Trong quá trình chăm sóc những chậu Sen Đá, mình đã quan sát và nhận ra một số điểm rất tuyệt vời từ loài cây này dựa trên trải nghiệm cá nhân.
Sen đá thường héo rụng những lá phía dưới, đồng thời những lá con phía trên ngọn sẽ mọc ra và lớn dần. Vì vậy, cây sẽ có xu hướng cao lên, lộ ra phần thân cằn cỗi, tại đó có thể có sự phát triển của cây con. Phần lá rụng xuống cũng sẽ phát triển cây con.
Tuy nhiên, theo cơ chế tự động hướng mình về phía ánh nắng nên thân cây sẽ cong về 1 phía, nếu dài và nặng quá thì cây sẽ bị ngả xuống. Lúc này phần thân sẽ tự động mọc ra rễ, phần rễ này chính là bản năng “bò” tìm đất để nương tựa. Trong tự nhiên, thân cây dài và trườn ra đến đâu, rễ sẽ phát triển tới đó và bám chặt vào đất, phát triển thêm nhiều cây con và dần dần tạo thành bụi lớn.
Một trường hợp khác, khi rễ bị úng nước do mưa nhiều hoặc tưới quá nhiều, lúc này rễ đã thối và không thể hút dinh dưỡng từ đất để nuôi cây, do vậy phần gốc cây cũng sẽ thối dần. Tất nhiên, phần thân cây trên gốc cũng kịp thời phát triển thêm rễ mới, tìm đất và các chất dinh dưỡng giúp cây sinh tồn dưới các tác động từ tự nhiên và con người.
Thế mới nói, sức sống của Sen đá thật mãnh liệt và gần như bất tử trước thiên nhiên nơi có môi trường sống phù hợp với nó. Từ đó, ta cũng có thể hiểu được phần nào cách để nhân giống một số loại sen đá và đây sẽ là tiền đề để tiếp tục có những trải nghiệm khác tuyệt vời về loài thực vật này.
Câu chuyện của bạn @Nguyễn Trung Hiếu