Cách thức phát triển ở cây Lan (Nguyễn Thiện Tịch – Lan Việt Nam – P2)

Cách thức phát triển ở cây Lan (Nguyễn Thiện Tịch – Lan Việt Nam – P2)
Đánh giá

Dù hình dạng cây Lan biến thiên phức tạp: bò, đứng, leo hay tạo ra củ ở dưới đất nhưng chúng chỉ gồm 2 cách phát triển chính:

Phát triển cọng trụ: Lan đa thân (Sympodial orchid).

Ở đây thân cây Lan tăng trưởng có giới hạn, đến một độ cao nào đó thì chúng ngừng lại, chồi mới ở gốc lại sẽ phát triển tiếp. Cứ thế tiếp tục, chồi nọ sinh ra từ gốc của chồi có trước, làm cho cây Lan mọc thành một bụi gồm nhiều thân. Mỗi thân như vậy gọi là một giả hành. Giả hành là từ để chỉ tất cả thân cây Lan dù nó lỏng khỏng như chiếc đũa hay phù mập như củ hành. Giả hành có thể cao lớn có nhiều mắt, phân chia ra nhiều lóng. Lá có thể ở mỗi mắt dọc theo thân, hay tập trung phía đỉnh của giả hành. Phát hoa sẽ mọc ra ở đỉnh hay ở mỗi nách lá. Giả hành có thể thấp lùn hay hình cầu với chỉ 1 – 2 lá ở đỉnh. Các giả hành cũng có thể ở cách xa nhau vì chồi mới lúc khởi đầu phát triển theo chiều ngang như một thân bò, sau đó mọc đứng lên tạo ra giả hành mới nằm cách xa giả hành cũ, cứ thế mà cây Lan có thể bò lan trên cây gỗ hay vách đá. Đoạn nối giữa 2 giả hành gọi là căn hành. Rễ ở đáy giả hành hay ở mắt hoặc dọc căn hành.

  • Đó là trường hợp các lan phụ sinh, sống bám trên cây hay vách đá mà ta gọi là phong lan.

Còn đối với các Địa Lan có giả hành nằm trên mặt đất hay ở dưới đất, chúng có phần lá phát triển lên bên trên. Đáy cuống lá to ra tạo thành bẹ bao lấy giả hành. Giả hành ở đây là một thân phù mập có dạng củ, có rễ bên dưới. Ở nách của mỗi bẹ lá có các chồi mà chúng có thể phát triển thành giả hành mới hay cành mang hoa.

Phát triển cọng trụ ở phong lan.
Phát triển cọng trụ ở phong lan.

