Hoa Thiên Lý

Hoa Thiên Lý

Những ai xa quê có lẽ chẳng quên được hình ảnh ngôi nhà nhỏ đơn sơ với giàn Hoa Thiên Lý xanh mướt trước cổng, với hương thơm nhẹ nhàng, sắc hoa đẹp, nụ non mượt mà. Loài hoa còn được gọi là Dạ Lý Hương này không những làm đẹp cho cảnh quan mà còn đem lại không ít những lợi ích về sức khỏe cho con người.

hoa thiên lý

Hoa Thiên Lý

“Nhà nàng có cái giậu thưa/ Có giàn Thiên Lý đong đưa hoa vàng”. Từ xa xưa, hình ảnh Hoa Thiên Lý đã đi vào văn thơ thật đẹp, một vẻ đẹp chân quê bình dị. Hoa Thiên Lý, tên tiếng Anh gọi là Chinese Violet, một số vùng còn gọi là Tonkinese Creeper hoặc Tonkin Jasmine. Đây là loài thực vật dây leo, thường được trồng thành giàn để trang trí cảnh quan, lấy bóng mát.

Trong tự nhiên, cây Thiên Lý thường mọc nhiều ở những cánh rừng thưa thớt và nhiều cây bụi. Tuy nhiên, giống cây này đã được thuần chủng và gieo trồng ở các nơi như Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Myanma, Châu Âu, Châu Mỹ và cả ở Việt Nam. Trên hòn đảo Hawaii xinh đẹp, hữu tình, Hoa Thiên Lý được gọi với cái tên “pakalana”, người dân nơi đây rất ưa chuộng hương thơm này và dùng hoa làm vòng đeo cổ, thổ ngữ là “lei”.

Ở Việt Nam, Hoa Thiên Lý không những là một loài cây leo giàn cho bóng mát, hương thơm mà còn là một loại thực phẩm thơm ngon bổ dưỡng. “Thương chồng nấu cháo le le/ Nấu canh hoa lý, nấu chè hạt sen”, món Hoa Thiên Lý đã trở thành một nét đẹp ẩm thực và văn hóa của người dân Việt Nam.

Cách trồng Hoa Thiên Lý

cách trồng hoa thiên lý

Cách trồng Hoa Thiên Lý

Hoa Thiên Lý có thể trồng và phát triển suốt quanh năm, nhưng để đạt năng suất cao và cho cây khỏe mạnh nhất thì chú ý nên trồng từ khoảng tháng 6- 8 dương lịch, tức là vào độ giữa hè.

Lựa chọn hạt giống giữ một vai trò vô cùng quan trọng, quyết định năng suất và sự phát triển của cây có khỏe mạnh hay không. Hạt được gieo từ đầu mùa xuân, để cho đến tận mùa hè mới ra được nhánh cây đủ để trồng, vì thế nếu trồng bằng hạt sẽ mất nhiều thời gian chờ đợi và dày công chăm sóc tỉ mỉ hơn. Nên các bạn có thể trồng bằng những cành ươm sẵn.

Ươm cành

giâm cành hoa thiên lý

Giâm cành Hoa Thiên Lý

Bạn nên chọn cây giống là những cành Thiên Lý đã được ươm sẵn có bán ở các cửa hàng và vườn ươm giống cây, hoặc tự nhân giống bằng cách chọn ra từ giàn Thiên Lý những dây Thiên Lý đã già, thân nhánh to và có ngả sang màu xám, sẫm hơn. Những nhánh này nên đạt kích thước khoảng 20cm đến 30cm là thuận tiện nhất cho việc gieo trồng. Bạn có thể sử dụng thêm những loại thuốc kích rễ để nhánh cây ra rễ nhanh hơn.

Chuẩn bị bầu đất trồng trong chậu đất, hoặc trong túi ươm, lưu ý rằng đất ươm cây cần được bón lót đầy đủ mới có thể bổ sung chất dinh dưỡng để dây dễ dàng đâm rễ. Cần đục thêm những lỗ thoát nước dưới đáy chậu và tưới nước ẩm đất trước khi đem ươm cành.

