Bài lược dịch của chú Vũ Hưng trên caycanhvietnam.com của tác giả Walter Pall đăng trên tạp chí “Bonsai Today” (Mỹ) số 104, năm 2006.
Bài dịch này khá dài, có lẽ bạn không cần đi sâu vào chi tiết nếu bạn không thực sự có ý định tự trồng 1 cây thông. Mình có thể tóm tắt một vài ý chính thế này:
- Đã đành là mô phỏng tự nhiên, nhưng không phải cái gì tự nhiên bê vào tác phẩm cũng đẹp. Ta cần chọn một nét nào đó thật đặc sắc để bắt chước.
- Đối với các loại thông tùng, cần nuôi cho cây thật khỏe rồi mới cắt tỉa uốn éo.
- Chỉ cần quan tâm tới kết quả cuối cùng, trong giai đoạn nuôi thì việc cây bờm xờm là bình thường và cần phải thế.
- Mọi quy tắc tạo dáng mà bạn biết đều nên dùng từ “nên thế” chứ không phải là “phải như thế”.
- Cây mang phong cách tự nhiên hoàn toàn khác với cây lớn lên một cách tự nhiên. Ta vẫn cần uốn tỉa nó.
1995: Cây thông Scot này được đào năm 1988 tại khu đồi cát ngoại ô thành phố Berlin (Đức). Cây được trồng dưới đất trong 5 năm, đến 1993 cây được trồng vào chậu. Đất trồng là sạn thô. Nước tưới thật nhiều và phân bón đầy đủ, cây phát triển mạnh như các bạn thấy ở hình dưới. Ở thời điểm này phải cẩn thận đừng để cây phát nhanh quá, cành dài ngoằng là hỏng kiểu dáng cây thông Scot. Các bạn thấy cành còn thưa thớt và chồi lá chỉ ở ngọn cành. Khi cây mạnh khỏe như trên, chúng ta có thể cắt ngắn cành giúp đọt lá bung ra ở phía trong cành (gần thân).
1996: Cắt cành tỉa đọt lần đầu tiên, cây đã có nét khá ấn tượng. Cành đã ngắn lại, và chồi lá nảy ra trên cành rất gần thân. Một trong những điều tệ hại của đa số các cây thông đào từ rừng về là cành thưa thớt và chồi lá chỉ có ngoài ngọn cành. Nhiều người đã đè cây ra quấn dây để tạo dáng ở thời điểm này. Quả là một lỗi lầm ! Vì cây sẽ phát triển chậm… thiệt là chậm nếu bị quấn dây. Các bạn nên nhớ : thoạt tiên cần giúp cho cây phát triển đúng mức sau đó mới tiến hành tạo dáng. Thời gian mất đi vì lo cho cây phát triển đúng rồi tạo dáng, tính ra, vẫn ngắn hơn nhiều so với việc tạo dáng rồi mới để cây phát. Đa số các cây mới đào về thường được quấn dây tạo dáng quá sớm. Cây thông trên đây mà được tạo dáng từ hai, ba năm trước (lúc cành dài và chồi ngoài ngọn cành) thì vòm lá chắc chắn là xòe rộng quá (sẽ không giống dáng mọc của thông Scot ngoài thiên nhiên bên Đức).
1997: Thêm một năm phát triển tốt, đây là thời điểm cần xem xét, tính toán kỹ lưỡng cho bước đầu của việc tạo dáng theo phong cách tự nhiên. Lá đã ngắn bớt lại vì số lượng lá tăng lên, đồng thời với việc bứt bỏ lá già. Mức phát triển chồi lá giữa các cành và các vùng trên dưới của cây khá cân đối (cây thông có sức phát triển ưu tiên vùng đỉnh cây và vùng chót cành rất mạnh). Ở giai đoạn này, cây thông trông khá giống một cây thông già ngoài thiên nhiên. Nên chi đã có người cho rằng: như vầy là cây thành phẩm đã ở phong cách tự nhiên. Thế là họ sang cây vào chậu bonsai đẹp và không dám nghĩ tới việc quấn dây, uốn cành cắt tỉa gì nữa (sợ mất nét tự nhiên?).
