Nguồn: Andy Rutledge
Biên dịch: bác Vũ Hưng trong caycanhvietnam.com.
Chả có thứ ngôn ngữ nào không có câu có kệ (?), lại có thể diễn đạt cho người khác hiểu. Những quy tắc căn bản của việc truyền đạt vốn luôn luôn cần thiết để đạt thành công này. Vài người cao tay nghể có thể “chế” ra vài chuyện “phạm quy” hết sức thông minh và họ có thể truyền đạt được điều họ muốn. Nhưng dẫu sao, muốn làm được điều “phạm quy nhưng vẫn truyền đạt tốt” đó, họ phải:
- Chấp nhận một vài rủi ro, và
- Biết xài bối cảnh quanh tác phẩm sao cho nổi được ý muốn nói.
Ngay như trong ngôn ngữ viết, những chuyện gây hiểu lầm (của người đọc) cũng là do đầu óc họ so chữ đọc được với “quy ước căn bản”.
Bởi vậy: Không có những nền tảng, không có những nối kết cơ bản, việc truyền đạt không thể thành công; dẫu là truyền đạt bằng ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết, hình tượng cụ thể, hay ngay cả bằng âm thanh hoặc đường nét vẽ vời, thì cũng cần như nhau cả.
Trong việc truyền đạt ý tưởng, bối cảnh (cảnh sắc, những hiện tượng chung quanh) là yếu tố hết sức quan trọng. Để hiểu được sự quan trọng của bối cảnh, mời các bạn xem mấy ví dụ về “những tựa đề trên trang nhất Nhật báo” được viết ‘ngắn gọn, đủ nghĩa, nhưng phải đập ngay vào mắt, đủ để người lướt mắt qua sẽ phải mua báo”
Kids Make Nutritious Snacks (Trẻ em Làm Thức ăn vặt Bổ dưỡng)
Kids =trẻ em 3-12 tuổi
Make = làm, chế, nấu….
Nutritious = bổ dưỡng
Snacks = thức ăn vặt (lụn vụn, kiểu bánh tai heo )
Prostitutes Appeal to Pope (Gái làng chơi kháng kiện tới Đức Giáo Hoàng)
Prostitutes = gái làng chơi
Appeal to = kháng cáo, đưa kiến nghị, dâng lời cầu khẩn…
Pope = ĐGH, cách gọi thân mật
British Left Waffles on Falkland Islands (Người nước Anh Để lại Bánh kẹp trên Đảo Falkland)
British = người nước Anh
Left = để lại, để quên, rời bỏ …
Waffles = bánh kẹp, bánh quế (người Mỹ hay ăn với mật ong ), đàm phán vô bổ…
on Falkland Islands = trên hai hòn đảo tên Falklands
(nguồn từ quyển sách :”The Blank Slate” của tác giả Steven Pinker, năm 2002)
Mới thoạt nhìn tựa thì người đọc sẽ thấy nghĩa như hàng chữ viết đậm ở trên (tức là nghĩa theo từng chữ – literati). Khi so nghĩa khởi đầu đó với những chữ chung quanh (ngữ cảnh – context), người đọc sẽ tự động chuyển nghĩa sang ý khác cho phù hợp.
Riêng trong thí dụ đầu tiên: Nếu hiểu là Trẻ con tự làm thức ăn vặt bổ dưỡng, thì sẽ đâm “mắc cười”, vì con nít 6,7 tuổi mà bảo vào bếp nấu nướng, làm ra thức ăn là coi không được (thiếu an toàn). Nhưng nếu viết tựa là “Làm thức ăn vặt bổ dưỡng cho Trẻ em” thì nó lại thường quá, chắc chả ai buồn đọc. Thế nên ký giả đã sáng ý đưa chữ Trẻ em lên đầu câu (vì ai cũng quan tâm đến trẻ em). Thế là cái tựa trở nên hấp dẫn khi mới đọc (vẻ mắc cười). Sau đó người đọc sẽ hiểu đúng ý ký giả bằng 1 trong 2 cách (chuyển chữ và thêm chữ):
- Trẻ em, (cần được chúng ta) làm những thứ ăn vặt (cho chúng).
- Hãy làm những thức ăn vặt bổ dưỡng cho trẻ em.
