Có một loài cây sống rất lâu mà lại dễ trồng đó chính là Cây Thạch Lan. Chúng ta hãy trồng vài chậu để trong nhà hoặc bàn làm việc nhé.
Cây Thạch Lan còn có tên gọi khác là Cây Đá Sống và nó xuất xứ từ Nam Phi. Cây có hình thù rất độc đáo và vẻ đẹp tươi tắn không giống bất kỳ loại cây nào. Có một đặc điểm rất quan trọng của loài cây này là những chiếc lá của nó không chỉ có màu xanh thông thường mà còn có nhiều màu khác nhau như màu xám, màu nâu, màu lem, đôi khi có cái có vân nhìn giống một bộ não hoặc lúc lại có màu giống như những viên sỏi. Từ những màu lá đó đã sinh ra những bông hoa với đủ các màu sắc hấp dẫn mọi ánh nhìn.
Trồng Cây Hoa Thạch Lan tương đối dễ và dễ chăm sóc bên cạnh những đặc điểm nổi bật của nó. Thạch Lan là loại cây có lá mọng nước, dễ trồng, sống lâu, nhìn giống như sen đá nên rất ưa chuộng trồng để trang trí bàn làm việc.
Sau đây là cách trồng và chăm sóc Thạch Lan mà Codai.net xin giới thiệu tới các bạn:
1. Chuẩn bị trồng cây
Ta có thể trồng Thạch Lan Đá quanh năm, nhưng thời gian thích hợp nhất là vào mùa Xuân, mùa Hạ và mùa Thu vì cây này sinh trưởng và phát triển tốt ở môi trường nhiệt độ từ 18 đến 35 độ C.
Hạt giống của cây ta có thể mua tại cửa hàng bán các loại hạt giống trên toàn quốc, với đủ các loại màu khác nhau.
Đất trồng cây đảm bảo luôn tơi xốp, đủ dinh dưỡng cho cây sinh trưởng và phát triển. Ta có thể mua thêm một ít sỏi hoặc đá nhỏ đủ màu để trang trí cho chậu cây thêm rực rỡ
Dụng cụ để trồng cây thì bạn có thể tận dụng khay nhựa hoặc thùng xốp hoặc chậu nhỏ bằng đất nung hay gốm sứ đều được
2. Cách trồng Cây Thạch Lan
Trước khi gieo hạt thì ta hãy ngâm hạt giống vào trong nước ấm từ 2 đến 4 tiếng đồng hồ rồi gieo hạt và dụng cụ muốn gieo. Tùy theo kích thước của dụng cụ trồng cây mà ta gieo số lượng hạt nhiều hay ít nhưng chú ý khoảng cách mỗi hạt là tầm 15 centimet
Sau 1 đến 2 tuần hạt giống sẽ bắt đầu nảy mầm, lúc này bạn cần chăm sóc cây con cho tốt vì chúng vừa mới nhú mầm nên rất dễ bị tổn thương bởi thời tiết khắc nghiệt hoặc sâu bệnh. Cần đảm bảo tưới đủ nước để cung cấp đủ ẩm cho cây nhưng tuyệt đối không được để nước đọng trên lá.
Khoảng 1 – 2 năm đầu thì cây sẽ chưa ra hoa nhưng đã có những hình hài rất đẹp mắt. Với Thạch Lan ta không thể thấy thân cây của nó vì chỉ có một hay nhiều cặp thân với chiếc lá nhìn giống như những viên đá màu tro, màu nâu, màu xám có vạch nhìn như bộ não. Thạch Lan cũng có thể được nhân giống bằng cách ghép nhánh chứ không phải chỉ một phương pháp gieo hạt.
3. Cách chăm sóc cây
Trồng Thạch Lan ta không mất nhiều công chăm sóc. Lá của cây dày, rất mọng nước nên nó có khả năng dự trữ nước để tồn tại cho trường hợp không được tưới đầy đủ và ở giữa của mỗi khe lá vẫn có những dưỡng chất dùng để nuôi hoa. Chính vì thế mà nếu có trót quên không tưới nước cho cây thì cây vẫn có thể sống trong một thời gian dài mà không lo bị chết khô.
Cây Thạch Lan ưa ánh sáng nhẹ và thoáng mát nên bạn hãy đặt cây gần cửa sổ hoặc những nơi có nhiều ánh sáng. Không cần bón phân cho cây. Tuần nên tưới cho cây khoảng 2 lần nhưng nhớ không tưới sũng nước sẽ ảnh hưởng tới vòng đời của cây. Vào mùa đông có thể tưới nước cho cây ít hơn, nên tuần 1 lần.
Trồng Thạch Lan phải mất 1 đến 2 năm cây mới ra hoa nên bạn đừng sốt ruột. Khi mùa xuân đến, các cặp lá cũ sẽ héo và tàn thay vào đó là một cặp lá mới, rồi khi các cặp lá đó co lại rồi biến mất dưới mặt đất chính là lúc các cánh hoa màu vàng hoặc màu trắng sẽ mọc dần lên từ các khe nứt của lá sau khi các cặp lá mới đã hoàn thành với việc trưởng thành của mình.
Tuổi thọ của Thạch Lan là từ 3 đến 5 năm nếu được chăm sóc đúng kỹ thuật. Khi cây ra hoa thì mỗi cây lại mang một vẻ đẹp rất riêng. Rất hợp để trang trí trên bàn làm việc, văn phòng hay cửa sổ.