NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH THỐI ĐEN:
Bệnh thối đen do nấm Phytophthora và Pythium gây ra.
Nấm Phytophthora và Pythium là loại nấm thủy sinh, nên khi vào mùa mưa, gặp độ ẩm không khí cao và độ ẩm giá thể cao hoặc tưới nước làm đọng nước qua đêm, nấm này sẽ sinh sôi và xâm nhập hại cây Lan trong vườn.
Chúng xâm nhập qua các vết xước trên than lan, vết côn trùng chích hút gây hại, do cọ sát hoặc dập các mô biểu bì,…
Khi gặp độ ẩm giá thể quá cao như mưa kéo dài hoặc giá thể bị mục, giò lan hơn 3 năm nhưng chưa thay giá thể, rễ sống trùm lên rễ chết,… Nấm cũng sinh sôi dưới gốc nhanh hơn, sau đó, chúng xâm nhập vào cây Lan từ rễ, cổ rễ, gốc gây ra thối dưới gốc lan đầu tiên, sau đó từ từ lan lên phía trên than gây ra tóp giả hành.
Không khí vừa nóng vừa ẩm sẽ tạo điều kiện cho nấm Phytophthora và Pythium phát triển gây ra các bệnh về thối, loét, chết nhanh.
Ngoài ra, tưới nhiều phân có hàm lượng đạm cao trong mùa mưa cũng là nguyên nhân gây ra bệnh thối đen và các bệnh khác.
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT BỆNH THỐI ĐEN:
Bệnh thối đen có thể gây hại ở các độ tuổi khác nhau của cây từ khi cây còn non cho đến khi cây đã trưởng thành và ra hoa. Và cũng trên tất cả các bộ phận của cây phong lan, từ thân lá rễ đến cả nụ hoa, nhưng chủ yếu nhất là trên lá.
Trên lá, ban đầu vết bệnh là những vết đốm nhỏ, nhũn, hơi mọng nước có màu xanh tái, sau đó vết bệnh lan rộng dần và nhanh chóng chuyển thành màu đen, về sau có thể thấy được những khuẩn ty màu trắng trên các vết bệnh, nếu cây bị bệnh nặng bệnh làm cho lá rụng sớm.
Ở rễ: Xuất hiện các đốm màu đen trên rễ hoặc giả hành hay có thể nhìn thấy các sợi nấm trắng trên giả hành. Giả hành dần chuyển sang màu vàng sau đó có màu rơm ướt, rồi vết bệnh dần khô tóp lại, gây gục ngọn và chuyển sang màu đen. Vì vậy mới gọi là bệnh thối đen.
Trường hợp, bệnh tấn công phần ngọn, dấu hiệu giống như trên và lan dần, gây chết cây.
Nếu bạn phát hiện gốc bị thối ủng và lan dần lên trên thì không thể cứu được cây Lan này nữa. Bạn chỉ có thể lấy lại ít phần giả hành phía ngọn nếu chỗ đó chưa bị thối ủng để giành ươm lại.
Những giống lan thường bị bệnh này như các giống lan có lông đen, Kim Điệp, Giả Hạc (Phi Điệp), Kiều (Thủy Tiên), Dendro, Cattleya, Đùi Gà, Kèn, Ngọc Thạch, Trúc Quan Âm…
CÁCH XỬ LÝ BỆNH:
Khi cây có dấu hiệu lá nhăn nheo, giả hành teo tóp… hãy kiểm tra lại gốc và rễ coi có dấu hiệu bệnh thối đến không.
Khi giả hạc có dấu hiệu bị gục hay bị vàng thân nhưng gốc rễ vẫn bình thường, bạn cũng không được chủ quan, có thể nấm tấn công vào phân giữa giả hành thay vì gốc rễ hay lá.
Khi phát hiện ra bệnh, bạn cắt xéo cách giả phần giả hành bị bệnh khoảng 3cm, rồi bôi keo liền sẹo vào vết cắt, sau đó để khô, tiến hành phun thuốc trừ nấm bệnh P-Gro để xử lí bệnh.
Không dùng các loại bón phân tan chậm hoặc phân giàu đạm, nên ngưng tưới 2-3 ngày khi cây bị bệnh.
Nếu bệnh tấn công phần ngọn lá cũng cắt và phun thuốc như vậy.
Cuối cùng, bạn nên thay giá thể, trồng lại vào chậu mới.
. CÁCH PHÒNG BỆNH THỐI ĐEN TRÊN LAN:
Tuyệt đối không nên trồng những cây Lan đã có triệu chứng đã bị nhiễm bệnh chung trong vườn.
Không nên dùng các loại giá thể là những chất có khả năng hút nước nhiều và giữ nước lâu như vỏ dừa khô.
Trước khi trồng lan, chậu và giá thể phải được khử trùng sạch sẽ, phun tưới lên chậu và giá thể sau đó dùng bạt nilon phủ kín trong 2-3 ngày sau đó rồi mở ra một ngày rồi mới trồng cây Lan vào.
Bạn không nên treo hoặc đặt chậu lan quá thấp để tránh nước bắn lên khi có mưa.
Khi cây Lan còn nhỏ nên dung mái che mưa cho lan, vì giai đoạn này cây Lan rất mẫn cảm, rất dễ bị nhiễm bệnh.
Không nên trồng hoặc đặt chậu lan quá gần nhau, để giữ cho giàn lan luôn có độ thông thoáng và khô ráo.
Vào mùa mưa không tưới nước quá nhiều, không nên tưới nước khi quá trễ vào chiều tối.
Kiểm tra vườn thường xuyên, nếu phát hiện cây có dấu hiệu bị bệnh cần đưa ra cách ly để tiện chăm sóc và chữa trị cho cây bệnh.
Khi cây bị bệnh có thể dùng một trong vài loại thuốc để phun cho cây như : Chế phẩm vi sinh P-Gro; Aliette 80wp; Vialphos 80BHN; Vitaxyl 35BTN; Ridomil 25WP… phun theo chu kỳ 1 tuần 1 lần.
———-———-———-