Đối với người bán dụng cụ, thường thì ai cũng muốn bán được hàng và không hẳn tất cả những người bán đều thấu hiểu cảm thông với khách hàng. Có người trọng tiền hơn tâm, họ nói mây nói mưa để bán những dụng cụ, bộ đồ nghề mà khách hàng mua về chẳng bao giờ dùng tới hoặc chất lượng kém không sử dụng được. Hơn nữa, giá dụng cụ làm cây toàn giá trên giời, từ vài trăm tới vài triệu. Thế nên những kinh nghiệm thực tế của người đã từng làm cây có thể sẽ giúp bạn bớt được phần nào chi phí trong buổi đầu làm quen với nghề cây cảnh.
Cưa gấp
Cưa dùng để cắt bỏ những cành, rễ lớn không thể sử dụng cạp. Cưa ARS hình dưới để laị vết cắt siêu nhẵn mịn ngang tầm với dao Thái Lan cắt khoanh giò lụa! Tuy nhiên giá một chiếc cưa có chiều dài lưỡi 18cm khoảng 500k. Bạn có thể khắc phục bằng cách dùng một chiếc cưa thường giá 70k mua ngoài hàng sắt, cưa xong dùng dao sắc gọt lại cho mịn.
Kìm cắt dây quấn
Kìm dùng để cắt khi vào dây và bấm khi xả dây. Nên chọn kích cỡ kéo cho phù hợp với đường kích dây nhôm. Những kéo loại tốt, đắt tiền sẽ cho mặt cắt phẳng và khi cắt thường không có tiếng kêu. Những kéo (có khi là kìm cắt nhựa) không chuyên dụng sẽ để lại vết cắt sắc nhọn và đôi khi đầu mẩu kẽm bắn văng đi với tốc độ cao. Đây là vật dụng nên có, bởi nếu dây quấn không được cắt thành nhiều đoạn nhỏ trước khi gỡ ra thì có thể sẽ làm tổn thương vỏ cây. Chiếc kìm dưới đây có giá khoảng 400k, có loại còn có giá gần triệu rưỡi! Nếu bạn không có điều kiện có thể ra hàng sắt mua chiếc kìm cắt dây điện (mình mua 27k)
Kìm cạp tròn
Cạp tròn sẽ cho một vết cắt hình cầu lõm trên thân hoặc cành sau khi cắt. Vết cắt này rất mau lành. Dụng cụ này đang thịnh hành nhưng nó không thể dùng để cắt cành bất cứ trường hợp nào vì góc cắt bị hạn chế. Phải giữ cán cạp vuông góc với thân cây để tránh làm tổn hại đến cành khác. Đây là dụng cụ không có phương án thay thế nào!
Kìm cạp chéo
Dụng cụ này để cắt cành lìa khỏi thân cây. Vết cắt sẽ để lại một vết lõm và sau một thời gian thẹo sẽ kéo liền mặt với thân cây. Nếu cắt bằng kéo, vết cắt sẽ lồi lên khi đã lành, nhìn rất thiếu thẩm mĩ. Cạp chéo có nhiều kích cỡ song dù ở kích cỡ nào thì cũng chỉ nên cắt những cành có đường kính không quá 1/2 chiều dài lưỡi cạp. Đây cũng là dụng cụ không có phương án thay thế.
Kéo tỉa dài
Còn gọi là kéo tỉa tùng. Đối với những chi, rễ có kích thước nhỏ thì đây là dụng cụ hữu dụng nhất. Tay cầm và lưỡi dài sẽ thò sâu vào trong những tán bụi. Lưỡi rất sắc tạo nên vết cắt chính xác, ngọt mịn, không để lại dấu vết xù xì.
Kéo tỉa bầu
Là dụng cụ chính để tỉa cành, chồi non và rễ. Kéo có tay cầm lớn giúp sử dung lực tối đa. Lưỡi kẽo sắc bén nên không xảy ra hiện tượng nghiền, nhay dập nát chi, chồi, rễ đặc biệt là chi non, rễ mềm. Lưu ý khi tỉa rễ tránh trường hợp kéo nghiến vào gạch, đá, sỏi sẽ mẻ lưỡi. Nên cắt những cành, rễ có kích thước ~6mm.