Bạn hãy tiến hành vùi các đoạn nhánh Thiên Lý xuống đất trồng, cắm sâu khoảng từ 6-7cm, lấp đất vun chặt gốc cây và ủ thêm rơm rạ, trấu tro kín gốc cây để che chắn gió, đồng thời giữ được độ ẩm cần thiết cho nhánh cây đâm chồi và ra rễ mới. Đặt chậu ươm nơi thoáng mát, mỗi ngày nên tưới 2 lần. Chỉ sau khoảng nửa tháng thì các nhánh này sẽ đâm rễ, phát triển đạt đến kích thước từ 50- 60cm. Lúc ấy bạn có thể mang nhánh đã ươm đi trồng.

Trồng cây

trồng cây thiên lý

Trồng cây Thiên Lý

Trước khi trồng Thiên Lý khoảng một tuần thì bạn phải chuẩn bị đất trồng thật cẩn thận, cho đất tơi xốp, khử sạch mầm bệnh, bón lót với các loại phân hoai mục, khử chua bằng vôi bột và bổ sung dinh dưỡng bằng các loại phân hữu cơ hoặc NPK. Nếu trồng cây trong chậu thì chuẩn bị chậu trồng bằng đất, loại chậu có kích thước lớn vì rễ cây đâm khá khỏe và lan nhanh.

Còn nếu có đất trồng là vườn nhà hoặc một khoảng vườn nhỏ thì tiện hơn rất nhiều. Bạn đào hố trồng sâu khoảng 30cm rồi đặt bầu cây ươm xuống, vun đất sao cho chặt gốc, tiếp tục ủ thêm rơm rạ quanh gốc cây mới trồng rồi tưới nước nhẹ nhàng. Dùng thêm những chiếc cọc cao từ 1 đến 1,5 mét cắm xuống sát thân cành Thiên Lý rồi dùng dây buộc thân vào cọc để cố định điểm tựa cho Thiên Lý khi mới trồng. Tưới nước đều đặn mỗi ngày 2 lần vào sáng sớm và chiều tối, giai đoạn đầu này hãy cố gắng che phủ bóng râm cho cây.

Nếu bạn trồng Thiên Lý trên sân thượng thì hãy chuẩn bị bổn đất hoặc chậu đất khá lớn và trồng sát vào lan can để sau này cho cây leo vào chính lan can nhà bạn, vừa đẹp lại đỡ mất công làm giàn. Cách trồng cũng vẫn tương tự, từ chuẩn bị đất, đào hố rồi vùi nhánh ươm xuống. Tuy nhiên, ban công thường đón nắng và gió hơn nên chú ý che chắn cho cây non cẩn thận.

Cách làm giàn cho Hoa Thiên Lý

cách làm giàn hoa thiên lý

Cách làm giàn Hoa Thiên Lý

Vì là một loài cây leo nên dĩ nhiên chúng ta phải làm giàn cho cây có chỗ leo lên khi phát triển. Sau khi được trồng khoảng từ 20 ngày, Hoa Thiên Lý sẽ bắt đầu mọc nhánh và leo vào những chiếc cọc đã cắm từ trước xung quanh cây. Kể từ thời điểm này cây sẽ phát triển nhanh hơn, nhánh leo dài có thể đến 2-3 mét. Bởi vậy mà cần phải làm giàn, vừa lấy bóng mát, trang trí cảnh quan.

Làm giàn cho Hoa Thiên Lý khá đơn giản, bạn chỉ cần sử dụng những chiếc cọc gỗ, tre hoặc bê tông, miễn sao đủ độ chắc chắn để chống đỡ những nhánh cây trưởng thành bám rất chắc. Mỗi chiếc cọc cao từ 2,5 đến 3 mét, đóng chặt xuống sâu khoảng 50cm. Tùy vào diện tích trồng và kích thước mong muốn mà cần số chiếc cọc trụ to và chắc chắn để làm khung giàn, sau đó dùng các dây thép hoặc kẽm buộc nhiều cọc nhỏ lên trên để làm thành hệ thống giàn leo chắc chắn.

