Rất nhiều người trong chúng ta đã từng rơi vào tình huống : cây cảnh sau dịp Tết bị xấu đi, thậm chí lụi dần và phải vứt bỏ đi. Điều này quả thật vô cùng đáng tiếc. Tuy nhiên, ngay bây giờ Trang trại hoa cây cảnh Thăng Long sẽ giúp các bạn tránh được điều này, không những vậy hoa cây cảnh còn đẹp hơn trước rất nhiều, có thể chơi được đến Tết năm sau.
Vài nét về hoa Tết
Vào đầu năm mới, người Việt chúng ta thường trang trí ngôi nhà của mình bằng các loại hoa cây cảnh khác nhau. Phổ biến nhất là : đào, mai, cúc, quất, trà, thược dược, dạ yến thảo, đồng tiền, lay ơn,….
Có những loại hoa – cây cảnh chỉ sống được trong một mùa, nhưng cũng nhiều loại có thể chơi được đến năm sau. Mặc dù vậy, đa số cây cảnh thường không còn được đẹp như trước nữa, thậm chí là bị lụi. Nguyên nhân có thể là do mọi gười không biết cách chăm hoặc quá bận rộn.
Để tránh rơi vào trường hợp này, hãy lắng nghe ông ĐÀO MẠNH HÙNG chia sẻ những bí quyết để giữ cho cây cảnh sau Tết luôn được khỏe đẹp nhé!
Mr. Đào Mạnh Hùng – một chuyên gia về hoa cây cảnh với hơn 30 năm kinh nghiệm, nổi tiếng khắp Hà Nội
Hướng dẫn cách chăm sóc hoa cây cảnh sau Tết
Không hề phức tạp chút nào, chỉ với vài bước đơn giản sau đây, cây cảnh nhà bạn sẽ luôn khỏe mạnh và đẹp như ý.
Bước 1: Thay đổi vị trí cây
Với dòng cây nội thất như Kim tiền, Lan ý, Vạn niên thanh,… bạn có thể đặt trong nhà trong thời gian dài nhưng với các cây như Trà, Mai, Đào,…thì bạn chỉ nên đặt trong nhà khoảng 4-5 ngày mà thôi (khi có khách đến chơi), sau đó phải mang ra ngoài. Nếu không cây sẽ rất dễ bị chết.
Nếu có điều kiện và thời gian, mỗi buổi tối, bạn hãy đặt chậu cây ra ngoài trời, sau đó vào ban ngày, bạn đưa chậu cây đặt trở lại trong phòng.
Chú ý nên mở cửa phòng, để không khí luôn được lưu thông, có như vậy thì cây mới sống được ở trong nhà.
Tất cả các loại cây đều cần có ánh sáng Mặt trời, dù ít hay nhiều, dù trực tiếp hay gián tiếp. Càng được tiếp xúc với ánh sáng, cây cảnh càng tạo ra nhiều khí oxy, hấp thụ khí cacbonic, giúp bầu không khí xung quanh chúng ta trở lên trong lành hơn.
Bước 2: Tưới nước vừa đủ
Các cây trồng trong nhà và cây trồng chậu thường có mức độ trao đổi chất chậm, do đó nhu cầu nước không cao. Vì thế bạn không cần phải tưới nước nhiều và thường xuyên.
Đảm bảo đất ẩm là được, mỗi tuần tưới khoảng 2-3 lần là đủ. Phần lớn nguyên nhân cây cảnh bị chết là do tưới quá nhiều nước, dẫn đến bị úng thối. Khi tưới, chú ý tưới vào buổi sáng hoặc chiều, không nên tưới vào lúc trưa nắng gắt.
Bước 3: Đánh giá tình trạng cây
Sau một thời gian, các cây ít nhiều cũng có sự thay đổi. Phải quan sát, đánh giá tình trạng hiện tại của cây, có như vậy mới có kế hoạch chăm sóc phù hợp được.
