Hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây cảnh thủy sinh

Hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây cảnh thủy sinh

Bạn luôn muốn có cây trồng trong nhà hoặc phòng làm việc, nhưng trồng cây theo phương pháp nào? Trồng chậu đất hay trồng thủy sinh? Có lẽ trồng cây thủy sinh sẽ làm bạn hứng thú nhất vì nó đơn giản, dễ trồng mà lại mang lại giá trị thẩm mỹ cao. Bạn có thể đặt cây ở bất kỳ vị trí nào bạn muốn mà cây vẫn có sức sống và cành lá luôn xanh tốt.

Trồng cây thủy sinh là trồng cây không dùng đất. Loại cây thường được trồng thủy sinh là những cây ưa bóng, khả năng mọc rễ khí sinh, trường hợp xấu nhất là phần rễ trong nước không thể hô hấp oxy thì phần rễ khí có thể hỗ trợ giúp cây có thể sinh trưởng và phát triển bình thường.

1. Cách trồng cây thủy sinh

Trồng cây thủy sinh bằng cách rửa rễ

Bạn hãy chọn cho mình một cây có dáng đẹp, khỏe mạnh rồi lấy ra khỏi chậu, rửa sạch rễ với nước. Cắt bỏ cá rễ bị dài, bị thối và khô hoặc cắt 1/2 bộ rễ đang có với những cây mà rễ của chúng nhanh phát triển. Việc cắt bỏ bớt rễ cây như vậy sẽ giúp cho rễ nhanh mọc hơn, giúp cho cây nhanh chóng hấp thụ được chất dinh dưỡng. Trường hợp cây mọc thành các khóm tương đối lớn thì bạn có thể tách chúng ra thành các khóm nhỏ.

Khi đã cắt tỉa rễ xong bạn hãy ngâm rễ vào trong dung dịch kali pemanganat 0.05% ~ 0.1 % tầm 30 phút rồi cho cây vào bình. Bạn có thể dùng thêm đá, sỏi được rửa sạch để xung quanh rễ cây giúp cố định bộ rễ hoặc dùng các mắt lưới để ta cắm trực tiếp phần rễ lọt qua mắt lưới đó, nhưng làm nhẹ nhàng để không làm tổn thương đến rễ. 

Hãy đổ nước vào bình sao cho ngập 2/3 rễ, phần trên cùng của rễ sẽ nằm ngoài mặt nước. Trong những ngày đầu hãy thay nước ngày 1 lần cho đến khi cây mọc ra những rễ mới màu trắng ở trong mặt nước thì mới bắt đầu giảm số lần thay nước. Khi thấy rễ cây đã mọc trong nước, điều đó chứng tỏ cây đã thích nghi được với môi trường, lúc này bạn có thể bổ sung dung dịch chứa dinh dưỡng vào nước để nuôi cây.

Với những cây trồng ở đất rồi mới chuyển sang trồng thủy sinh thì thời gian đầu rễ của cây chưa thể thích nghi hoàn toàn với môi trường mới nên chỉ những cây có rễ già mới sống được, còn lại đa số sẽ bị thối và khô héo. Những cây mà sống được và bắt đầu ra rễ  đó chính là những rễ mới, rễ mọc bén như cây Ngũ Gia Bì. Nhưng cũng có một số loại cây sau khi được tách ra trồng thủy sinh thì có rất ít rễ bị khô héo mà đa số lại thích nghi rất tốt với môi trường mới như cây Dây Nhện, cây Vạn Niên Thanh, Trúc Phúc Quý…

Trồng cây thủy sinh bằng cách giâm cành vào trong nước

Việc trồng cây bằng cách giâm cành vào trong nước đã được sử dụng rất phổ biến vì đây là cách làm đơn giản mà mang lại hiệu quả cao. Tận dụng khả năng tái sinh của cây mà bạn có thể chặt một nhánh, hoặc một cành mẹ rồi đem giâm vào trong nước, lúc này cành cây sẽ mọc rễ và đâm chồi nảy lộc thành một cây mới.

Lựa chọn cây sinh trưởng khỏe mạnh, không sâu bệnh.

Để chọn giống, bạn cần chọn những cành to khỏe mạnh rồi dùng dao sắc cắt ở sát thân khoảng 0.5cm. Đây là vị trí cành của cây già nhất, cây sẽ không bị nhiễm trùng. Chú ý vết cắt không được dập và phải gọn, vát góc.

Bạn phải rửa sạch vết cắt trước khi mang cành đi giâm. Hãy bỏ 2/3 là dưới rồi mang cành giâm vào trong nước, không để lâu ở môi trường bên ngoài sẽ ảnh hưởng đến sức sống của cành giâm.

Với những cây mà có rễ khí sinh, khi cắt cành cần phải bảo vệ tốt phần rễ này và cũng giâm chúng vào nước, Rễ khí sinh sẽ giúp cây đứng thẳng và cũng sẽ trở thành rễ dinh dưỡng.

Với những cây mọng nước, khi cắt cành bạn cần phải để cành được giâm ở nơi mát mẻ, thoáng gió trong khoảng 2 đến 3 ngày chờ cho vết cắt khô lại. Sau đó mới cho vào bình, đổ nước ngập 1/2 chiều dài cành, thay nước thường xuyên khoảng 3-5 ngày thay một lần, chú ý giữ cho nước luôn sạch sẽ. Khoảng 30 ngày sau rễ của cây sẽ mọc mới và khi nó dài khoảng 5 đến 10 cm thì dùng dung dịch dinh dưỡng thấp để nuôi cây.

Cách giâm cành vào nước này dễ làm nhưng đôi khi cũng có những hiện tượng ngoài ý muốn như vết cắt cành bị nhiễm khuẩn khiến nó bị thối hỏng, lúc này nên cắt bỏ phần đã bị hỏng rồi ngâm cành vào dung dịch kali pemanganat 0.05% ~ 0.1%, nhớ rửa sạch lại rồi mới cho vào bình để tiếp tục giâm cành.

2. Cách chăm sóc cây cảnh trồng trong nước

Đặt cây ở vị trí thích hợp

Tùy vào loại cây mà bạn nên chọn vị trí để đặt cây cho phù hợp. Ví dụ cây cần nhiều nắng bạn nên đặt chúng gần cửa sổ hoặc nơi có ánh nắng chiếu vào, nhưng không nên đặt ở những vị trí nắng quá gắt cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của cây.

Định kỳ thay nước

Khi bạn giâm cành trong nước thì cần thay nước 1 đến 2 ngày 1 lần nhằm cung cấp đủ oxy cho sự phát triển của cây, kích thích cây ra rễ mới. Khi cây đã có đủ rễ mới và cứng cáp thì có thể 1 tuần thay nước 1 lần vào mùa hè và 2 tuần thay 1 lần vào mùa khác. Nếu thấy cây có hiện tượng thối rễ phải kiểm tra và cắt tỉa kịp thời. 

Phòng chống sâu bệnh

Khi thấy cây bị nhiễm bệnh, lá bị héo khô, thối rễ thì cần cắt tỉa kịp thời những phần bị thối hỏng. Mùa đông cần phải giữ cho cây đủ ấm tránh để cây bị tổn thương.

Để lại một bình luận

0988110300
chat-active-icon