Chú Vũ Hưng đánh giá một tác phẩm Lạc Diệp Tùng

Chú Vũ Hưng đánh giá một tác phẩm Lạc Diệp Tùng
Đánh giá

Đây là một cây Lạc diệp Tùng Âu châu (Larix decidua, European Larch), thể hiện một cây ở vùng đồi rộng vào thời điểm giữa mùa xuân. Loài “thông rụng lá ” này có màu lá xanh đọt chuối rất đẹp vào đầu và giữa xuân sau khi lá non bung chồi. Là loài cây có biểu hiện sức sống rất mạnh vào xuân, nên cây Lạc diệp Tùng trên đã tạo được ấn tượng tươi mát, mạnh mẽ. Đúng là một biểu tượng tốt cho mùa xuân.

Cây tuy còn trẻ (khoảng dưới 15 tuổi ) nhưng đã có dáng dấp một cây già lão với phong cách khá tự nhiên.

Tuy vậy, để giúp cho nét già lão của cây đạt hơn, những điểm sau đây cần được sửa chữa

a. Các ngọn cành

(những chấm xanh lá cây) cần được tỉa bỏ những “chùm lá” chúi xuống đất. Trong thiên nhiên, nhất là với những cây có tính “ưu tiên phát triển vùng đỉnh” chúng ta sẽ chẳng mấy khi thấy ngọn cành “chúi đầu phát triển xuống đất”. Điểm này không lưu ý tỉa bỏ sẽ gây tính mất tự nhiên ở cây. Trong tự nhiên, nhìn chúng có hình thái thế này

b. Rễ lồi bên gốc trái

(chấm đỏ) cần được tỉa bỏ hoặc ghìm xuống đất. Hai chuyện các bạn cần lưu ý về rễ Thông Tùng bách :

  1. Rễ từ phần trên cổ rễ (nói chung là ở phần thân gần gốc ) chỉ phát rễ khi cây còn non trẻ. Cây càng già, rễ càng bẹt ra mặt đất và đường kính rễ thường chiếm cỡ 1/16 đến 1/8 thân. Một cây Tùng bonsai có rễ con đâm ra từ vùng thân (trên cổ rễ ) thường gợi hình ảnh cây non hơn là cây già. (Đó cũng là lý do các bạn sẽ không gặp cây Tùng bonsai có rễ tua tủa từ thân. Và các tác phẩm bonsai về Tùng khi dự thi sẽ luôn luôn được miễn chấm phần rễ. Tuy thực sự thì nếu cây Tùng có đế rễ đẹp cũng vẫn thêm điểm).
  2. Nếu tác giả cây Lạc diệp Tùng trên có ý nghĩ : đưa rễ lồi để tạo hình ảnh vùng đất quanh gốc bị xâm thực khiến đất trôi lồi rễ thì cũng không thiết thực lắm vì cỡ rễ còn nhỏ và vùng cỏ quá xanh tốt.

Tóm lại, để những rễ lồi ở gốc bên trái gây tánh non trẻ cho cây.

c. Vị trí cây trong chậu

Cây ở vị trí như trên tuy đạt được mục tiêu cây vùng đất đồi rộng chiều dài, thế nhưng vì cây ở phía nửa sau của chậu, nên gốc cây (cộng với rễ lồi) đã không tạo cho người xem cảm giác “sâu” của vùng đồi.

Chỉ cần đưa cây về phía trước một chút (quá đường phân đôi ) và có thể 45 độ về bên trái vài phân (tới điểm chấm đen) và đắp thêm đất cao thêm phần sau và phần phải của gốc một chút xíu (có thể thêm vài cọng cỏ biểu thị dốc thoải ở sau gốc phải) thì ắt hẳn vùng đồi sẽ rõ nét hơn cả về sâu lẫn rộng.

d. Vùng rêu đắp trên bề mặt chậu

Tuy tác giả đã xếp đặt vùng cỏ rêu mặt đất hết sức mỹ thuật, thế nhưng vô tình tác giả đã khiến “bờ cỏ” chia đôi mặt đất trồng thành hai nửa khá đều nhau.(Dù là “bờ cỏ” hình cong).

Đây là điều nên tránh. Hoặc là bớt rêu, hoặc thêm rêu để bên nhiều bên ít sẽ tránh được sự chia đôi. Thí dụ đưa “bờ cỏ” thêm ra tới chấm vàng.

e. Phụ kiện và kệ

Sở dĩ mình phải để chung phụ kiện và kệ , vì chúng sẽ cùng một mục đích.