Cây này mà được làm thành phẩm như vậy thì mình gọi đó là một tác phẩm nghệ thuật sơ cấp, thay vì bảo đó là một cây bonsai “lùng bùng”. Rõ ràng cây thông trên đây chưa phải là một cây thành phẩm mang phong cách tự nhiên (naturalistic bonsai) nhưng là một cây bonsai tự nhiên (a natural bonsai). Mà hai chuyện này hoàn toàn khác nhau. Tôi (Walter Pall ) gọi cây thông trên đây, ở thời điểm này, là một “vật liệu chế tác bonsai tuyệt hảo”.
Có vài cành cần cắt bỏ, vì cây thông đào từ rừng về thường có nhiều cành mọc cùng một mức quanh thân. Theo quan điểm tự nhiên là nên giữ lại cho giống ngoài thiên nhiên, nhưng dưới mắt nghệ thuật lại khác. Thành thử các bạn cần lưu ý : cây thông này (năm 1997) là một cây mọc tự nhiên, chứ không phải là cây mang phong cách tự nhiên.
Bây giờ tôi bắt đầu tính toán tới việc cắt bỏ một số cành. Đa phần các cành được cắt sát thân. Vài cành (ở phần nửa trên của thân) được chừa dài để tạo Jin. Không nên để nhiều Jin quá, đặc biệt là phần nửa dưới của thân. Những cành thật thấp ở nửa thân dưới đã chết từ thật lâu rồi (trong thiên nhiên) nên chi không còn gỗ chết ở phần này. Nhưng phân nửa trên thì có cành chết nên còn Jin. Cắt bớt cành ở nửa thân trên sẽ giúp những cành dưới thấp phát lá mạnh hơn. Bí quyết phát triển trong tương lai của cây thông là: làm yếu phát triển vùng đỉnh cây và tăng cường sức phát triển vùng dưới sẽ giúp cây phát triển mạnh.
Kết quả quấn dây cây thông cả ngày trời, bạn thấy cũng được đấy chứ? Thế nhưng ngắm cây thấy cũng chẳng có gì xuất sắc phải không? Chả là chúng ta cứ hay bị những buổi phô diễn tạo dáng bonsai làm hư người: cây đưa lên trình diễn vừa được quấn dây xong là thấy thành tác phẩm vĩ đại ngay. Đó là chuyện trình diễn (với những cây đã được tuyển chọn) chứ thực sự không phải là cách các bạn nên làm. Chỉ cần các bạn uốn cành xong mà thấy cây hơi có hồn một tí thôi là cũng đã tuyệt lắm rồi. Bạn không cần phải đặt nặng vấn đề, bắt cây phải coi ngon lành ngay lập tức sau khi quấn dây uốn cành. Điều quan trọng là: khả năng cao nhất bạn giúp được cho cây thể hiện được dáng vẻ mà bạn đã vẽ ra (trong đầu hay trên giấy ) cho 5 năm tới.
Bạn mà sang chậu sau khi quấn dây uốn cành thì sẽ là một lỗi lầm lớn đấy. Toàn bộ đọt chồi cần bung hết lá sau khi uốn cành xong, lúc đó hãy sang chậu. Ngó kỹ nghe: mọi cành lớn nhỏ đều được quấn dây. Đây là điểm hết sức quan trọng khi quan sát một cây bonsai được tạo dáng theo phong cách tự nhiên. Phong cách tạo dáng này không hề đề cập đến phương pháp nào cả. Mà phương pháp ở đây lại phải hết sức tích cực: quấn dây mọi cành lớn nhỏ.
Làm sao để một ngày trong tương lai: cây bonsai này trông như một cây ngoài thiên nhiên, chưa hề bị bàn tay con người tác động.
Lúc này, vòm lá hơi xòe rộng đây. Lý do vì cành chính (số 1) vốn là do hai cành gộp một. Cứ như kiểu tạo dáng thời đại hiện giờ thì người ta sẽ hạ thấp và tỉa mỏng từng cành, thế nhưng ở trường hợp này thì không nên.
