Nam Hoàng Liên (Coptis Teeta Wall): Đặc điểm và cách gieo trồng mới nhất 2024

Nam Hoàng Liên 0

Nam Hoàng Liên được xem là một loại cây dại, mọc nhiều ở khu vực miền núi nước ta. Tuy nhiên có thể nhiều người sẽ bất ngờ với thông tin loại cây dại này thực chất lại là một trong những loại dược liệu quý được sử dụng rộng rãi trong Y Học với nhiều công dụng như: Trị bệnh đường tiêu hóa, kháng viêm, điều trị ho gà… Hãy cùng Codai.net  tìm hiểu các thông tin mới nhất và cách gieo trồng, chăm sóc loài cây này qua bài viết dưới đây nhé!

Đặc điểm của Nam Hoàng Liên

Nam Hoàng Liên thuộc họ Hoàng Liên (Ranunculaceae), có tên khoa học là Coptis Teeta Wall. Loài cây này còn có rất nhiều tên gọi khác như: Cây chi liên, vương chi liên, thượng thảo, cây sâm hoàng liên, hoàng liên chân gà…. 

Chi Coptis. trên thế giới có 12 loài, phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ấm châu Á, bao gồm từ Ấn Độ, Nepal, Trung Quốc (cả ở Đài Loan) và Bắc Việt Nam. Ở Việt Nam, có 2 loài là Coptis chinensis Franch. và C. quinquesecta Wang – riêng loài sau trên toàn thế giới chỉ thấy ở hai điểm phân bố là Vân Nam (Trung Quốc) và Hoàng Liên Sơn (Lào Cai – Việt Nam).

Loài Coptis quinquesecta Wang cũng được dùng làm thuốc như loài hoàng liên kể trên. Về hình thái bên ngoài, hai loài tương đối giống nhau, song loài Coptis quinquesecta Wang thường có kích thước lớn hơn, lá chia thành 5 thuỳ riêng biệt, cụm hoa dài mọc vượt trên tán lá.

Đặc điểm hình thái

Tuy là loại cây mọc hoang ở những khu vực vùng núi nhưng Nam Hoàng Liên rất dễ nhận biết giữa các loại cây khác nhờ những đặc điểm tương đối nổi bật như sau:

  • Thuộc loài cây thân thảo, sống lâu năm, thân thấp, chỉ cao khoảng 20 – 30 cm.
  • Lá cây có cuống dài khoảng từ 8 – 20cm và mọc trực tiếp từ phần gốc. Mỗi phiến lá có 3 – 5 lá chét, lá chét hình thoi dạng trứng, chia thuỳ lông chim không đều, lá chét giữa to và có cuống dài hơn, các lá chét bên hình tam giác lệch, chia 2 thuỳ sâu, những thuỳ này lại chia thuỳ nông không đều, các thuỳ đều có răng cưa nhọn, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục bóng, mặt dưới nhạt.
  • Khoảng tháng 2 đến 4 là thời điểm cây ra hoa, hoa hoàng liên mọc thành từng cụm nhỏ 3 – 5 bông từ đầu cành và màu vàng lục đẹp mắt. Mỗi bông hoa có 5 cánh nhỏ và có nhiều nhụy. Bao hoa màu lục vàng nhạt, 5 lá đài hình mác hẹp, 5 cánh hoa dài; nhị khoảng 20; lá noãn 8 – 12 rời.
  • Đến tháng 3 – 6 cây kết quả. Quả hoàng liên có hình thuôn, dài từ 6 – 8mm, màu vàng và bên trong chứa chừng 10 hạt màu nâu đen hoặc lục xám khi chín.
  • Rễ hoàng liên thuộc loại rễ chùm, hình trụ dài, có màu vàng nhạt hoặc có màu nâu. Khi cây trưởng thành thì rễ sẽ phát triển thành củ tựa như chân gà.

