Paphiopedilum druryi (Beddome) Stein
Tên cũ
Cypripedium druryi Bedome
Đồng âm
Cordula druryi (sic.) (Bedome) Rolfe
Dẫn nhập
Vào khoảng năm 1865 Paphiopedilum druryi đã được bà J. A. Brown phát hiện, trên “Aghusteer Hill” ở miền tây Ghats, bang Kerala, miền nam Ấn Độ. Cây lan này được tướng H. Drury thuộc quân đội Anh thu lượm. Về sau cây này được tìm thấy một cách khá tình cờ trên đỉnh Calcad Hill, đến khoảng tháng Giêng thì chúng ra hoa.
Paphiopedilum druryi vẫn còn là loài rất hiếm thấy trong các bộ sưu tập. Nguyên nhân của tình trạng này là chúng rất cách biệt trong tự nhiên. Đôi khi, người ta nói rằng đã không còn hy vọng tìm thấy chúng trong tự nhiên, đến năm 1978 ông Cribb đã cho biết cây mẫu Kew cuối cùng cũng đã chết vào năm 1961. Mặt khác, năm 1974, V. & J Mammen cho biết vào năm 1972 ông đã sưu tập được các cây ở nơi chúng sinh trưởng. Theo như lời đồn đoán thường thấy lúc bấy giờ, rằng sau khi Mammen thu thập được khoảng 200 cây thì nơi cư trú của chúng bị hỏa hoạn nên không còn lại gì. Mặt khác, K.T. Pempahishey vào năm 1976 cho biết đã tìm thấy một số cây ở cùng một địa điểm (nơi đã bị cháy). Cách đây ít năm, một số cây lại được tìm thấy, nơi chúng sinh trưởng cùng chỗ với Pempahishey có tìm thấy hay không thì không ai biết. Ngày nay Paph. druryi được giới thiệu là cây lai nhân tạo tại một số vườn ươm.
Những người mua quan tâm đến loài Paphiopedilum cần phải biết một điều rằng, các cây lai tạo được giới thiệu như là “một loài nhân giống nhân tạo” từ Paph. druryi. Cây lai này có tên là Paph. Winianum, là cây được lai giữa Paph. druryi với cây Paph. willosum, cây này được Veitch đăng ký vào năm 1886, cũng không khó xác định, vì phần đầu lá của chúng cuốn lại, trong khi lá của Paph. druryi thì không.
Nguồn gốc tên gọi
Tên druryi được đặt theo tên của đại tá Henry Drury (sau đó là tướng Henry Drury, 1804 – 1883), một sĩ quan Anh quốc thường trú tại Ấn Độ trong khoảng thời gian đó.
Mô tả
Paphiopedilum druryi là một loài thảo mộc. Người ta có thể nhận ra chúng vì thân rễ của chúng cứng cáp, bò lan ra, theo đó là các nhánh cách nhau vài cm. Mỗi thân ngắn của chúng đều mang theo năm lá có hình dạng giống hình mũi mác đến hình cái lưỡi, lá có cạnh sắc. Mỗi lá dài chừng 12 đến 25 cm, rộng khoảng 2,5 đến 3,5 cm. Lá dày và dai, mọc xiên lên trên, đầu tròn, lá mang sắc xanh đồng nhất, phần đầu lá không bao giờ uốn cong. Vòi hoa mọc thẳng có thể cao tới 30 cm. Cuống hoa nhỏ, ở phần chân cuống có màu đỏ tía, ở đó có lớp vỏ lụa màu xanh, ngắn, và một lớp lông tơ dày. Thông thường mỗi cây chỉ cho có một hoa. Lá bắc nhỏ và gập lại, hình trứng, đầu nhọn và dài khoảng 2 cm, có màu xanh và được bao phủ một lớp lông màu đỏ tía. Hoa trông khá rực rỡ, các cánh hoa phẳng, dài 7,5 cm còn nếu đo chiều ngang được 5,5 cm, và hơi nghiêng. Ở mặt ngoài, lớp lông tơ có màu vàng xỉn hoặc vàng ngả xanh, hoặc màu rượu chát, có những sọc và chấm màu nâu hoặc màu tím đỏ. Lá đài sau có hình ê-lip cho đến hình ô-van rộng, đầu nhọn, dài từ 3 đến 3,8 cm, rộng chừng 2,5 đến 3,3 cm. Phần lưng có đường sống gân, che phủ lên môi, mép có lông, màu vàng xỉn hoặc vàng xanh, hoặc cũng có thể là màu rượu chát, có một vệt dài và rộng ở giữa màu hạt dẻ hoặc màu nâu hạt dẻ khá rõ, lốm đốm những lông màu gần như đen. Lá đài kép dài từ 2,7 đến 3,5 cm, rộng khoảng 2 đến 2,5 cm, hình trứng , đầu nhọn, đôi khi sắc cạnh, có lông mịn, màu sắc thì kém hơn lá đài sau, và thỉnh thoảng có hai sọc theo chiều dọc với màu đỏ tía rất đậm. Các cánh hoa thì vươn thằng sang hai bên chếch về phía trước, hình mũi mác đến hình cái lưỡi, dài từ 4 đến 4,5 cm, rộng từ 1,3 đến 2 cm. Phần mép cánh hoa có lông cứng quăn và hơi rủ xuống, đầu cánh hoa có ba răng cưa rõ rệt. Các cánh hoa có khi là màu đất đỏ nhưng hầu hết là màu vàng kim, ở tâm có một giải băng rộng màu hạt dẻ đến màu nâu hạt dẻ, với những chấm màu đỏ tía. Cánh hoa có lông tơ , ở phần chân có lông màu nâu dài hơn. Môi có ba thùy, hai thùy bên cuộn vào trong và gần như tạo thành hình một cái ống. Thùy chính tạo thành một cái túi, hơi ép vào, dài khoảng 3,3 đến 4,5 cm, rộng chừng 1,2 đến 2 cm, và hình thành cái tai. Túi ở mặt ngoài có màu vàng sáng, mặt trong có những chấm ngả đỏ đến đỏ tía. Miếng nhụy lép có hình dáng giống hình trái tim ngược, phần đỉnh chia ba thùy, ba răng cưa, màu vàng đậm, ở gần tâm ánh lên màu lòng đỏ trứng, chiều dài và rộng đều khoảng từ 1 đến 1,2 cm.
Phân bố và thói quen sinh trưởng
Phân bố chủ yếu ở miền nam Ấn Độ. Các cây Lan này được tìm thấy ở cao nguyên Calcad Hill và Travancore, trên độ cao từ 1.500 đến 1.600 m. Chúng thường mọc trên những phần đất dốc cứng và pha đá vôi, được bồi đắp thêm bởi cỏ và cành cây mục. Cây có thể mọc dưới ánh nắng trực tiếp của mặt trời, hoặc hơi bị khuất bóng của các bụi cây và cỏ.
Mùa ra hoa
Paphiopedilum druryi ra hoa vào khoảng tháng Năm, tuy nhiên vẫn có những cây lại ra hoa trong khoảng thời gian từ tháng Hai qua tới tháng Chín. Trong tự nhiên chúng thường ra hoa vào mùa xuân./.