Trẻ em Làm Thức ăn vặt Bổ dưỡng
(Hãy) Làm Thức ăn vặt Bổ dưỡng cho Trẻ em
Gái làng chơi kháng kiện tới Đức Giáo Hoàng
Gái làng chơi dâng lời cầu xin tới ĐGH
Người nước Anh Để lại Bánh kẹp trên Đảo Falkland
Quân đội Anh Rút lui và Để lại cuộc Đàm phán chưa kết quả trên đảo Falklands
Nếu đọc các đề tựa trên theo kiểu “đàng hoàng” thì quả là chúng có vẻ “mắc cười” hoặc có vẻ muốn “bôi nhọ” ai đó. Tuy nhiên, khi đối chiếu với những chữ chung quanh (ngữ cảnh) chúng ta suy ra được ý nghĩa thực sự ký giả muốn viết ở mỗi lời tựa.
Tập sách này là một nỗ lực để xác định một số những quy tắc hết sức căn bản trong vấn đề truyền đạt cho sáng tạo nghệ thuật. Ấy thế, ngay cả những tiêu đề, chả thấy chỗ nào dành chỗ đứng cho vấn đề “tự thể hiện cá tính”.
Cái việc “đưa ra những biểu hiện cá nhân” hoặc ” cảm nhận cá nhân” qua tác phẩm chính là một phần quan trọng mà chúng ta từng thảo luận về sáng tạo nghệ thuật, cộng với vấn đề truyền đạt.(tiền đề ở chương hướng tới việc có thêm nhiều sáng tạo nghệ thuật. )
Tuy vậy, rõ ràng là những biểu hiện cá tính này đã chẳng thể truyền đạt thành công tới người xem, nếu như người sáng tạo tác phẩm không nắm trong tay những hiểu biết chính xác về các quy tắc thiết kế nghệ thuật căn bản, cũng như nếu không tạo ra được một cảnh sắc (ngữ cảnh) phù hợp quanh tác phẩm để người xem dựa vào đó tham khảo và thấy ra ý.
Sự tự thể hiện cá nhân
(Ghi chú của người dịch:
- 1. Thực sự thì mình có chút lấn cấn trong việc dịch cụm từ “self-expression”. Ba hồi nó mang nghĩa tự thể hiện cá tính, bốn hồi lại phải dịch là biểu hiện cảm nhận. Nay mình gom hết vào cụm từ: tự thể hiện cá nhân cho cả 2 phần ý nghĩa trên. Nếu các bạn có từ nào thay thế, vui lòng nêu ý kiến. Cảm ơn.
- 2. Thoạt đầu cụm từ Self-expression được dịch là “Tự thể hiện bản sắc cá nhân”. Qua góp ý rất hay của bạn Juniperus nay đổi thành: Sự tự thể hiện cá nhân.Cảm ơn bạn Juniperus.)
Bonsai vốn được coi như một dạng sáng tạo nghệ thuật muôn vẻ vì chúng được thực hiện bởi mọi giới trong dân gian. Một trong những ý nghĩa coi như phổ biến và dễ hiểu nhất về bonsai: Bonsai là kết quả của việc tự thể hiện cá nhân.
Khi bạn cắt tỉa một bonsai, chính cái ý niệm: “Cá nhân tui tự tạo dáng cây này” sẽ là động lực hướng dẫn bạn tới cái dáng bạn định tạo; và cũng chắc chắn rằng những cách biểu hiện của riêng bạn trong sáng tạo sẽ tô điểm nét nghệ thuật trên tác phẩm.
Ấy thế nhưng, nếu bạn gạt hết mọi quy tắc sáng tạo nghệ thuật sang một bên, thì tác phẩm của bạn có thể chỉ một mình bạn thấy hay ho, chứ còn người xem chả chắc gì hiểu điều bạn muối diễn tả (tác phẩm giảm khả năng truyền đạt tới người xem).
Như vậy có thể nói: việc bạn tự thể hiện bản sắc cá nhân trên tác phẩm bonsai sẽ “tịt ngòi”, trong việc diễn tả, và cả trong việc nối kết những thành phần cấu tạo tác phẩm (cây, chậu, trưng bày)tới người xem cũng chả có tí liên hệ nào: ấy là do người xem không nắm được điều bạn muốn nói bởi vì họ không thể dựa vào đâu để hiểu. (Chứ bình thường thì người xem liên kết tác phẩm với ngữ cảnh chung quanh để dựng lên “một hình ảnh đúng nghĩa”, tức là có ý niệm chính xác điều người tạo dáng muốn nói).
Một thí dụ về chuyện “ngây ngây”
Giả như bạn gặp một ông “bảnh bao” trong buổi dạ tiệc. Bạn ngỏ lời :”Chào ông!”, vị này đáp lại bằng cách nhếch hai mép lên tận mang tai và cổ họng phát hai tiếng “í! ờ!”. Khựng người! bạn hỏi thăm xem ông ta có ổn không? Ông ta lại vẫn cứ “í! ờ!”. Đến nước này thì bạn đành lịch sự xin lỗi, rút lui, đi kiếm người khác chuyện trò. Eo ơi! Rõ khiếp!