Cách chăm sóc Hoa Thiên Lý sau khi trồng

cách chăm cây hoa thiên lý

Cách chăm cây Hoa Thiên Lý

Tưới nước cho cây

Hoa Thiên Lý luôn cần nhiều nước để phát triển tốt nhất, đặc biệt lại được gieo trồng trong mùa hè nắng nóng nên nhu cầu về nước lúc nào cũng cần được bổ sung, tuy nhiên, cũng như nhiều loài cây khác, đất và chậu trồng cần có độ thoát nước tốt để không gây ngập úng thối rễ. Vào thời tiết mưa nhiều thì có thể mỗi ngày một lần và tránh để cây bị ngập nước.

Trong khoảng từ 1 tuần kể từ sau khi trồng, mỗi ngày tưới 2- 3 lần, sau đó có thể thưa dần mỗi ngày 1 lần, xong vẫn cần đảm bảo độ ẩm cần thiết cho cây phát triển tốt nhất, đặc biệt trong giai đoạn Thiên Lý sắp đơm hoa.

Bón phân

  • Lần 1: Hoa Thiên Lý sau khi trồng được 2 tuần, sử dụng phân bón phức hợp DAP hòa với nước sạch để tưới cho gốc, điều này giúp rễ cây chắc khỏe và sinh trưởng tốt hơn.
  • Lần 2: Sau khi trồng được 1 tháng thì bón thúc cho cây Hoa Thiên Lý bằng phân ure và đạm, pha loãng vào nước sạch rồi tưới gốc, kết hợp tưới phun sương.
  • Lần 3: Sau khi Hoa Thiên Lý được bón thúc lần đầu, khoảng 12- 15 ngày sau bạn hãy tiếp tục tiến hành bón thúc những lần sau, mỗi lần cũng cách nhau 10 – 15 ngày. Sử dụng 200 gram phân bón NPK cho mỗi gốc thiên lý.

Ở thời kỳ cây bắt đầu ra hoa, cây đã lan và leo kín giàn, chuẩn bị đơm nụ và ra hoa thì cần bón định kỳ hàng tháng bằng các loại phân hoai mục, phân chuồng đã được ủ kỹ hoặc phân hữu cơ. Đến khi sắp thu hoạch, trước khi thu hoạch khoảng 20 ngày thì tăng cường bổ sung thêm lân và kali cho cây thiên lý.

Ở thời thì sau khi thu hoạch, mỗi lần thu hoạch xong thì cây Hoa Thiên Lý cần được bón thúc thêm phân hoai mục và hữu cơ hơn, và bổ sung thêm tro trấu, rơm rạ xung quanh gốc. Lượng phân chuồng cần sử dụng cho mỗi gốc cây là từ 15 – 20 kg. Làm như vậy sẽ giúp cây phục hồi và tiếp tục phát triển ra những lứa hoa mới.

Cắt tỉa

Khi các nhánh cây bắt đầu lan rộng ra kín giàn thì bạn cần chủ động điều chỉnh, dẫn nhánh lan đều trên bề mặt giàn để hạn chế các nhánh mọc chồng chéo, đè lên nhau. Cắt bớt những nhánh yếu ớt, lá già, cành rậm để hạn chế sâu và bọ rệp gây hại. Giàn hoa của bạn cũng sẽ gọn gàng, đẹp mắt hơn mà vẫn đảm bảo đủ bóng mát.

Các vấn đề về sâu bệnh

Vào thời tiết mùa hè, nắng nóng, Hoa Thiên Lý thường gặp các vấn đề về bọ rệp và bọ trĩ. Bạn cần chú ý tưới nước thật đầy đủ cho cây, không để đất bị khô cằn, cây thiếu nước. Nếu phát hiện ra các loại bọ này tấn công cây thì cần bắt giết ngay, hoặc sử dụng các chế phẩm sinh học để loại bỏ tức thì, tránh lây lan ra khắp giàn.