Bạn thấy cành sà xuống gần mặt đất. Rõ là nên cắt bỏ bớt ngay cho rồi, thế nhưng phải chờ tới vài năm nữa mới làm chuyện này được.
2000: cuối xuân năm 2000 cây thông được sang chậu lớn hơn một chút nhằm giúp cây phát triển tốt hơn trong tương lai. Cây được tưới tắm, phân bón liên tục, kết qua như bạn thấy: cây rất mạnh khỏe. Lá tuy có hơi dài vì nhiều nước nhiều phân, nhưng ở thời điểm này, chuyện đó chấp nhận được. Điều quan trong nhất là: cành chính (thấp nhất) đã phát triển rất mạnh trong khi những cành trên đỉnh được kềm chậm lại.
Lúc này, cây thông trông đã khá lắm rồi. Bước 1 của phong cách tự nhiên coi như đã hoàn chỉnh. Đa số những người từng thấy cây thông lúc này đều có vẻ thích. Thế nhưng, cành thấp nhất sẽ cần phải rậm lá hơn nữa và cũng cần tỉ lệ cân xứng hơn với các cành khác. Điều tôi bận tâm nhất là cành chính (thấp nhất) này đã tạo cho vòm lá của cây xòe ra rộng quá.
2002: Giờ thì cây thông đã phát triển quá lố rồi đây. Trông cây có vẻ như bị bỏ thí không chăm sóc. Nhưng thực ra thì cây đã được tưới nước và bón thúc tối đa để giúp chồi lá đâm ra gần thân hơn nữa. Quá trời đọt chồi đâm ra ở cành chính và các cành đỉnh. Có nghĩa là chúng ta có thể tỉa ngắn cành lại và tỉa mỏng tán lá.
So hình cây thông trong chậu bonsai trên với hình cây thông Scot mọc ngoài thiên nhiên, các bạn hẳn thấy cây trong chậu bonsai xòe vòm tàn ra nhiều qúa. Cây thông Scot chả bao giờ mọc kiểu tàn tán nặng nề (nhìn mạnh bạo) như bộ dạng những cây thông bonsai thời buổi ngày nay. Ngược lại, cây thông Scot vốn có khuynh hướng mọc thanh tao. Nên chi, nói về chuyện thanh tao, cành chính vẫn là quá dài và vốn chỉ có chồi lá ở phía ngoài ngọn cành. Cành này thoạt nhìn, các bạn thấy nó quá ư rậm rạp (quá mạnh) nhưng thiệt ra thì nó chỉ được giữ để thực hiện bí quyết trồng thông ( tạo cân đối phát triển).
Bây giờ chúng ta đang đứng trước ngã ba đường trong việc tạo dáng cây thông bonsai. Phải quyết định chọn một trong hai hướng:
- Trở lại kiểu tạo dáng thông cổ điển: nếu vậy , chỉ cần chấn chỉnh một số chi tiết là xong.
- Hay là tạo theo phong cách tự nhiên. Nếu theo phong cách này, câu hỏi đặt ra : thực sự cây thông Scot bonsai cần có hình dáng thế nào ?
Muốn vậy, chúng ta cần quan sát một cây Scot pine ngoài thiên nhiên đặng xem có nảy thêm được ý tưởng gì ?
Nhưng mà không hẳn là cây thông Scot nào trong rừng trong rú ngoài thiên nhiên cũng đều giúp bạn thêm được ý tưởng. Chúng ta cần phải kiếm được một cây thông Scot nào có dáng vẻ đặc sắc một chút.
Anh bạn Michael Tigges đã gửi cho tôi hình một cây thông Scot do anh ta chụp ở Phần Lan.
Đa số mọi người đều đồng ý rằng: đây là một cây thông Scot khá ấn tượng.
Cây thông Scots trong tự nhiên được dùng làm mẫu
Tôi đưa câu hỏi lên diễn đàn bonsai thế giới: Lấy hình cây thông Scot ở Phần Lan này làm mẫu tạo dáng cho một cây thông Scot bonsai được không?