Đặc điểm sinh học

  • Ưa ẩm và đặc biệt ưa bóng. Nam Hoàng Liên  thường mọc thành đám nhỏ, bám trên vách đá, hoặc thân cây gỗ có nhiều rêu; dưới tán rừng, độ cao từ 1.600m ở Quản Bạ, đến 2.400m ở Hoàng Liên Sơn. Rừng nơi có Nam Hoàng Liên thường ở đỉnh núi, bao gồm các cây gỗ thấp (dưới 15m), phân cành nhiều, quanh năm có mây mù. Nhiệt độ trung bình năm ở đây chỉ khoảng 13 độ C (tương đương số liệu của Trạm khí tượng đèo Hoàng Liên Sơn trước kia, ở độ cao 2.100m); về mùa đông thường xuyên ở mức dưới 10 độ  C.
  • Nam Hoàng Liên là cây thường xanh quanh năm. Tuy nhiên, mùa sinh trưởng mạnh khoảng tháng 4 – 8; sau đó đến tháng 9 bắt đầu ra hoa; quả già tồn tại đến tận đầu tháng 5 năm sau. Cây tái sinh tự nhiên bằng hạt và bằng cách đẻ chồi nhánh ở thân rễ. Vì thế, trong tự nhiên chúng thường tạo thành từng đám nhỏ, khó phân biệt từng cá thể. Cây con nảy mầm từ hạt quan sát được vào tháng 4 và 5.
  • Sinh trưởng rất chậm. Để có dược liệu cho khai thác sử dụng, chắc chắn phải cần nhiều năm.
Nam Hoàng Liên1
Đặc điểm của Nam Hoàng Liên

Khu vực phân bố chủ yếu

Nam Hoàng Liên là loại cây dại, mọc và phát triển tương đối phổ biến ở nước ta. Loại cây này sinh trưởng tốt nhất ở những khu vực vùng núi cao, ví dụ  như Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Sapa… Ngoài ra, đây cũng là loại cây có giá trị sử dụng và giá trị khai thác rất cao nên được trồng nhiều ở các vườn dược liệu trên cả nước, đặc biệt là ở vườn dược liệu Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Trong tự nhiên, có một số loại thực vật cũng mang tên hoàng liên nhưng lại khác biệt hoàn toàn với Nam Hoàng Liên và không có giá trị về mặt dược liệu. Do đó, khi muốn sử dụng Nam Hoàng Liên như một vị thuốc, ngoài tham khảo ý kiến bác sĩ, người bệnh cũng cần chú ý, tránh nhầm lẫn với một số loại cây sau nhằm đảm bảo sức khỏe:

  • Cây hoàng liên gai: Loài cây này cũng xuất hiện nhiều ở các khu vực miền núi cao như vùng núi Sapa (Lào Cai). Cây hoàng liên gai cao khoảng 2 – 3 m, thân cây màu vàng xám nhạt, dưới mỗi nách lá đều có 3 nhánh gai nên có tên là hoàng liên gai. Cũng giống cây thuốc hoàng liên, hoàng liên gai cũng là một vị thuốc trong Y Học Cổ Truyền nhưng công dụng và cách sử dụng khác hoàn toàn cây hoàng liên.
  • Cây hoa dây leo hoàng liên: Cây hoa dây leo hoàng liên còn được gọi là cây lạc tiên, thuộc loài cây leo, khá dài. Cây trưởng thành có thể dài từ 7-10 m. Hoa của cây dây leo hoàng liên cũng có nhiều màu sắc sặc sỡ như tím, hồng đậm, trắng, đỏ… Loại cây này chủ yếu được trồng làm cảnh và không có tác dụng trong chữa và điều trị bệnh.
  • Cây hoàng liên ô rô: Hoàng liên ô rô thuộc loại cây thân bụi, cao từ 2 – 3m, còn được gọi là cây mật gấu, cây hoàng mật… Tác dụng của cây hoàng liên ô rô có nhiều điểm tương đồng với cây hoàng liên nhưng đặc điểm thực vật, cách sử dụng lại không hề giống nhau.