Sự phát triển của các chồi này để tạo ra giả hành mới (thường gọi là sự nhảy chồi hay nhảy con) có thể diễn ra như sau: Mỗi chồi khi mới phát triển được che chở bởi các bẹ lá ngắn, không có phiến. Khi chúng phù to ra thì các lá có phiến mới bắt đầu ló ra về phía đỉnh, sau đó các rễ mới xuất hiện về phía đáy. Cuối cùng các lá phát triển lớn lên, tích trữ dưỡng liệu về phía đáy làm cho giả hành lớn dần ra. Sự phát triển của giả hành có giới hạn, sau một thời gian thì không tạo ra lá mới nữa. Đỉnh ngọn có thể mang hoa, đó là trường hợp cây có hoa tận ngọn. Hoặc ngọn cây ngừng phát triển mà không mang hoa, vài chồi ở nách lá sẽ tạo ra chồi hoa và phát triển lớn lên thành những phát hoa, đó là trường hợp cây có hoa ở chồi bên (chồi nách). Trong cả 2 trường hợp (hoa ở ngọn hay hoa ở nách lá), một vài chồi khác ở nách lá ở gốc về sau sẽ phát triển thành giả hành mới. Như thế mỗi giả hành khởi đầu từ một chồi ở nách lá, gần đáy của giả hành trước, tăng trưởng và phát triển ra lá, ra rễ rồi ra hoa nhưng đỉnh của giả hành không mọc lên cao được. Đời sống của nó được liên tục bởi các chồi con ở các nách lá gần đáy của nó. Đó là trường hợp các Địa Lan có lá rồi mới có hoa. Một số trường hợp khác, chúng có hoa rồi mới ra lá. Đối với trường hợp này, vài chồi nách của giả hành cũ sẽ phát triển thành chồi mang các lá vảy ở gốc với một trụ ở giữa mang hoa ở ngọn, mọc cao rất nhanh. Khi hoa nở (lần lượt từ dưới lên hay nở đồng loạt) thì vài chồi gần nó ở đáy của giả hành cũ sẽ phát triển thành chồi mang lá. Như vậy ở đây chồi ra lá và chồi ra hoa riêng biệt và cùng có nguồn gốc từ các chồi nách ở giả hành cũ. Cũng có trường hợp cả chồi hoa và chồi lá phát triển cùng lúc nên các Địa Lan ấy có hoa đồng thời với lá. Đó là cốc Địa Lan có hoa vào mùa thuận lợi (mùa mưa) và tàn rụi vào mùa bất lợi (mùa khô) chỉ có giả hành trơ trụi tồn tại cho hết mùa bất lợi ấy. Các giả hành ấy có thể nằm sát trên hay dưới mặt đất. Nhưng cũng có một số Địa Lan khác, lá vẫn tồn tại quanh năm dù rằng hoa vẫn tạo ra theo mùa và giả hành mới vẫn được tạo lập từ các chồi nách ở đáy của giả hành trước, như ở Cymbidium…

Một số Địa Lan khác có giả hành không phải là những thân dạng củ như trên mà là những củ, được thành lập ở đáy thân và nằm dưới mặt đất. Khi thời tiết thuận lợi, từ đỉnh của củ sẽ tạo lập ra chồi mới, phát triển ra lá và thân trên mặt đất. Các lá có thể nằm sát mặt đất hay tập trung ở ngọn thân hoặc xếp dọc theo thân hình trụ. Sự phát triển lên cao của thân chấm dứt khi ở ngọn mang hoa. Sau khi ra hoa, cho trái, cây Lan sẽ tích trữ dưỡng chất, tạo củ mới ở gốc rồi tất cả các phần trên mặt đất sẽ tàn rụi khi mùa khô đến và củ mới lại đâm chồi tạo cây mới khi thời tiết thuận lợi kéo đến. Cứ thế cây Lan tồn tại năm này qua năm khác bằng sự tạo lập nối tiếp củ mới bên cạnh củ cũ theo phương cách phát triền cọng trụ. Đây là trường hợp của Habenaria, Peristylus… Trong trường hợp Địa Lan có củ này cũng có vài loài Lan ra hoa rồi mới ra lá như Nervilia… Cho nên đôi khi ta thấy hoa Lan xuất hiện trơ trọi trên mặt đất. Sau khi hoa tàn thì lá mới hiện diện, vì vậy việc thu mẫu ở nhóm này rất khó khăn.

Phát triển cọng trụ ở Địa Lan.
Phát triển cọng trụ ở Địa Lan.

Phát triển cọng trụ ở Địa Lan.
Phát triển cọng trụ ở Địa Lan.

Một số Địa Lan khác có sự phát triển cọng trụ không đều. Chúng có một thân bò mà phần đầu của nó sau một thời gian sẽ mọc đứng lên, mang lá và ra hoa ở ngọn. Phần bò bấy giờ thường cho ra những nhánh ở gần gốc của phần đứng ấy, và cứ tiếp tục như vậy làm cho nó lan ra trên mặt đất. Đó là trường hợp của Anoectochilus, Ludisia…

Phát triển độc trụ: Lan đơn thân (Monopodial orchid).