Mọi người đều đồng lòng trả lời: KHÔNG ĐƯỢC! Bị số đông áp đảo, tôi cảm giác như bị tra tấn.
Tại sao không? Bộ cái cây thông Scot ở Phần Lan không đẹp à?
Ờ! nó đẹp chứ, nhưng mà nó dòm chả giống một cây bonsai tí nào!
Vậy hả! Chứ khác nhau ở chỗ nào?
Thì vòm lá nó không có hình tam giác lệch, lại còn có vòm lá tròn, mà trên đỉnh cây thì quá trời lá là lá, lá phát đặc nghẹt trông nặng nề quá sức. Cái cây cũng chả có cành nào nằm ngang (để gọi là già), mà cũng chả có tán có tàn xếp lớp đặng có khoảng trống cho chim chóc bay qua bay lại được. Nhìn cả cái cây chả thấy đâu là cành chính. Ngay cả tán lá cũng chả thấy ra hồn. Tóm lại là cái cây thông Scot này nhìn thấy không vững chãi chút nào. Dù là thân có vẻ thon nhỏ dần thiệt nhưng chả thấy bộ rễ đâu cả.
À !mấy chuyện này thì thay đổi được thôi. Vậy chứ, bộ cái cây thông Scot này trông xấu xí lắm hả?
Không, cây này trông ngon lành lắm, nhưng mà đưa nó vào bonsai thì nó sẽ thành một cây thông bonsai xấu hoắc!
Thế cơ đấy! Chả phải John Naka đã nói: “làm sao cho cây bonsai của bạn giống như cây mọc ngoài thiên nhiên, chứ đừng đem ép cái cây thiên nhiên thành cây bonsai” đấy thôi?
Hoá ra là người ta đang ráng đưa cái cây thông Scot đẹp đẽ ở Phần Lan kia vào bonsai bằng cách làm cho cây phải theo những quy tắc cành một, cành hai, cành ba, dưới to trên nhỏ, cành gốc xum xuê, cành ngọn lơ thơ.
Thiệt là bà con trên diễn đàn đã đem tôi ra xử tử!
Lúc này, tất cả lá già được bứt bỏ. Các cành đã được cắt ngắn bớt và một lô những cành con con cũng được cắt luôn. Tôi quyết định khử luôn cành chính (hai cành chập một, thấp nhất) vì thấy chúng cũng chả giúp gì cho dáng tương lai của cây. Vả lại, nhiệm vụ cân bằng sức phát triển trên cây của chúng cũng đã xong. Chỗ cắt còn chừa lại một đoạn, được biến thành jin luôn.
Vậy thì sẽ có một cành khác trở thành cành chính của cây?
Tôi cũng chả rõ nữa. Bởi vì, ở đây, ý niệm về cành chính đã trở nên không cần thiết khi mà nét vận động của thân cây đã lộ rõ mồn một trước mắt chúng ta.
Bạn nên nhớ, ở thời điểm này, cây thông trên đang trong giai đoạn tiến dần tới mức hoàn chỉnh.Thành thử đừng vội đánh giá cây như một thành phẩm. Nếu bạn đánh giá: khả năng ít nhiều của cây sẽ nhanh hay chậm tiến tới mức đến thì được. Bạn thấy đó: phần trên bên trái của cây còn xòe tàn hơi rộng, hay là phần tàn trái phía dưới có hơi ngắn. Hoặc là cái jin ở chỗ cành chính (cũ) trông kỳ quá!
Lúc tôi đăng hình này lên diễn đàn và tuyên bố: đây là hình ảnh một cây thông Scot bonsai theo phong cách tự nhiên.
Bà con trên diễn đàn đã bị ngớ ra hết ráo. Ai cũng đinh ninh rằng tôi sẽ quấn giây, uốn nắn cành lại lần nữa để cây có tán có tàn, cành số 1 số 2 … , có tầng có lớp và để có chỗ cho chim chóc bay qua bay lại. Thay vào đó, tôi lại còn nói: “Đây này, cây thông phong cách thiên nhiên gần như hoàn chỉnh rồi đây. Cây này sẽ chỉ cần đôi ba năm nữa là đạt được tới mức người ngắm nó sẽ nghĩ rằng tự bản thân cái cây nó mọc và phát triển như vậy: một cây thông chưa từng có tay người đụng vào”.