Công dụng của Nam Hoàng Liên

Nam Hoàng Liên không chỉ là một loài cỏ dại mà còn được ví như sâm hoàng liên nhờ những lợi ích mà nó đem lại đối với sức khỏe con người. Cụ thể như sau:

Trong Y học Cổ Truyền

Theo Y học Cổ truyền, Nam Hoàng Liên là một loại cây thuốc vị đắng, thuộc nhóm thảo dược quý giá với công dụng:

  • Sát trùng, thanh nhiệt, khử nhiệt độc, táo thấp;
  • Chữa trị hiệu quả các chứng như nhiệt miệng, kiết lỵ, nôn mửa, thương hàn, thấp chẩn, tâm hỏa thịnh,…
Nam Hoàng Liên2
Công dụng Nam Hoàng Liên trong Y học cổ truyền

Trong Y học Hiện Đại

Theo Y học hiện đại, Nam Hoàng Liên chứa rất nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe. Điển hình là Ethanol, Berberin, Columbamine, Palmatin, Coptisine Coptisine,… Đặc biệt thành phần Berberin với hàm lượng từ 5,5 – 7,5% chứa trong Nam Hoàng Liên có đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn vô cùng hiệu quả.

  • Kháng viêm: Thành phần berberin và chiết xuất ethanol từ cây hoàng liên có đặc tính kháng viêm vô cùng hiệu quả.
  • Kháng khuẩn: Bên cạnh tác dụng kháng viêm,berberin có trong Hoàng liên còn giúp ức chế sự sinh sản và phát triển của một số loại vi khuẩn như liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, Shigella, bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa
  • Kháng vi-rút: Nhiều bằng chứng thực nghiệm đã chỉ ra rằng berberin có hoạt tính kháng vi-rút mạnh đối với các loại virus khác nhau như vi-rút herpes, vi-rút cúm và vi-rút hợp bào hô hấp đã được khoa học ghi nhận.
  • Kháng nấm: Dịch chiết hoàng liên đã được thử nghiệm trên các loại nấm khác nhau bao gồm: Penicillium digitatum, Aspergillus niger, Aspergillus flavus, Aspergillus fumigatus, Candida albicans… cho thấy tác dụng ức chế sự sinh trưởng và phát triển của nhiều loại nấm.
Nam Hoàng Liên3
Công dụng Nam Hoàng Liên trong Y học hiện đại

Bên cạnh đó, Nam Hoàng Liên còn được ứng dụng để điều trị các bệnh lý sau:

  • Chữa bệnh ho gà, phòng chống tình trạng giãn mạch máu, điều trị hạ huyết áp và dùng để ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch hay đột quỵ;
  • Khi dùng hoàng liên với hàm lượng vừa phải sẽ giúp kích thích vỏ não hoạt động và củng cố chức năng mật;
  • Ức chế sự sinh sản và phát  triển của một số loại vi khuẩn như liên cầu khuẩn, vi khuẩn tụ cầu, Shigella, bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa,…;
  • Hiệu quả trong việc cải thiện tình trạng mụn nhọt, nổi mề đay, mẩn ngứa, thanh nhiệt, giải độc,…;
  • Tác dụng an thần, hạn chế hiện tượng lo âu, hồi hộp, căng thẳng,…