Hoàn toàn trái ngược với sự phát triển trên, ở nhóm lan này ngọn của thân luôn luôn phát triển về phía đỉnh, tạo ra một thân cây cứ mọc cao lên mãi. Thân cây cũng có hai hàng lá hai bên. Các lá có thể mọc thưa cách xa nhau, lúc đó ta thấy thân cây với các lóng rõ rệt như ở Staurochilus, Renanthera, Arachnis… Hoặc các lá mọc gần, xếp chồng sát nhau, che khuất thân cây như ở Phalaenopsis, Doritis, Kingidium, Rhynchostylis… Phát hoa mọc ra từ nách lá dọc thân chứ không bao giờ ở tận ngọn. Các lá cứ thay phiên nhau mọc ra bên này rồi bên kia thân làm cho cây Lan gia tăng chiều cao lên mãi. Sự phát triển chỉ ngừng khi đỉnh ngọn bị tổn thương. Lúc đó ở bên dưới, chồi bên ở nách lá sẽ mọc dài ra thành nhánh mới, tiếp tục mọc lên cao. Hoặc đôi khi ở cây sung mạnh một vài chồi bên ở nách lá của nó sẽ phát triển ra những cành lan con. Các cành này cũng phát triển không giới hạn về phía đỉnh cùng với cành chính. Dọc theo thân và cành thường có các rễ dài. Rễ cũng xẻ bẹ lá mà chui ra, khi gặp vật gì gần thì chúng bám vào đấy để chống đỡ cho cây Lan mọc lên cao.

Phát triển độc trụ ở phong lan.
Phát triển độc trụ ở phong lan.

NƠI SỐNG CỦA LAN RỪNG.

Cây lan hoặc sống ở đất gọi là Địa Lan hoặc sống trên cây gọi là phong lan hoặc sống ở trên đá gọi là thạch lan. Thật ra nhóm thạch lan không ổn định: có lúc đấy chính là các loài phong lan (thường sống trên cây) lại sống bám ở vách đá hay mặt đá cùng với rêu và dương xỉ, có lúc đấy chính là các loài Địa Lan lại sống ở mặt đá, kẽ đá, hốc đá đầy rác mục ẩm ướt. Cho nên thường chúng ta chỉ thấy đề cập đến phong lan và Địa Lan mà thôi. Hơn nữa chúng ta cũng chỉ có 2 kiểu trồng cho các cây thạch lan: hoặc theo phương pháp trồng phong lan hoặc theo phương pháp trồng Địa Lan chứ không có cách trồng đặc biệt nào khác cho nhóm lan này.

PHONG LAN.

Đa số lan rừng vùng nhiệt đới của chúng ta là phong lan. Chúng sống bám trên các cây cao. Đó là những cây phụ sinh (bì sinh) chứ không phải là cây ký sinh. Rễ của chúng chỉ bám vào bề mặt của vỏ cây chứ không có vòi hút chui vào trong mô cây gỗ để lấy thức ăn có sẵn như các cây chùm gởi, ký sinh. Vì vậy khi tách cây Lan ra khỏi thân, cành cây mà chúng bám thì chúng ta vẫn trồng chúng sống được. Rễ cây phong lan chỉ bám vào bề mặt của cây gỗ mà cây Lan vẫn sống tươi tốt là nhờ cấu tạo rễ đặc biệt của chúng trong việc giữ nước và hấp thụ nước cùng các chất hòa tan khác. Rễ của các loài phong lan có màu trắng bạc lúc khô ráo, trừ đầu rễ có một lớp nhầy ướt bao quanh và luôn luôn có màu lục, do chứa lục lạp, có khả năng quang hợp. Màu trắng bạc ấy của rễ lan là do một lớp đặc biệt gồm toàn những tế bào hấp thụ đã chết nằm ở mặt ngoài của rễ lan, gọi là lớp mạc (velamen). Lớp mạc này được sử dụng như lớp bông gòn hút nước. Chỉ cần bị ẩm ướt ở một điểm thì sự ẩm ướt ấy có thể lan ra khắp bề mặt của rễ lan và lúc ấy màu trắng bạc của rễ lan sẽ trở thành màu lục nhạt. Nhờ lớp mạc này mà nước (nước mưa, sương đọng…) được giữ lại và đi vào bên trong cho cây Lan sử dụng.

Tùy theo đặc điểm của rễ, người ta có thể chia các cây Lan phụ sinh này ra 2 nhóm: phong lan và bán phong lan.