-Nếu cây còn khỏe mạnh, bạn hãy tiếp tục chăm sóc cây như cũ.
-Nếu cây gặp vấn đề nào đó (khô héo, úng thối, nấm bệnh, vàng lá,vv…), phải xử lý càng sớm càng tốt để cây nhanh chóng được phục hồi và phát triển khỏe mạnh trở lại.
Bước 4: Cắt tỉa đúng cách
Sau Tết, bạn nên cắt bỏ toàn bộ hoa và cành lá đã tàn úa. Chú ý nên cắt sâu sát gốc, điều này sẽ giúp cây sinh trưởng tốt hơn. Việc cắt tỉa nên được thực hiện định kỳ, đặc biệt là với các loại cây bonsai và các loại cây có tốc độ phát triển nhanh, cành lá rậm rạp. Hành động này cũng sẽ giúp không gian nhà bạn trở nên thoáng đãng hơn rất nhiều.
Nên chọn kéo chuyên dùng để cắt tỉa hoa cây cảnh là tốt nhất.
Bước 5 : Vệ sinh sạch sẽ
Nhặt bỏ tất cả cành lá khô, lá bị hư thối, các bông hoa héo rũ rơi ở xung quanh gốc cây; đồng thời cũng nên lau lá cây bằng khăn mềm, ẩm và sạch. Bởi nếu cứ để nguyên như thế, sẽ làm mất đi tính thẩm mỹ vốn có và cây cũng dễ bị bệnh hơn.
Việc vệ sinh sạch sẽ và định kỳ không chỉ có lợi cho cây mà còn giúp loại bỏ mầm bệnh, hạn chế muỗi, côn trùng ẩn nấp trong các chậu cây, không khí trong lành hơn nhờ vậy sức khỏe gia đình được đảm bảo hơn.
Bước 6: Thay đất mới
Sau một thời gian, đất trong chậu thường bị cằn, mất dần dinh dưỡng, vì thế chúng ta phải sang chậu, thay đất mới, có như vậy cây mới sinh trưởng tốt được.
Trong quá trình thay đất, bạn cũng nên cắt bỏ bớt một số rễ đã già, cỗi, xấu xí để kích thích mọc ra rễ mới, khỏe mạnh hơn.
Lưu ý, nên chọn chậu cây phù hợp với kích cỡ và loại cây cảnh. Với hoa Lan, nên chọn chậu đất nung có lỗ, còn với các loại cây cảnh thông thường khác thì nên chọn loại chậu có một lỗ thoát nước ở dưới đáy. Chọn chậu quá lớn so với cây sẽ dễ dẫn đến tình trạng úng nước hoặc phân bón bị thiếu. Loại quá bé thì lại không đủ diện tích cho bộ rễ cây phát triển, dẫn đến cây bị còi cọc hoặc thậm chí đâm thủng chậu.
Ông Đào Mạnh Hùng đang hướng dẫn mọi người cách thay chậu hoa hồng bon sai
Mỗi loại cây sẽ thích hợp với mỗi loại đất, công thức đất và giá thể khác nhau. Vì thế bạn nên tìm hiểu thật kỹ trước khi thay đất mới cho cây.
Bước 7: Bón phân cho cây
Không nên bón phân quá thường xuyên, việc lạm dụng này có thể gây phản tác dụng, khiến cây bị héo và chết một cách đột ngột.
Phân vô cơ và phân hữu cơ nên kết hợp đan xen nhau, không nên chỉ dùng cố định một loại duy nhất.
Bạn có thể sử dụng phân bón lá siêu lân (tỉ lệ NPK 12-30-17+TE), phân này giúp gia tăng sức kháng chịu khắc nghiệt của cây cảnh, giúp rễ và thân cây khỏe hơn. Mỗi tuần tưới khoảng 1 lần là đủ, pha loãng phân với nước rồi phun trực tiếp lên lá hoặc tưới vào gốc.
Sau tất cả các bước trên, bạn hãy tiếp tục chăm sóc cây như bình thường.