Các bài thuốc từ Nam Hoàng Liên

  • Trị mắt đau đỏ, do phong nhiệt: Dùng hoàng liên 10g, địa hoàng 12g, cam cúc 10g, hoa kinh giới 8g, ngọn cam thảo 6g, xuyên khung 8g, sài hồ 8g, thuyền thoái 4g, mộc thông 8g. Sắc uống sáng và tối, ngày 1 thang
  • Trị bệnh có màng: Dùng bột hoàng liên 40g, 1 bộ gan dê đực, giã nhuyễn làm viên bằng hạt ngô đồng 0,3g. Mỗi lần uống 21 viên với nước ấm.
  • Trị các loại trệ đọng, đi ngoài ra máu: Dùng hoàng liên 12g, thược dược 10g, hạt sen 8g, biển đậu 10g, thăng ma 8g, cam thảo 4g, hoạt thạch 8g. Sắc uống trong ngày.
  • Trị nổi mề đay, chàm da: Dùng 12g hoàng liên, 12g ngưu bàng tử, 12g hoàng bá, 12g khổ sâm, 12g mộc thông, 4g bạc hà, 16g sinh địa, 8g bạch tiễn bì, 16g mã đề, 8g phục linh, 8g thương truật. Sắc thuốc chia 3 lần uống, mỗi ngày 1 thang.
  • Trị nhiệt miệng, lở miệng: Hoàng liên, cam thảo, ngũ vị tử đun nấu sắc lấy nước đặc, ngậm trong miệng vài lần mỗi ngày cho đến khi lở miệng khỏi hẳn.
  • Trị kiết lỵ, tiêu chảy: Dùng 12g hoàng liên tán bột, trộn chung với mật ong, vo thành viên nhỏ cỡ 2g. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 viên kết hợp lấy hoàng liên, mộc hương, hoàng bá và bạch đầu ông sắc uống.
  • Trị viêm loét dạ dày – tá tràng: dược liệu cần chuẩn bị bao gồm bối mẫu, trạch tả, mẫu đơn bì, hoàng liên, hạt dành dành 8g mỗi vị, bạch thược 12g và ngô thù, trần bì (mỗi vị 6g). Đem hỗn hợp dược liệu này sắc cùng 1 lít nước, đun cạn khi chỉ còn ½ lượng nước thì chắt bỏ bã, chia ra uống thành 3 lần/ngày.
  • Bài thuốc giảm mệt mỏi, lo âu, hỗ trợ an thần: dùng xích đan 16g, hoàng liên 20g và cam thảo 10g, tất cả ở dạng bột mịn, trộn cùng rượu trắng nóng và vo thành viên nhỏ (kích thước bằng hạt đậu xanh). Uống khoảng 10 viên/ngày và nên duy trì bài thuốc này cho tới khi các dấu hiệu của bệnh được thuyên giảm;
  • Bài thuốc trị chứng ra mồ hôi trộm ban đêm: hoàng cầm, hoàng bá, hoàng liên chuẩn bị từ 8 – 12g mỗi vị. Ngoài ra cần kết hợp cùng đương quy, sinh địa, thục địa (12g mỗi vị), 16 -24g hoàng kỳ và long nhãn, táo nhân. Đem dược liệu sắc cùng với nước uống 1 thang/ngày cho đến khi bệnh được cải thiện;
Nam Hoàng Liên4
Một số bài thuốc từ Nam Hoàng Liên

Phương pháp nhân giống, gieo trồng

Nam Hoàng Liên là những loài cây thuốc quý hiếm ở Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa được nghiên cứu trồng, ngoại trừ việc thu thập trồng một ít dưới tán rừng với mục đích bảo tồn chuyển vị, nhưng cũng chưa có thể coi là thành công.

Trung Quốc là nước trồng hoàng liên duy nhất trên thế giới. Ngay từ năm 1965, Ban huấn luyện, đào tạo cán bộ dược liệu Trung Quốc đã xuất bản Tập tài liệu “Kỹ thuật nuôi trồng và chế biến dược liệu”. Trong đó, đã đề cập khá chi tiết về cách trồng, chế biến, bảo quản một số loài hoàng liên, như thạch trụ hoàng liên (Coptis chinensis Franch. var. chunensis), Nga My hoàng liên (C. chinensis Franch. var. omeiensis), hoàng liên (C. chinensis Franch.), phúc cấp hoàng liên (C. tecto C. Y. Cheng), ngũ liệt hoàng liên (C. quinquesecta W. T. Wang).

Sau đây là tóm tắt cách trồng để tham khảo.

Loại giống

  • Gieo bằng hạt. Thời vụ tháng 5.
  • Nhánh con và đầu mầm thân rễ. Thời vụ tháng 9 – 10 (ngay sau khi thu hoạch)

Cách trồng

Nam Hoàng Liên có một số cách trồng như sau: trồng dưới tán rừng tự nhiên và trên đất rừng, hoặc đất trồng ngô (ở vùng núi) nhưng phải làm giàn che.

Trồng dưới tán rừng tự nhiên:

Chọn vùng rừng có cây gỗ lá rộng ở khe núi, khuất gió; đất nhiều mùn, thoát nước, độ dốc dưới 30 độ. Phát bỏ toàn bộ tầng cây bụi và cỏ quyết; cuốc bỏ gốc rễ; lên luống cao 30cm, rộng 1,5 – 1,7m; bón lót phân chuồng mục và mùn núi (không rõ khối lượng).

Vào khoảng tháng 5, quả chín, ngắt lấy chùm quả, phơi trong nhà 2 – 3 ngày, vỏ quả tự tách ra, sàng lấy hạt, gieo ngay. Hạt gieo vãi hay gieo theo hàng, sau đó xoa mặt luống cho hạt được vùi xuống đất. Phủ một lớp lá tre trúc hay rơm rạ khô; tưới nước. Hạt gieo tháng 5, đến tháng 2 – 3 năm sau mới nảy mầm.