Phong lan (Epiphytic orchid).

Đây là những cây Lan sống bám trên cây cao, có rễ không những ở gốc mà còn xuất hiện dọc theo chiều dài của thân cây Lan. Các rễ dọc thân ấy gọi là rễ gió hay rễ không khí. Các rễ này không trốn ánh sáng mà mọc về mọi hướng, bám vào bất kỳ vật gì ở chung quanh để giúp cây Lan đứng vững mà mọc lên cao. Các rễ này thường to, mập, có nhiệm vụ chống đỡ cho cây Lan nhưng cũng có thể biến thành rễ dinh dưỡng để tìm kiếm thức ăn cho cây. Vì vậy mà một số rễ gió ấy sẽ mọc chui vào các đám rêu, dương xỉ bám ở vỏ cây hay chui vào trong các hốc cây có lá mục. Tại đấy chúng sẽ chia nhánh rất nhiều. Và một khi chúng đã ở trong khối lá mục hay chất trồng thì màu trắng bạc trở thành màu vàng ngà và bề mặt của rễ cũng trở nên sần sùi không đều giúp gia tăng bề mặt tiếp xúc để lấy thức ăn.

Rễ gió thường trở nên quan trọng đối với nhóm lan này nên lắm lúc ta thấy toàn cây Lan nằm treo lơ lửng với các rễ gió từ thân lan bám vào cành cây mà thôi. Hầu hết chúng là lan đơn thân như Arachnis, Renanthera, Aerides…

Bán phong lan (Semi-epiphytic orchid).

Đây cũng là những cây Lan sống bám trên cây gỗ nhưng rễ thường chỉ tập trung ở gốc của giả hành. Rễ thường nhỏ nhưng lại rất nhiều, chằng chịt như rễ tre. Chúng bám chắc vào bề mặt vỏ cây, len lỏi vào trong các kẽ nứt của vỏ cây hay chui vào các đám rêu, dương xỉ ở dọc thân cây. Vì không có rễ gió như nhóm phong lan kia nên luôn luôn chúng phải cần có vật để bám ở gốc. Chúng hầu hết là lan đa thân như Dendrobium, Bulbophyllum, Eria, Coelogygne…

Việc phân biệt ra 2 nhóm phong lan như trên thường có giá trị thực tiễn trong việc nuôi trồng: nhóm phong lan có rễ gió cần sự thông thoáng nên có thể trồng treo không có chất trồng hoặc trồng trong chậu nhiều lỗ thoáng với chất trồng to, thoáng. Trái lại nhóm bán phong lan luôn luôn phải có vật bám hoặc chất trồng ít thông thoáng hơn như than vụn nhỏ, dớn, dương xỉ, xơ dừa…

ĐỊA LAN.

Danh từ Địa Lan được dùng để chỉ cho tất cả các cây Lan sống ở đất. Tuy số loài Địa Lan ở nước ta ít phong phú hơn phong lan nhưng lại rất đa dạng mà ta có thể chia ra 2 nhóm: Địa Lan và bán Địa Lan.

Bán Địa Lan (Semi-terrestrial Orchid).

Đây là các Địa Lan có giả hành nằm ngay trên mặt đất hay rác mục. Thân của chúng có thể cao lỏng khỏng, mọc chụm lại thành từng bụi dạng như cỏ sậy. Đấy là trường hợp Arundina (trúc lan), Bromheadia… Hoặc giả hành phù mập dạng củ, có màu lục với các bẹ lá hay sẹo lá ở quanh thân củ ấy, nhất là phía đáy. Các chồi bên và chồi ngọn sẽ cho ra chồi hoa. Cây mới sẽ được tạo lập từ các chồi bên của thân củ ấy như ta đã đề cập ở phần cách thức phát triển cọng trụ ở cây Lan. Đó là trường hợp của Calanthe, Cymbidium, Phajus…