Theo mình thấy, đây có thể là vấn đề chính yếu gây cho người xem một cái gì đó “hơi ngang ngang”. Có lẽ cái ”hơi ngang ngang ” xuất hiện chiều cao của cây và chiều dài chậu tương hợp nhau thành hình thước thợ (góc 90 độ). Thêm vào đó, chiều cao cây và chiều dài chậu lại gần bằng nhau. Nếu để người thưởng lãm tác phẩm càng “chú mục” vào chuyện so sánh này thì họ càng thấy nó bằng nhau.

Giả sử coi như cây cao 85 cm, chậu dài 70 cm. Cũng giả sử (và rất thực tế) là chiều cao cây và chiều dài chậu không thể thay đổi.

Dĩ nhiên, chúng ta có thể làm hiện tượng ngang ngang này nhòa đi bằng cách thêm phụ kiện và thay đổi chiều dài kệ.

Tại sao? Cách nào?

  • 1. Nếu bạn để thêm vài viên đá trắng (hoặc kẹt quá lấy vài viên sỏi) đặt vào chấm xanh dương ở vùng đất đỏ bên trái. Bạn thấy chuyện gì? Nếu có vài điểm trắng (điểm sáng) nổi lên tại đó (như một vài tảng đá tròn đầu nhô lên ở vùng đồi ) là tự nhiên mắt người xem sẽ chú ý vào đó (phụ thêm vào cành số 1 của cây chúi xuống đó ). Sự chú ý đấy sẽ gây cho chiều dài chậu bị phân làm hai đoạn : đoạn từ cạnh ngắn (trái ) của chậu tới viên đá và đoạn từ viên đá tới cạnh ngắn bên phải. Thế là chiều dài của chậu có “cái gì đó” làm cho “không bằng” chiều cao cây nữa.
  • 2. Sự tương hợp vì thẳng góc và bằng nhau giữa chiều dài chậu và chiều cao cây lại còn gia tăng “nét cân đối tĩnh vì bằng nhau” do chiều dài của kệ vừa khít chiều dài của chậu! Điều này gây cho mắt người xem “sự đứng khựng” vì dốc đồi thoải dài bị cắt đột ngột. Do đấy, muốn thưởng thức hết ý của tác phẩm, gần như người xem phải cố nhắm mắt tưởng tượng cảnh sườn đồi trải dài. Nếu mặt đất đã có vài viên đá tại chấm xanh dương đã làm nhiệm vụ phân cắt chiều dài chậu, chúng ta cho kệ tiếp thêm chiều dài vùng đất thoai thoải thì chắc chắn người xem sẽ có cảm giác dễ chịu hơn. Tức là, nếu chậu dài 70 cm, ta dùng kệ dài 110 cm. Chậu cây đặt trên kệ sao cho phía trái dư ra 30 cm, phía phải dư ra 10 cm. Bạn có thể tưởng tượng để thấy : vùng đồi cây đang mọc không bị hụt hẫng phía phải, vùng đất đỏ chân đồi thoai thoải còn tiếp dài. Và nếu chiều sâu ngọn đồi được cải tiến (vùng đất sau gốc) thì chắc là tác phẩm sẽ tăng thêm nét thẩm mỹ.

Nãy giờ chê mãi, nên bây giờ khen chút!

Tác giả đã sáng tạo khi dùng chậu dài rất cạn cho cây này.

Lý do là loài Lạc diệp Tùng (Larix decidua) vốn có bộ rễ rất mạnh, thô và mềm mại. Những rễ này chỉ to cỡ cọng bún tới cỡ đầu đũa ăn cơm (3-5mm). Rễ mềm mại, dẻo và có thể dài cả 100 cm trong chậu bonsai (quấn vòng vòng quanh thành chậu). Vì thế, một cây Lạc Diệp Tùng bonsai như trên thường phải có số rễ khá nhiều và dài mới có thể giúp lá tươi đẹp như vậy.

Cho nên, tác giả đã rất sáng ý khi chọn loại chậu dài như trên. Chậu dài sẽ giúp cho vấn đề xếp sắp đủ lượng rễ cho cây sống yên ổn được giải quyết dễ dàng.

Trả lời

0988110300
chat-active-icon