Thế là bà con trên diễn đàn lại hùa nhau đè tôi ra xử tử thêm lần nữa. Họ bảo tôi đã “nặn” ra một kiểu bonsai ở thế kỷ 19, giống như cho ra lò một lô một lốc những miếng bánh mì kẹp thịt giống hệt nhau của hãng bán đồ ăn liền Mac Donald vậy. Thôi thì đủ thứ búa rìu giáng lên tôi vì họ bảo tôi là kẻ đê tiện không biết xấu hổ.
Ngó kỹ lại hình ảnh cây thông ở năm 2002, quả thật là tôi cũng không thể trách họ được. Thì cũng tựa như một bà mẹ nhìn thấy được nét “thiên tài xuất chúng” của đứa con mình, mà nét xuất chúng đó tôi biết là phải đợi vài năm nữa mới lộ ra, trong khi bà con chung quanh chỉ nhìn ra được những điểm bệnh hoạn yếu ớt nơi con tôi.
Điểm chính yếu là thế này: chúng ta thường hay có khuynh hướng dự kiến cây bonsai sẽ đẹp tối đa ngay ở từng bước tạo dáng. Thành thử, cứ giữ ý niệm đó trong đầu, chúng ta sẽ không mở đường cho cây phát triển tới mức hoàn thiện được. Bạn nên nhớ: kết quả cuối cùng mới là đáng kể.
Tôi thấy hạnh phúc khi được sống bên một con vịt xấu xí nhưng đang từ từ lột xác để thành một con thiên nga xinh đẹp.
Dĩ nhiên đây không phải là chuyện uốn nắn tạo cho cây một bộ dáng tầm thường rồi biện minh rằng: “Ấy, cây đang ở giai đoạn phát triển để thành một nàng thiên nga xinh đẹp đây !”.
Cây năm 2002 sau khi cắt tỉa
Mùa xuân năm 2005: Cây thông được chuyển sang chiếc chậu Trung Hoa. Chậu này cạn và hình dáng trông nhẹ nhàng hơn. Cây được xoay ngược chiều kim đồng hồ một tí ti phô diễn được sức chuyển động của thân rõ nét hơn chút. Mọi cành lớn nhỏ đều được tôi rà soát chỉnh đốn lại thật kỹ. Dĩ nhiên là uốn nắn chỉnh sửa sao cho không ai nhận ra là có tay tôi đụng vô.
Tôi sửa soạn cho cây ra mắt ở buổi triển lãm giải Ginkgo Award mùa Thu năm 2005. Điều quan trọng nhất tôi cần cho cây lúc này là làm sao cho những lá mới phát triển ở đầu mùa Thu phải ngắn tối đa. Có thế, những lá già, dài, khi được ngắt bỏ sẽ giúp cây thông nhìn đẹp hơn.
Bởi thế tôi hãm bớt mức phát triển của cây lại bằng cách bớt nước, bớt phân.
Bây giờ thì cây đã có dáng vẻ khá lắm rồi đây. Phần tán lá phía trái được cắt ngắn bớt chút xíu và kéo sát tới gần thân hơn. Cành thấp nhất bên trái được nâng lên cao hơn chút. Thế là tôi tạo được một đường ngang dưới vòm lá. Nhờ thế trông cây có vẻ ổn định vững chãi hơn.
Cành thấp nhất bên phải, thật ra là cành ở phía hậu diện, được uốn chùng xuống một chút và sà tối đa về phía phải đặng tạo thêm ấn tượng cho sức phát triển của thân.
Nhưng như vậy thì…cái cành này có phải là cành chính, cành số 1 của cây không?
Tôi cũng chả biết nữa! Mà thực sự thì tôi có cần để ý gì tới cành số 1, số 2 đâu.