Một số Địa Lan khác có thân không phù mập dạng củ mà chỉ mọng nước. Thân ấy bò lan trên các đám lá mục rã ẩm ướt dưới tán rừng, len lỏi trong các hốc cây, kẽ đá. Phần cuối của các thân bò ấy sẽ mọc đứng lên, mang lá và ra hoa ở ngọn. Phần bò nằm cũng có các mắt, tại đấy có các chùm rễ và các chồi bên. Nhưng các chồi bên ở ngay gốc phần đứng mới phát triển mạnh nhất. Các chồi này sẽ mọc bò lan một đoạn trước khi mọc đứng lên, mang lá và ra hoa ở ngọn. Các cây Lan này như thể có rễ chỉ bám vào phần mục rã trên mặt đất cho nên khi sưu tập, ta chỉ cần nhấc chúng lên là chúng rời khỏi khôi lá mục một cách dễ dàng. Vì vậy việc trồng các Địa Lan này cũng tương đối dễ, với chất trồng tương đối tơi xốp, thông thoáng.

Một nhóm bán Địa Lan khác cũng sống trên các phần rã mục dưới tán rừng, chúng có lá to xếp hai bên thân. Thân không phù mập cũng không mọng nước, rất ngắn và bị che khuất trong các bẹ lá ấy. Ở đáy cây mang một chùm nhiều rễ to, mập, dài. Chúng trông tựa như lan đơn thân nhưng lại có hoa ở đỉnh ngọn, giữa thân. Các chồi ở nách các bẹ lá ở đáy thân sẽ phát triển thành các cây Lan mới theo kiểu cọng trụ. Đó là trường hợp các cây Lan hài Paphiopedilum. Có lúc chúng bám ở vách núi trong các hốc chứa đầy rác mục theo kiểu thạch lan.

Tất cả các bán Địa Lan này có thể có lá tàn rụi vào mùa khô như Calanthe hay lá kém phát triển, héo rũ như ở Anoectochilus hoặc lá vẫn xanh tươi quanh năm như Paphiopedilum, Cymbidium… nhưng tất cả đều có hoa theo mùa.

Địa lan (Terrestrial orchid).

Đây là nhóm Địa Lan thật thụ. Chúng có củ hay thân dạng củ nằm dưới mặt đất.

Nhóm có thân củ nằm trong đất cũng có cách phát triển như nhóm bán Địa Lan có thân phù mập ở trên mặt đất, nhưng ở đây thân củ thường không có màu lục (vì nằm dưới mặt đất, không có ánh sáng) và thường có dạng hình xoan, hình trứng và cũng có các bẹ lá bọc thân củ ấy. Phần thân ló lên trên mặt đất mang lá là một thân giả hình trụ do các bẹ lá bọc lấy nhau mà tạo ra. Tất cả các phần trên mặt đất sẽ tàn rụi trong mùa khô, chỉ có thân củ là tồn tại ở dưới mặt đất. Các chồi nách ở thân củ nằm dưới đất sẽ phát triển ra hoa hay ra lá vào mùa mưa kế. Đấy là trường hợp của Eulophia, Geodorum. Ở đây chồi ra hoa và chồi ra lá là những chồi riêng biệt ở thân củ. Có thế chúng xuất hiện đồng thời ở trên mặt đất hoặc chồi hoa có trước rồi đến chồi lá phát triển sau hoặc ngược lại. Nhưng dù trước hay sau, tất cả các phần trên mặt đất ấy đều sẽ tàn rụi khi mùa khô đến, sau khi đã tạo thân củ mới ở dưới mặt đất. Khi mùa mưa đến các chồi ở thân củ mới ấy lại sẽ tiếp tục phát triển, ló lên khỏi mặt đất.