Đây là loài cây trồng để lấy rau ăn và lại ngay bên trong khuôn viên, cảnh quan nơi ở của bạn nên tránh sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, bảo vệ sức khỏe của cây nhưng cũng cần phải bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của chính gia đình bạn.

Nhiều loại nấm khác cũng thường khiến cho cây thiên lý bị teo hết hoa, thối rễ, thối gốc, vàng và rụng nhiều lá, gây chất lượng và năng suất cây giảm mạnh, nhất là vào mùa ẩm ướt. Để phòng tránh thì bạn cần làm đất cẩn thận, cải tạo đất định kỳ, thường xuyên tỉa bớt các lá già, lá thối, chú ý điều kiện nhiệt độ và ánh sáng, tỉa bớt cành để giữ cho giàn thiên lý luôn được thông thoáng.

Thu hoạch Hoa Thiên Lý như thế nào?

Chỉ sau khoảng 3 tháng là bạn sẽ có thể thu hoạch lứa hoa đầu tiên. Nên ngắt chùm hoa hoặc lá non vào mỗi buổi sáng. Hoa Thiên Lý nếu trồng tại nhà thì cho ra hoa và lá non liên tục, sau mấy hôm là bạn lại thu hoạch được một lượt nữa, đảm bảo nguồn thực phẩm cho cả gia đình. Nếu bạn chăm sóc tốt thì cây rất sai hoa và nhanh mọc lá non, ăn không hết có thể cắt đem bán hoặc biếu tặng người thân, rất tiện lợi.

Loài cây này có tuổi thọ rất dài, phải đến 5-6 năm mới cần phải trồng lại cây mới. Tuy nhiên thì cần chăm sóc kỹ lưỡng, mỗi năm cần cắt bỏ những nhánh và cành lá già, chỉ để lại thân cây cùng với các nhánh chính, vun xới gốc và cải tạo đất, bón thêm phân cho cây tiếp tục phát triển.

Hoa Thiên Lý có những lợi ích gì?

tác dụng của hoa thiên lý

Tác dụng của Hoa Thiên Lý

Tăng sức đề kháng cho cơ thể

Hoa Thiên Lý là một trong những loại thực phẩm có tác dụng giúp cải thiện sức đề kháng cho cơ thể vô cùng hiệu quả, bởi thành phần chất dinh dưỡng rất dồi dào và phong phú. Hàm lượng chất xơ trong loại rau này chứa đến 5%, chất đạm là 2,8%, ngoài ra còn chưa rất nhiều vitamin C, vitamin A, các vitamin nhóm B, đường bột và chất khoáng.

Những chất dinh dưỡng này đều thiết yếu cho cơ thể. Bạn có thể bổ sung thêm bằng cách cải thiện bữa ăn hàng ngày bằng món rau Thiên Lý để tăng cường sức đề kháng, chống lại nhiều bệnh tật, nhất là trong thời tiết nóng bức thế này.

Hỗ trợ an thần

Nếu bạn mắc các chứng mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc, hoặc thường xuyên đau đầu chóng mặt thì có thể sử dụng Hoa Thiên Lý phơi khô ngâm trà uống, hoặc ăn rau thiên lý khoảng 3 lần mỗi tuần để cải thiện tình trạng này. Theo quan niệm của đông y, loại hoa này có thể làm mát, tính bình, hỗ trợ giấc ngủ và an thần rất hiệu quả.

Hỗ trợ cho nam giới

Đối với phái mày râu thì Hoa Thiên Lý là một trong những bí kíp giữ lửa chuyện vợ chồng. Những chùm hoa nhỏ xinh này cải thiện chức năng sinh lý ở nam, loại bỏ sạch các chất chì và tạp chất khác trong tinh dịch. Nếu sử dụng đều đặn, nó còn hỗ trợ điều trị vô sinh hoặc hiếm muộn.

