Phân giống (Subgenus) Sigmatopetalum
38) Paphiopedilum venustum (Wallich ex Sims) Pfitzer
Tên cũ
Cypripedium venustum Wallich ex Sims
Cùng tên
Stimegas venustum (Wallich ex Sims) Rafinesque
Cordular venusta (Wallich ex Sims) Rolfe
Dẫn nhập
Paphiopedilum venustum được phát hiện bởi Wallich ở Sylhet (ngày nay là một huyện của Bangladesh) vào năm 1816 và, mặc dù trước đây người ta từng đưa chúng vào trong ấn phẩm năm 1820 là giống Cypripedium, nhưng đây là lần đầu tiên người ta mô tả chúng là thuộc giống Paphiopedilum một cách chính thức. Năm 1819, cây Lan này đã được công ty của Whitley, Brames, và Millne đưa vào châu Âu từ vườn thực vật Calcuta. Sau đó cây được chuyển cho Sims, người đã mô tả chúng là một loài và theo đề nghị của Wallich, tên của chúng đã được xác định. Năm 1838, Rafinesque đã nhận ra sự khác biệt giữa loài này với các loài khác của cypripedium mà trong thời đó mọi người đã biết, do đó Refinesque đã tách chúng ra thành một giống khác có tên là Stimegas. Cho dù giống Stemegas được công bố trước ngày công bố giống Paphiopedilum, song tên venustum vẫn được bảo toàn.
Loài Paph. venustum có sự phân bố trong tự nhiên khá rộng, và vì vậy mà chúng ta không quá ngạc nhiên khi loài này cho chúng ta thấy sự khác biệt lớn về lá đốm cũng như màu sắc của hoa. Tại bang Meghalaya, sát biên giới Ấn Độ và Bangladesh, Paph. venustum và Paph. insigne ở cùng khu vực với nhau. Tuy nhiên nếu ở miền bắc Ấn Độ người ta cho là chúng lai với Paph. spcerianum, thì ở Bangladesh họ lại cho là lai với Paph. fairrieanum.
Nguồn gốc tên gọi
Theo như ông Sims, tên loài này do Dr. Wallich đặt. Dựa theo cuốn Latin về thực vật của Stearn, venustum có nghĩa là đẹp, vui vẻ. Chúng tôi cho rằng Wallich đã căn cứ vào những đường vân trên túi của nó để đặt tên.
Mô tả
Mặc dù đã được xác định đây là một loài Lan nhỏ, nhưng không hẳn là như vậy, vì chúng ta đã thấy có cây Paphiopedilum venustum lớn, đo từ đầu lá này đến đầu lá kia được 45 cm. Mỗi lá có chiều dài là 25 cm và rộng từ 4,0 đến 5,0 cm. Hình thái của lá cũng có sự thay đổi từ hình mũi mác hẹp đến ô-van rộng. Có những lá già đôi khi còn gợn sóng ở mép và đầu lá uốn cong xuống. Ngay cả màu sắc ở mặt trên của lá cũng có sự thay đổi, những mảng đốm ở trên đó có khi mờ khi rõ. Lá thường có màu xanh bạc mờ với một chút đốm xanh sẫm ở mặt trên của lá. Mỗi lá đều có một đường sống gân nổi lên ở mặt dưới, và các cạnh của lá đều mềm mại đến gần hết chiều dài của nó và đến gần đỉnh lá thì có răng cưa. Các chồi của cây thường mọc sát nhau, tạo cho cây Lan hình thành một bụi. Vòi hoa cao từ 15 đến 20 cm, hình trụ, màu đỏ tía, có lông ngắn, và thường có từ một đến hai hoa, đo chiều ngang được tới 9 cm. Một tính chất rõ nhất của hoa loài Paph, venustum mà ta có thể thấy là có những vân màu xanh đậm phủ khắp hoa khi mãn khai, chỉ có phần đầu cánh hoa là có một vệt màu cam cho đến màu đỏ. Lá đài sau có hình bán cầu, thông thường phần chân được mở rộng, cao khoảng từ 2,5 đến 3 cm, rộng từ 2 đến 3,5 cm, đầu nhọn chỉ lên trên, hơi cuộn lại, riềm của nó có đôi khi gợn sóng. Lá đài sau có màu trắng, có khoảng từ 12 đến 20 đường kẻ sọc màu xanh đậm. Lá đài kép hình lòng chảo rõ rệt bởi vì riềm của chúng cuộn vào, dài từ 2,5 đến 3 cm, rộng khoảng 1,2 đến 1,5 cm, màu trắng với khoảng 5 đến 10 đường kẻ dọc màu xanh đậm. Các cánh hoa hơi nằm ngang, dài từ 4,5 đến 5,5 cm, rộng từ 1,2 đến 1,7 cm, mép trên gợn sóng hướng tâm. Phần đầu của cánh hoa hơi uốn ngược lại. Ở phần mép của cánh hoa có lông mịn thưa, hiếm khi có mụn. Ở phần chân của mỗi cánh hoa có một ít đốm màu nâu trải không đều trên nền xanh sáng, từ đó các vân màu xanh sẽ chuyển dần sang màu cam rồi đỏ ở phần đầu cánh hoa. Có một đường kẻ ở điểm giữa màu nâu với những chấm tập trung hai bên đường kẻ này phân chia thành ra nửa trên với nửa dưới. Hình dạng của túi giống như cái mũ kết lật ngược, cao khoảng 4 đến 5 cm, rộng từ 2,2 đến 3 cm, và tạo thành một góc 45 độ so với cán hoa. Phần mép của túi luôn nhẵn. Các thùy bên cuộn lại có màu nâu sáng. Túi có màu nền là màu kem pha nâu sáng, đôi khi có một màu đỏ tràn ra, và luôn luôn bao phủ những đường vân trên mặt trông nó giống một miếng đá cẩm thạch. Miếng nhụy lép có hình như trăng lưỡi liềm với cái đầu tròn, rộng chừng 13 mm và cao khoảng 8 mm. Cả miếng nhụy lép đều trũng xuống, nhưng ở tâm lại nổi lên một vật như chiếc răng, màu xanh sáng bóng, ở tâm có một đốm màu xanh sẫm, riềm chung quanh của nó có màu nâu đỏ.
Phân bố và thói quen sinh trưởng
Ở miền đông Nepal, Bhutan, đông bắc Ấn độ và Bangladesh, trên sườn phía nam của dẫy Hymalayas. Trong khu vực đông bắc Ấn độ người ta tìm thấy chúng ở Assam, Sikkim và miền bắc của Tây Bengal gần với Darjeeling. Paphiopedilum venustum thường mọc trên độ cao 300 đến 1.350 m, ở chân vách đá hướng ra biển, trong những bụi tre mà ở gốc có những lớp lá rụng dầy. Rễ của chúng thường bán chặt vào lớp mùn, nhưng thỉnh thoảng chúng cũng mọc ở các chạc ba với rễ của chúng vẫn chui vào chỗ có lá mục. Ở Assam, loài này mọc ở vùng phía bắc sông Brahmaputra. Thói quen của chúng thường thích nghi với nơi ẩm ướt của hành tinh chúng ta.
Mùa ra hoa
Paphiopedilum venustum thường ra hoa từ tháng Mười hai qua tháng Ba, nhưng các cây được nêu trong các báo cáo thì lại ra hoa quanh năm./. (Còn tiếp)