Một số Địa Lan khác lại tạo lập củ ở trong đất từ đáy gốc của một thân đứng ở trên mặt đất. Củ này không có bẹ bao như trường hợp trên. Thân đứng ấy có thể mang lá ở sát mặt đất hay tụ tập ở ngọn, hoặc mọc xen dọc thân. Sự mọc cao của thân chấm dứt khi ở ngọn mang một phát hoa. Thân lan ấy sẽ tích trữ dưỡng liệu về phía đáy gốc đế tạo ra củ mới nằm dưới mặt đất. Khi mùa khô đến, tất cả các phần trên mặt đất sẽ tàn rụi chỉ còn củ tồn tại, sống chậm dưới mặt đất. Khi mùa mưa đến, đỉnh củ mới sẽ nẩy chồi tạo ra thân lan mới, ló lên khỏi mặt đất. Tất cả chất dự trữ trong củ sẽ dồn cho việc nuôi cây vì vậy mà củ sẽ teo tóp lại và sẽ được thay thế bởi các củ mới được tạo lập dưới gốc của thân mới ấy. Thường thì 1 củ mới thay thế cho củ có trước, nhưng đôi khi cũng có thể có 2 – 3 củ mới được tạo ra từ một thân lan. Đấy là trường hợp của Habenaria, Peristylus…

Như vậy ở nhóm Địa Lan này có phần thân mang lá và phần mang hoa xuất phát từ những chồi riêng biệt là thân củ nằm trong đất, hoặc phần thân mang lá với phát hoa ở ngọn do xuất phát từ một chồi ở đỉnh củ nằm trong đất. Tất cả đều thuộc nhóm lan đa thân. Và tất cả các phần trên mặt đất đều tàn rụi trong mùa khô, chỉ có củ hoặc thân củ là tồn tại dưới mặt đất. Cho nên việc sưu tầm các loài Lan thuộc nhóm này thường rất gian nan vì chỉ thực hiện vào mùa mưa, khi ấy mới dễ dàng phát hiện ra chúng.

Vì là Địa Lan thật thụ sống trong đất, cho nên chất trồng của nhóm lan này ít tơi xốp hơn nhóm bán Địa Lan nên có thế cho đất vào chất trồng, nhưng tránh sự thối úng vào mùa mưa. Tưới phân, thuốc ở mùa mưa, nhưng vào mùa khô thì tuyệt đối không tưới tắm gì cả, để cho tất cả các phần ở trên mặt đất tàn rụi đi. Việc tạo lập hoa ở nhóm này chỉ có được sau khi trải qua mùa nghỉ. Nghĩa là cần một sự khô hạn khắt khe để cây cho hoa vào mùa mưa kế.

Lan Hoại Sinh (Saprophytic orchid).

Nằm trong nhóm Địa Lan này còn có một số loài Lan khác cũng có thân hay căn hành nằm trong đất. Chúng chỉ ló lên trên mặt đất vào mùa thuận lợi (thường là mùa mưa), với phần thân không có lá hay lá thu hẹp thành những vảy, thường có màu nâu vàng hay màu vàng đất. Vì không chứa lục lạp hoặc không có lá cho nên chúng không có khả năng quang hợp đế tạo carbohydrat cho nhu cầu phát triển của nó. Sự sống của nó hoàn toàn lệ thuộc vào chất carbohydrat do nấm cung cấp từ sự hủy hoại các chất hữu cơ có sẵn quanh cây Lan (lá mục, thân, rễ cây rừng mục nát). Nhưng bản thân các cây Lan này không thể tự hấp thụ carbohydrat ấy được mà phải nhờ đến các loài nấm có sẵn quanh rễ lan. Các nấm này hủy hoại lá mục, vỏ mục rồi hấp thụ các chất hữu cơ ấy vào trong các sợi nấm. Các sợi nấm xâm nhập vào trong các tế bào sống của rễ lan. Khi các tế bào rễ lan chứa đầy các sợi nấm thì chúng có khả năng tiêu hóa các sợi nấm để hấp thu các dưỡng chất có trong các sợi nấm ấy. Bằng con đường này, đời sống các cây Địa Lan này hoàn toàn lệ thuộc vào loài nấm đã cung cấp carbohydrat cho nó. Đấy là các lan hoại sinh mà đôi lần chúng ta gặp trong rừng như Aphyllorchis, Leucanorchis, Galeola… Chúng thường có hoa nhỏ với màu sắc không tươi đẹp cho nên ít ai nuôi trồng.

Trả lời

0988110300
chat-active-icon