Kháng viêm hiệu quả

Hoa Thiên Lý tựa như một bài thuốc kháng sinh tự nhiên, có chứa các thành phần có công dụng kháng viêm, tiêu sưng, lợi tiểu, giảm các triệu chứng về viêm nhiễm như viêm giác mạc, viêm họng, viêm tai giữa, viêm đường tiết niệu,…

Thanh nhiệt, giải độc

Nhờ tính thanh nhiệt giải độc mà Hoa Thiên Lý còn có khả năng ngăn ngừa rôm sảy, mề tay, giảm các vấn đề về gan, bổ thận, bổ máu và kích thích ăn uống. Cả trẻ em và người lớn đều sử dụng được loại hoa này để thanh lọc cơ thể rất tốt.

Là một món ăn thơm ngon, mát lành

Trong nghệ thuật ẩm thực, Hoa Thiên Lý được chế biến thành nhiều món ăn, vừa lạ mắt lạ miệng, vừa đem lại giá trị dinh dưỡng cao. Nhất là trong mùa hè oi nóng, được ăn bát canh bông lý mát ruột, cơ thể cũng sẽ nhẹ nhõm và dễ chịu hơn rất nhiều. Từ những kinh nghiệm dân gian, Hoa Thiên Lý cũng là một nguồn dinh dưỡng rất dồi dào mà chúng ta có thể tận dụng.

Những món ăn bổ dưỡng từ Hoa Thiên Lý

Canh Hoa Thiên Lý

canh hoa thiên lý
Canh Hoa Thiên Lý

Đây là một món ăn phổ biến trong mùa hè. Hoa Thiên Lý sử dụng để nấu canh với rất nhiều các nguyên liệu khác, chế biến đa dạng thành các món như canh thiên lý nấu tôm, canh bông lý giò sống, canh bông lý cua đồng,… Để nấu thành canh rất đơn giản, Hoa Thiên Lý rửa sạch, để ráo nước, khi rửa lưu ý không cho các bông bị dập nát hay rơi rụng, giữ được nguyên cả chùm là tốt nhất.

Đun sôi nước dùng từ tôm, hoặc cua, nếu là canh giò sống thì nặn thành từng viên thả vào nước sôi một lúc cho chín, rồi thả bông Thiên Lý vào, thêm gia vị vừa ăn. Canh vừa sôi thì bạn tắt bếp và múc ra bát. Vậy là đã có một tô canh Hoa Thiên Lý thơm ngon mát bổ.

Hoa Thiên Lý xào thịt bò

hoa thiên lý sào thịt bò

Hoa Thiên Lý sào thịt bò

Bạn có thể đổi bữa cho cả gia đình bằng món Hoa Thiên Lý thịt bò. Hoa Thiên Lý sau khi hái còn tươi xanh, rửa sạch, cho vào nước sôi trần qua, rồi vớt ra ngay để ráo nước. Thịt bò rửa sạch, thái thành miếng mỏng, ướp các gia vị cần thiết.

Phi thơm tỏi lên và cho Hoa Thiên Lý vào xào, bật lửa to, nêm nếm gia vị vừa ăn đến khi rau vừa chín thì tắt bếp rồi cho rau ra đĩa. Tiếp tục phi tỏi lên xào thịt, không cần xào chín quá, thịt bò chỉ cần vừa tới là được. Sau khi thịt đã xào xong, cho Hoa Thiên Lý vào chảo thịt đảo đều, rồi tắt bếp, bày món ăn ra đĩa.

Bạn có thể rắc thêm chút tiêu để tăng hương vị cho món ăn. Đây là món ăn không hề khó làm, nguyên liệu lại đơn giản và dinh dưỡng rất dồi dào cho cả nhà thưởng thức. Bạn nên dùng ngay lúc nóng kèm với cơm nóng để giữ được mùi vị thơm ngon cho món ăn.

Hoa Thiên Lý xào trứng

hoa thiên lý sào trứng

Hoa Thiên Lý sào trứng

Đơn giản hơn nữa là món Hoa Thiên Lý xào trứng. Cũng tương tự như những món khác, Hoa Thiên Lý cần được rửa sạch, trần qua nước sôi và để ráo nước. Bắc chảo lên bếp phi thơm chút hành khô rồi cho hoa thiên lý vào đảo đều, xào lửa to để giữ được màu xanh tự nhiên của rau.