Cách trồng bằng nhánh con và đầu mầm thân rễ

Vào tháng 9 – 10, các nhánh con không làm dược liệu được tách ra; hoặc lấy phần đầu mầm thân rễ (dài 1,5cm) sau khi đã cắt lấy phần thân rễ chính. Bó thành bó, sau chuyển đi trồng ngay. Mầm giồng trồng vào đầu mùa đông, nhưng đến đầu mùa xuân năm sau mới nảy mầm. Cự ly trồng: 10 x 20cm 1 khóm (có thể gồm 1 – 3 mầm giống).

Việc trồng hoàng liên dưới tán rừng tự nhiên, mục đích là để tận dụng tán che và không khí ẩm ướt của rừng. Xung quanh lô trồng phải làm hàng rào để bảo vệ. Cách trồng này nay không được hoan nghênh và mở rộng, vì làm mất đi tính đa dạng sinh học của rừng.

Trồng có giàn che

Chọn các mảnh đất ở thung lũng, khe núi khuất gió; đất còn nhiều mùn, thoát nước. Hoặc cũng có thể sử dụng đất nương rẫy đã trồng ngô đậu (ở ven rừng). Cách làm đất, bón lót phân chuồng mục và mùn núi, cũng như về thời vụ trồng giống với phương thức trồng bán tự nhiên. Tuy nhiên, sau khi gieo, trồng phải làm hàng rào (bằng phên nứa thưa) và giàn che. Giàn che cao 1,3m, lợp bằng phên nứa hay bằng thân các cây trúc. Chú ý giàn che phải đủ khoẻ để chịu được tuyết rơi – nếu lớp tuyết quá dày phải tiến hành cào bỏ bớt. Ngoài ra, hàng năm phải tu sửa giàn che và hàng rào.

Nam Hoàng Liên5
Cách trồng và chăm sóc Nam Hoàng Liên

Chăm sóc

Nhổ cỏ 3 – 4 lần / năm. Lần nhổ cỏ thứ nhất vào tháng 3 – 4 khi cây con được 2 – 3 lá. Hai lần tiếp theo cách nhau 1 – 2 tháng (vụ xuân – hè cỏ mọc nhiều). Lần cuối cùng vào cuối mùa thu. Khi tiến hành nhổ cỏ lần đầu cần tỉa thưa và trồng giặm, đảm bảo cự ly 10 x 20 cm/khóm. Khi nhổ cỏ chú ý không làm long gốc hoàng liên. Tưới nước bằng ô doa, luôn giữ cho đất ẩm. Bón bằng phân chuồng mục và khô dầu 2 lần/năm.

Cây trồng 1 năm tuổi bắt đầu có hoa quả. Song, muốn lấy hạt giống thường chỉ thu ở cây trên 3 năm tuổi. Cây trồng bán tự nhiên dưới tán rừng sau 6 – 7 năm mới thu hoạch. Cây trồng có giàn che có thể thu hoạch sau 5 – 6 năm. Năng suất trồng có giàn che 50 – 70kg hoàng liên khô / mẫu Trung Quốc.

Phòng trừ sâu bệnh

Nam Hoàng Liên trồng đại trà thường bị sâu xám nằm dưới đất, đêm lên ăn là và mầm non. Cách trừ bằng phu thuốc vào ban đêm hay sáng sớm (chưa rõ loại thuốc). Hoặc dùng lá cỏ non rải lên mặt luống cho sâu ăn, sau đó tìm cách bắt diệt sâu. Bệnh do virus và nấm gây vàng, đỏ hoặc mốc trắng lá. Các bệnh này thường lây lan nhanh, cần nghiên cứu cách phòng trừ.

Lời kết

Nam Hoàng Liên là một cây thuốc có nhiều công dụng trong y học. Trồng Nam Hoàng Liên không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn góp phần bảo tồn và phát triển các giống cây quý hiếm, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường. Hy vọng rằng với những thông tin chia sẻ trong bài viết này, Codai.net đã giúp bạn có thêm những kiển thức mới về đặc điểm, cách trồng và chăm sóc giống cây này.

 

0988110300
chat-active-icon