Vậy ta dùng kéo tỉa bầu để thay cho kéo tỉa dài có được không? Câu trả lời là hoàn toàn được! Thế tại sao dân chuyên nghiệp lại phải phân ra 2 loại kéo vậy? Bởi khi tỉa lá, đôi khi ta sẽ kết hợp với việc nắn chỉnh lại cành, khi đó kéo dài có thể cầm gọn trong tay, dễ thao tác hơn so với việc dùng kéo bầu buộc phải bỏ kéo ra. Ngoài ra lực cắt của kéo dài cũng nhẹ hơn, cắt nhiều không mỏi tay.
Kìm bổ tùng
Kìm này dùng để bổ thân cây (hoặc cành) tùng ra để dễ uốn. Đây là món bắt buộc phải có khi làm tùng và cũng không có phương án thay thế. Kìm này ở các chợ cây cảnh, triển lãm, chợ Viềng thường có bán với giá rẻ hơn nhiều so với kìm xuất xứ từ Trung Quốc, Nhật. Nghe nói kìm Việt Nam do thợ rèn Nam Định làm.
Kìm cột-giữ kẽm
Đây là dụng cụ sử dụng thường xuyên khi làm cây. Nó dùng để giữ dây kẽm khi uốn, dùng để kẹp sớ gỗ và tước ra khi làm Jin, và dùng để bóp dập vỏ. Nếu không có điều kiện mua đồ xịn, bạn có thể tạm thời thay thế bằng chiếc kìm thợ điện mua ngoài hàng sắt (30k), tuy nhiên sử dụng không được nhẹ tay như kìm xịn.
Một số món đồ dân dã
Kéo tỉa lá đa năng: mua ngoài cửa hàng dụng cụ văn phòng, giá vài nghìn đồng. Có thể dùng để tỉa mọi loại lá và tỉa những chi dăm nhỏ.
Dao rọc giấy: dụng cụ cần thiết để ghép cây. Loại “chính thống” có giá từ 70k-490k, nhưng có thể thay thế bằng dao mua ở cửa hàng văn phòng phẩm giá 9k. Tuy nhiên có lưu ý đối với cây thông, tùng (juniper) là chúng dị ứng với các đồ bằng thép (??? cần xin thêm ý kiến góp ý xem thông tin này có chính xác không). Thép gây ra một phản ứng với nhựa thông, tùng gọi là bệnh “Black root rot”. Nếu bạn ghép tùng thì nên mua loại tốt kẻo vết ghép không dính.
Liềm: là dụng cụ để cắt rễ mà vẫn để nguyên cây trong chậu bằng cách thọc liềm vào trong đất. Cách thay đất này rất ít tổn thương đến cây. Liềm này mua ngoài thợ rèn 25k.
Kéo: Cây kéo này mình mua 25k ở chợ Viềng. Nhược điểm của nó là lưỡi quá dày. Nếu bạn chịu khó + khéo tay thì có thể mua lấy 2,3 cái về thử mài mỏng lưỡi đi xem dùng có tốt không. Cây kéo của mình thì thấy dùng rất ổn (trừ cái tội xấu!)
Bộ dụng cụ làm cây của mình: mình còn muốn mua một cái kìm cạp tròn và bộ đục nữa nhưng chưa có điều kiện 🙁 những thứ khác coi như tạm đủ. Bộ dụng cụ gồm:
- Kìm bổ tùng (đồ gia truyền nên mình không biết giá, nhưng là hàng lò rèn nên chắc khoảng 100k).
- Cưa 70k.
- Dao inox. Dao thì cần chọn loại thép tốt thì mới mài cho sắc được. Làm cây cần phải có dao thật sắc.
- Kìm thợ điện 27k.
- Kéo tỉa mọi loại lá & cành nhỏ giá 100k. Kể ra cũng nên sắm 2 loại kéo bầu và kéo dài, nhưng chưa có điều kiện nên dùng tạm 🙁
Ai cũng sắm đồ như mình chắc mấy bác bán dụng cụ chết đói!
Chăm sóc bảo dưỡng
- Làm cây xong kiểu gì dụng cụ cũng bị dính nhựa. Ta nên dùng vải lau ngay đi, để lâu sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng dụng cụ.
- Khi rảnh rỗi, nên dùng dũa móng tay của chị em phụ nữ dũa cho sắc cạnh mọi dụng cụ.
- Nên tra dầu và không cất dụng cụ khi vẫn còn ướt.
Còn một số dụng cụ khác như kéo cắt cành, dao ghép cây, dụng cụ móc đất v.v. nhưng xét thấy không cần lắm nên mình không liệt kê ra đây.