Đến khi rau gần chín thì đánh tan trứng gà rồi đổ vào chảo thiên lý, tiếp tục đảo đều cho Hoa Thiên Lý và trứng hòa quyện với nhau. Nêm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp, bày món ăn ra đĩa. Nên dùng ngay lúc nóng để món ăn không bị tanh, đồng thời bạn nên sử dụng trứng gà thay vì trứng vịt nhé!

Những lưu ý khi sử dụng Hoa Thiên Lý

  • Ngoài nấu ăn thì Hoa Thiên Lý có thể được sấy khô, pha nước uống hàng ngày cũng rất thơm ngon, bổ dưỡng.
  • Không nên chế biến Hoa Thiên Lý quá kỹ, sẽ làm mất đi tác dụng và chất dinh dưỡng của loại rau này
  • Trong Hoa Thiên Lý chứa một hàm lượng lớn chất kẽm, nên không sử dụng Hoa Thiên Lý cùng với những loại thực phẩm giàu chất sắt bởi tác dụng của Hoa Thiên Lý sẽ mất đi do sắt cản trở hấp thụ chất kẽm.

Giải đáp thắc mắc

Nên trồng Hoa Thiên Lý vào mùa nào?

Trồng tốt nhất vào mùa hè, khoảng từ tháng 6 đến tháng 8. Thời gian này lượng mưa, độ ẩm không khí cũng như điều kiện ánh sáng đều rất thuận lợi cho cây phát triển. Bạn cũng có thể trồng vào mùa xuân, cây sẽ nhanh đâm chồi hơn nhưng với khí hậu ẩm ướt sẽ dễ gặp phải các vấn đề sâu bệnh.

Mua giống Hoa Thiên Lý ở đâu?

Bạn nên tìm mua giống ở các đại lý uy tín, những vườn ươm dày dặn kinh nghiệm. Hoặc nếu có người quen đã từng trồng Hoa Thiên Lý, bạn có thể tham khảo họ địa điểm mua, hoặc xin lấy một vài nhánh cây về tự ươm rồi gieo trồng.

Ăn rau Thiên Lý có tốt không?

Với những lợi ích đã nêu trên thì Thiên Lý dĩ nhiên là một loài thực phẩm tốt, dùng được cho mọi lứa tuổi và đối tượng, dù là trẻ em hay người cao tuổi. Tuy nhiên để cân bằng dinh dưỡng thì mỗi tuần nên ăn khoảng 3 lần Hoa Thiên Lý là được rồi nhé.

Bà bầu có ăn được Hoa Thiên Lý không?

Bà bầu có thể ăn loại rau này, giúp thanh nhiệt giải độc rất tốt. Tuy nhiên như đã nói ở trên, Hoa Thiên Lý rất giàu chất kẽm, mà các bà bầu thì cần bổ sung nhiều chất sắt. Nên nếu sử dụng Hoa Thiên Lý trong giai đoạn đang dùng nhiều loại thực phẩm và viên uống bổ sung sắt thì sẽ gây mất tác dụng của Hoa Thiên Lý. Nhưng với tác dụng thanh nhiệt thì các chị em bầu bí vẫn có thể sử dụng thoải mái nhé.

Hoa Thiên Lý mang hơi thở quê nhà, là một nét đẹp ẩm thực và văn hóa của Việt Nam, tuy rất bình dị giản đơn nhưng mang lại vô vàn những lợi ích cho con người. Nếu có đi đâu xa quê, đừng quên bát canh Thiên Lý ngọt lành, giàn hoa xanh vàng thơm nhè nhẹ. Chẳng bởi thế mà thi sĩ Hàn Mặc Tử phải động lòng:

“Trong làn nắng ửng, khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng,
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn Thiên Lý – bóng xuân sang”

 

 

Để lại một bình luận

0988110300
chat-active-icon