Mùa Thu 2005: Cây thông Scot, được đào ngoài thiên nhiên từ năm 1988 ở Đức. Cây cao 85 cm, khoảng 100 năm tuổi. Chậu bonsai của Trung Hoa.
Giờ thì cây thông đã sẵn sàng để tham dự cuộc triển lãm đầu tiên. Nhờ ngắt bỏ hết lá già và số lá mới phát của năm nay ngắn ngủn nên cây trông to lớn hơn và rõ ràng là già hơn. Nét thanh tao của cây được tỏ lộ rõ nhờ mặt tiền sáng sủa của cây, thiết tưởng cần phải chăm kỹ đám lá lòa xòa trước thân vì đó chính là bản sắc của những cây thông trong thiên nhiên. Sau một vài chấn chỉnh nho nhỏ, bây giờ các bạn có thể thấy như cây thông này vốn tự mọc mình lên nó như thế này từ hồi nào tới giờ.
Chí ít thì đó chính là điều mà tôi đã ráng sức thực hiện. Thêm được cái là chiếc chậu Trung Hoa rất tương xứng với cây thông. Hình dạng nhẹ nhàng và màu sắc của chậu tạo cảm giác như chiếc chậu có vẻ hơi nhỏ so với sức phát mạnh mẽ của cây thông, nhưng cũng không quá nhỏ đến độ yếu ớt để khiến bạn cảm thấy như bộ rễ cây thông ôm trùm chiếc chậu.
Dù có dáng vẻ rất mạnh nhưng cây thông trông vẫn rất tao nhã. Bạn cần ghi nhớ điều này: tôi vẫn là cứ gọi đây là cây thông Scot chứ không thích gọi em nó là một cây thông bonsai. Cây thông đã đạt rất gần tới mức hoàn chỉnh (theo ý tôi) và tôi sẽ vẫn cứ giữ mức chăm sóc, tạo dáng như vậy trong tương lai.
Cây được trưng bày trong cuộc triển lãm Ginkgo Award vào tháng 9 năm 2005.
Ta rút ra được điều gì từ bài học này?
Làm cây theo phong cách tự nhiên chắc chắn không thể theo kiểu sản xuất hàng loạt. Không thể nghĩ ra một cái khuôn nào đó và ép cây phải theo cái khuôn đó. Thay vào đó cần sáng tạo theo bản chất của cây phôi, phải nhìn ra được nét độc đáo mà chỉ mình cây đó có và phát huy tối đa nét đẹp đó.
Hơn nữa, cây là một sinh vật sống và dần biến đổi theo thời gian. Cho nên hôm nay nó có thể đẹp nhưng ngày mai không còn đẹp nữa, đó là chuyện thường. Do đó mà tìm kiếm vẻ đẹp hoàn hảo của 1 cái cây là cuộc đua bất tận và cũng là điều thú vị nhất khi chơi bonsai.
Theo mình, dù bạn có dành hết thời gian và tâm trí cho cây cảnh đi nữa thì cũng chỉ làm được 100 cây là giỏi lắm rồi.
Bài viết này chứa nhiều lời khuyên bổ ích của một nghệ nhân hàng đầu. Nhưng mình vẫn cảm thấy thiếu thiếu một thứ, đó là cảm xúc khi mình ngắm cây thông Scot của ông.
Bởi vì mình chưa từng thấy cây thông Scot thật nào trong đời. Đời mình chỉ thấy cây đa làng, cây sung bên bờ ao, cây me, cây bàng, cây chò chỉ… Đó mới là những cây gợi cảm xúc trực tiếp từ tiềm thức của mình. Vậy nên mình định viết phần thứ 3 về chủ đề người Việt chúng ta có thể làm cây tự nhiên như thế nào? (chủ đề có vẻ hoành tráng vậy chứ mình chỉ định viết vài ý kiến cá nhân nho nhỏ thôi chứ không hề có tham vọng rằng đọc xong phần 3 bạn sẽ biết làm cây theo phong cách tự nhiên như thế nào)