Chẳng qua thì cái nhà ông “bảnh bao” ấy vốn vẫn thích diễn đạt nỗi vui sướng của ông ta bằng cách kéo hai mép lên mang tai và thốt “í! ờ!”. Bởi chả có dấu hiệu chung nào ở đây, thành thử không ai hiểu được ông ta muốn nói gì.
Vậy là, diễn đạt của nhà ông “bảnh bao” này hoàn toàn chẳng sao liên lạc được tới những người ông ta gặp.
Thế bây giờ, hẳn bạn còn nhớ: thông thường ra, khi diễn tả một nỗi vui sướng, thì người ta dùng một từ ngữ nào đó trong nhóm ” thán từ” (những từ dùng để chỉ trạng thái cảm xúc như mừng rỡ, vui sướng…Sau những từ này thường thấy dấu chấm than.
Thí dụ : Trơ …ời ơi! Đã quá!…). Thế nhưng, dẫu có dùng “thán từ” chăng nữa, thì từ này cũng cần những ngữ cảnh quanh nó, những ngữ cảnh nằm trong “khu vực” hiểu biết chung của mọi người. Kiểu như chữ nghĩa (từ vựng) thì phải liên hệ với loại ngôn ngữ bạn nói vậy (hoặc là cái ngữ cảnh nào đó “quanh cái cách biểu thị của cái nhà ông bảnh bao kia” để bạn hiểu rằng: ông ta không nói được tiếng Anh như bạn).
Thêm bước nữa, các thán từ diễn đạt niềm vui sướng thường được giới hạn trong một “khu vực ngữ cảnh” được xã hội chuẩn định. ( kiểu như có cười vui, hét lên vì sung sướng, thì cũng cần thể hiện đúng nơi, đúng lúc).
Nói cách khác: sự truyền đạt, phần lớn, liên hệ mật thiết với những quy ước căn bản; đấy là những chuẩn mực được thừa nhận rộng rãi, thành thử mọi người đều hiểu rõ.
Bạn chịu khó kiên nhẫn chờ tôi chút…
Bây giờ chúng ta áp dụng cái “sự tự thể hiện cá nhân” vào bonsai xem sao. Coi như bonsai nào của bạn cũng quá trời chi dăm. Bạn rất tự hào về tay nghề của mình đã phải “tới mức” nào thì mới cắt tỉa mấy cây bonsai có được chi dăm dầy đặc như vậy, và bạn tin chắc rằng “bonsai mà có chi dăm cỡ như thế” là biết bao công lao bỏ ra.
Đấy chính là cách bạn muốn diễn đạt: bạn rất yêu thích bonsai; thể hiện qua những cái cây có hình bóng gồm những đọt non li ti.
Thế nhưng rồi bạn chả sao hiểu được lý do nào khiến bạn bè và cả đến mấy thành viên hội bonsai cũng chả ai thích mấy cây bạn làm. Coi bộ họ chẳng sao hiểu được cái cách bạn khoái ở kiểu thể hiện (chi dăm) từ mấy cây bonsai của bạn.
Bạn bè mới bảo: “Kiểu này nhìn chả thấy có vẻ bonsai gì cả?”, nhưng rõ ràng là bạn thấy mấy bonsai của người Nhật thì cây nào cây nấy đầy chi dăm. Tại sao chả ai nhận ra cái điều rõ ràng ràng ấy nhỉ? Bạn khoái cái vụ “chi dăm” này, còn mấy người kia, sao chả người nào “thích” chi dăm là sao?
Lý do là bởi bạn tách riêng có một yếu tố (chi dăm) đẹp đẽ của cái cây ra khỏi toàn thể ngữ cảnh. Đã vậy, bạn lại chẳng hề đưa cái mớ chi dăm của cây bạn làm vào hình tượng nghệ thuật – tức là chả truyền đạt, chả nói lên được cái gì tới người xem.
Chi dăm mà phát tốt trên cây bonsai thì quả là đẹp thật! Thế nhưng, mấy cành có mớ chi dăm ấy nhìn nó “ẹ” quá (kiểu như hình trên). Thành thử, rõ là có tính nghệ thuật sáng tạo qua những đọt non li ti thật, nhưng chả có tí chút sáng tạo nghệ thuật nào qua hình ảnh thân và cành của cây.
Thêm chút nữa, bạn đã chẳng dùng chút phụ kiện hay hình thức kiểu kệ nào khi trưng bày bonsai của bạn. Thế là có sự thiếu toàn vẹn cho thiết kế bố cục tác phẩm, và chuyện này đã khiến công phu của bạn thành công cốc!
