏ trứng, vỏ sò đập vụn. Có thể thay lá vụn bằng vỏ thông vụn hoặc hỗn hợp lá vụn mục nát nằm ở kẽ đá, nằm trên lớp đất mặt ở trong vườn. Trộn hỗn hợp trên và cho vào khoảng phân nửa chậu mà đáy đã có bỏ một lớp than vụn cỡ bằng ngón tay, để dễ thoát nước. Cho cây vào giữa chậu rồi cho thêm chất trồng vào cho phủ rễ nhưng không được phủ kín gốc.
BÓN PHÂN.
Với chất trồng như trên thì có thế không cần bón thêm phân cho lan hài nhưng nếu cần thì tốt nhất là nước tiểu pha loãng 1/10 hay nước phân hữu cơ pha thật loãng. Phân N. P. K. dùng cho phong lan cũng có thể dùng cho lan hài nhưng 1 – 2 tuần 1 lần thôi và trong phân cần có khoảng 40ppm Ca++ và 20 – 30ppm Mg++. Cũng cần theo dõi để bổ sung đá vôi, vỏ sò ốc,… vào chất trồng của các cây Lan hài háo vôi (chúng sống trong thiên nhiên ở đá vôi). Vào mùa nắng tưới nước và phân thường xuyên hơn. Vào mùa mưa, khi trời mát mẻ, mây u ám sự quang hợp giảm không cho phép cây hấp thụ nhiều phân bón nên việc tưới phân phải giảm bớt đi. Tưới nước đậm sau mỗi lần tưới phân để loại bỏ phần muối dư thừa. Nếu thấy đầu lá bị nâu khô đi thì ngừng hẳn việc tưới phân.
GIÓ VÀ THOÁNG.
Nhu cầu giữ ẩm cao cho cây Lan hài cộng thêm khí hậu nóng ở miền nhiệt đới lại là yếu tố làm cho nấm bệnh nảy sinh cho nên nhất thiết nơi trồng lan hài phải thoáng gió.
BỆNH.
Kẻ thù quan trọng nhất của lan hài là nhện đỏ và rệp bột nên xử lý bằng thuốc chống côn trùng loại Dimethoate mỗi tháng 1 – 2 lần và cũng nên dùng thuốc trừ nấm như Orthocide, Benomyl tháng/1 lần để ngừa việc thối gốc, thối rễ.
SANG CHẬU.
Cây trưởng thành cần được thay chậu khi chúng mọc ra ngoài chậu, khi chất trồng bắt đầu mục nát và khi sự thoát nước trở nên kém đi. Thời điểm sang chậu là ngay sau mùa hoa. Việc thay chậu ở cây con thì cần nhẹ nhàng để chuyển nó sang chậu lớn hơn.
Đối với cây lớn thì bỏ hết chất trồng cũ, rễ cũ hư thôi, nếu cần thì rửa rễ với thuốc trừ nấm. Trồng vào chậu mới với chất trồng mới như thành phần đã nêu trên. Sau khi sang chậu tưới nước đậm cho chất trồng ổn định rồi chờ từ 3 – 5 ngày sau mới tưới trở lại, nếu cần chỉ tưới sương trên lá nhất là vào mùa hè để giữ ẩm, đến khi chồi mới phát triển (khoảng 3 tuần) thì hãy tưới đều trở lại như bình thường.
NHÂN GIỐNG.
Khi sang chậu nên kết hợp với việc nhân giống bằng cách tách chiết, nhất là đối với những chậu có nhiều cây mọc chật cứng hoặc bò ra cả mép chậu, cần tách cây ra từng bụi 2 – 3 cây một đơn vị. Có thể dùng tay để tách, không nhất thiết phải dùng dao kéo xắn đứt căn hành giữa chúng, cắt bỏ lá cằn cỗi và rễ hư, già và loại hẳn, không chừa một chút chất trồng cũ nào, rồi trồng vào chậu mới với chất trồng mới.
LAI TẠO.
Con đường nhân giống bằng cấy mô vẫn chưa thành công ở lan hài cho nên tất cả lan hài trao đổi trên thị trường đều hoặc là tách chiết (giới hạn) hoặc là gieo hột (phổ biến nhất).
Nhờ các công trình lai mà các cây Lan hài ngày càng trở nên phổ thông nhanh chóng. Không có nhà sưu tập nào lại không có cây Lan hài trong vườn lan của họ, và vào năm 1909 người ta đã cho hay việc lai tạo ở nhóm lan hài đã vượt xa con số lai ở các nhóm khác và chắc chắn một kỹ nghệ hoa mới ra đời.
Nhưng không phải loài hài nào cũng lai được. Khả năng thụ kém hay bất thụ đã tìm gặp trong nhóm lan hài. Điều đó do bất đồng số lượng nhiễm sắc thể của cha mẹ. Nhiều loài có 26 nhiễm sắc thể nhưng cũng có một số khác có 28 – 42 nhiễm sắc thể. Và như vậy, trong trường hợp này sử dụng đa bội thể (xem Tìm Hiểu Hoa Lan 1992) đã tạo ra được những cây Lan lai nổi tiếng.
Việc trồng lan hài không phải là chuyện mới mẻ. Trước đây, người chơi lan ở Đà Lạt đã trồng nhiều và cũng đã nhập những cây Lan hài từ Châu Âu. Nhưng việc biến nó thành một loài Lan phổ biến ở đất nước chúng ta vẫn còn là ước mơ của mọi người dù rằng chúng ta có những loài hài đặc hữu quí giá. Cũng cần biết rằng vì không cấy mô được nên giá cả ở cây Lan hài tương đối ổn định và trị giá của những cây Lan hài đặc sắc độc đáo là rất cao. Thế cho nên nếu bảo vệ được nguồn gen đặc hữu trên thì khả năng tạo được những cây Lan hài độc đáo, đặc thù Việt Nam có giá trị kinh tế lớn sẽ nằm trong tầm tay của chúng ta.