Trường hợp này của bạn thì cũng hệt như cái kiểu nói “í! ờ!” của cái nhà ông “bảnh bao” kể ở trên. Ở mỗi trường hợp, đều là cái kiểu “một quy ước căn bản” được “lôi rời khỏi toàn bộ ngữ cảnh”, khiến dẫn đến kết quả khó hiểu, chả hứng thú gì trong việc cố gắng “nói chuyện” với nhau.
Hễ đã không có sự truyền đạt thì chả ai “thấy” được nét đẹp hay niềm hứng thú ở đối tượng mình muốn giao tiếp. Có cùng lắm, (cho những ai) cảm thấy hứng thú với kiểu cố gắng liên hệ chính là vì “muốn biết cái nét kỳ dị, nét đặc thù” của đối tượng.
Tác phẩm bonsai được gọi là thành công, hay không, hoàn toàn dựa trên căn bản nghệ thuật sáng tạo. Bonsai “ngon lành” là tác phẩm “biết kể chuyện” cho chúng ta, là sản phẩm chuyển tải được “ước muốn” của người làm ra nó, là “món quà” gợi lên trong lòng chúng ta điều gì đó.
Bạn hãy chịu khó học hỏi thêm về “nghệ thuật sáng tạo” cho việc tạo dáng bonsai, từ đó bạn sẽ nhận ra cách thực hiện những bonsai “chiến hơn”, thế là bạn sẽ giảm dần việc làm ra những bonsai coi giống như cái kiểu ông “bảnh bao” í ờ.
Đến đây chưa phải là hết chuyện
Rồi!……..coi như đây là phần kết, nhưng tôi thực sự mong rằng các bạn đừng coi như tới đây là chấm dứt việc thảo luận những vấn đề chúng ta từng đề cập trong tập sách này. Món quà chia tay của tôi tới các bạn là vài lời khuyên thế này:
- Tìm hiểu về “Ngôn ngữ sáng tạo nghệ thuật”: những quy ước, những quy tắc, cách kết cấu.
- Nghiên cứu mọi thể loại Nghệ thuật.
Bạn ráng tìm để hiểu ra được tại sai có những tác phẩm được coi là biểu tượng học hỏi, trong khi lại có những người chả có tác phẩm nào thành công. - Quan sát và nghiên cứu xem sao một số nghệ sĩ đưa nét độc đáo và táo bạo vào tác phẩm của họ, mà sức truyền đạt vẫn cao.
- Đừng tạo dáng bonsai dựa trên “quy tắc” nữa, hãy thiết kế bố cục trên “sự truyền đạt”.
(Quy tắc sáng tạo nghệ thuật là những tham khảo để thấy ra được: làm thế nào để truyền đạt? chứ không phải là truyền đạt cái gì?) - Đừng lẫn lộn “nét tự nhiên” với “nét mỹ thuật và “nét gợi cảm”.
- Mỗi tác phẩm nên đặt rõ ra một mục đích sáng tạo.
- Mô tả và diễn dịch, chứ đừng có “chép lại y chang”.
- Tạo cho người xem một “chủ điểm”(điểm nhấn) trên tác phẩm, chứ đừng cái kiểu “làm hệt như cái cây thấy trước mắt”.
- Học và hiểu rõ tính toàn vẹn của mẫu thiết kế hơn là về quy tắc thiết kế.
- Đừng vì “muốn đề cao sự tự biểu hiện cá nhân” mà vứt bỏ những thứ cần cho sự truyền đạt có hiệu quả.
Biết rằng tập sách này từng thảo luận, chứ chả phải chỉ giới thiệu tới các bạn một số ý tưởng, vài quy tắc và ít khái niệm. Ước vọng chân thật của tôi là được thấy các bạn sẽ “đào sâu”, nghiên cứu kỹ hơn về những ý tưởng này, để các bạn gặt hái thêm kiến thức, để những chuyện bạn lĩnh hội trở nên “tròn trịa” hơn.
Cảm ơn các bạn đã đọc tập sách nhỏ của tôi.
Tôi cũng mong là các bạn đã học được chút gì đó và đã sáng ra thêm nhiều câu hỏi, nhiều câu trả lời. Vậy chứ tôi vẫn hy vọng là các bạn sẽ có nhiều câu hỏi hơn câu trả lời. Chính những câu hỏi này sẽ là “quà tặng”
cho chính các bạn, một khi bạn chịu khó tự tra cứu, bởi nó sẽ giúp các bạn tiến xa thiệt là xa, hơn mấy cái câu trả lời quá ư đơn giản trong tập sách này.