Giới thiệu chung
Đã có rất nhiều bài, rất nhiều sách đều có chương riêng nói về vấn đề: Bonsai là gì? Nguồn gốc của Bonsai?. Thực ra, cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm thống nhất và được công nhận rộng rãi về Bonsai. Có rất nhiều quan niện, khái niệm, kiến thức về Bonsai trên nhiều trường phái khác nhau. Tuy nhiên dù định nghĩa theo bất cứ kiểu nào thì chúng ta cũng sẽ có một hình dung chung cho Bonsai: Đó là nghệ thuật chơi cây cảnh. Dưới đây là một số thông tin để mọi người cùng tham khảo.
Nếu dịch sát nghĩa nhất thì Bonsai có nghĩa là cây trồng trong khay. Chữ Bonsai thực ra mới chỉ xuất hiện trong ngôn ngữ Nhật Bản từ vài thế kỷ nay. Bonsai có nghĩa là cây cổ thụ thu nhỏ, mô phỏng, bắt chước theo thiên nhiên, chứ không bao hàm ý nghĩa là làm cho cây lùn một cách cưỡng ép hay cây lùn do sự lùn di truyền. Người Nhật ngày xưa hay được gọi là người lùn, ngày nay do các chương trình giáo dục, sự cải tiến dinh dưỡng, họ không còn lùn nữa, chiều cao trung bình của dân Nhật không hề thua kém các nước phương Tây, nhưng họ có khuynh hướng làm cái gì cũng đơn giản, nhỏ lại do hoàn cảnh địa lý (đất chật người đông), nhân mãn, không gian, đất đai hiếm… Bonsai mục đích là làm thiên nhiên thu nhỏ, và cũng vì nhu cầu thưởng ngoạn cây cảnh nhưng không có phương tiện, điều kiện thường xuyên tiếp xúc với thiên nhiên. Bậc thầy Zeko Nakamura, nghệ nhân Bonsai (bonsai artist, bonsai master, bonsai sensei) có đến hơn 1,000 cây bonsai trong sân sau, không cây nào cao quá 4 inches (15cm) (sau này các cây này được gọi là Shohin, hoặc nhỏ hơn nữa là Mame Bonsai)
Bonsai ngày xưa độc quyền là thú tiêu khiển của các nhà quyền lực, giàu có. Ngày nay, Bonsai được nhìn nhận là một bộ môn nghệ thuật, một thú vui nhàn nhã (không nhàn lắm ^^) cho đại chúng, nhất là ở các đô thị lớn, ít điều kiện gần gũi với thiên nhiên.
Bonsai một nghệ thuật sống
Sống về nghĩa đen lẫn cả nghĩa bóng. Cái khác giữa sự thưởng thức một cây cảnh thông thường và thưởng ngoạn Bonsai chính là trong cây cảnh thường thì người ta tập trung nhiều vào việc ngắm hoa & lá. Ở Bonsai, thưởng lãm thường nằm ở vẻ đẹp của tổng thể toàn cây, cũng như sự hòa điệu của cây với chậu cành. Bonsai được coi là nghệ thuật sống vì nó liên quan đến thực vật còn đang sống. Nó là một hình thức nghệ thuật về thị giác, cũng như nghệ thuật hội họa và nghệ thuật điêu khắc. Người họa sĩ đem vẻ đẹp của thắng cảnh, con người lên khung vải, khung tranh, phương tiện của họ là màu sắc cùng sự khéo léo tinh xảo của bàn tay. Người nghệ sĩ Bonsai cũng vậy, họ tái tạo thiên nhiên bằng cách thu nhỏ (minimize) lại nhưng chất liệu lại là cây thật, cũng sử dụng bàn tay khéo léo cộng với sự tưởng tượng phong phú. Kết quả là cả hai đều tạo ra tác phẩm từ sự sáng tạo.
Nhưng tác phẩm của họa sĩ dừng lại tại đó, bất di bất dịch. Tác phẩm của nghệ sĩ Bonsai vẫn chưa bao giờ là hoàn tất, vì nó là tác phẩm sống và luôn sinh trưởng. Vì thế tác phẩm Bonsai còn phải qua bao nhiêu thăng trầm, thử thách, cũng có thể tốt đẹp hơn hay cũng có thể xấu xí hơn về lâu về dài, miễn là nó vẫn phải còn sống. Tác phẩm Bonsai cũng vô giá vì nó là một trong các mục tiêu ưa thích của các nhà sưu tập. Truyền thống nước Nhật là các Bonsai nổi tiếng nhất đều thuộc các đại gia đình Võ Sĩ Đạo – Samurai và Daimyo (sứ quân) danh tiếng.
Mỗi cây Bonsai là một tác phẩm duy nhất (unique), không bao giờ có hai cây hoàn toàn giống nhau, kể cả chậu cũng vậy. Bonsai được yêu mến và còn được kính trọng vì vẻ cổ lão, tuổi tác của nó. Bonsai còn là gia bảo của các vua chúa, lãnh chúa, các võ sĩ đạo samurai thuộc các dòng họ lớn. Nhân dịp nước Hoa Kỳ kỷ niệm lễ Ðộc Lập 200 năm (Bicentenial), Hoàng gia Nhật đã gửi tặng bôj sưu tập Bonsai 53 cây, trong đó cây già nhất là Cây Thông Trắng Nhật Bản (Japanese white pine, Pinus parviflora) 350 tuổi và một cây Thông Đỏ Nhật Bản (Japanese Red Pine, Pinus densiflora) 180 tuổi, lần đầu tiên Bonsai Hoàng gia Nhật đi ra khỏi vườn Thượng Uyển và cũng là lần đầu tiên ra khỏi nước Nhật để làm quốc phẩm trên đất Mỹ.
Năm 1998, chính phủ Nhật lại bổ sung thêm 7 cây Bonsai nữa cho chẵn 60 cây. Bonsai nổi tiếng thì các nghệ sĩ Bonsai cũng nổi danh như các họa sĩ, điêu khắc gia trên quốc tế. Họ không chỉ tạo ra Bonsai mà còn tạo cho nó một đặc tính, một linh hồn. Bonsai không có linh hồn thì không còn là Bonsai. Dù mắc đến đâu, Bonsai cũng như một bức tranh, giá trị nó không nằm trong chất liệu nó được tạo ra, mà giá trị do nó mang lại là sự sảng khoái tâm hồn cho người ngắm nó.
Bonsai là cây được trồng trong thùng, chậu, khay, được cắt tỉa tạo dáng theo nhiều phương pháp đặc biệt, mang đầy đủ yếu tố thẩm mỹ cũng như ấn tượng thiên nhiên sẵn có, nói cách khác, Bonsai là một cây hay một nhóm cây trong thiên nhiên được thu nhỏ lại chỉ trong gang tấc nhưng vẫn giữ nét cổ thụ, được trồng trong chậu, khay hay trên đá, gỗ bằng nhiều kỹ thuật, và nghệ thuật riêng biệt. Vì thế người ta nói Bonsai là một bộ môn nghệ thuật, là một tác phẩm còn sống, hay là một tác phẩm điêu khắc sống.
Cái đẹp ở Bonsai là đơn giản, vừa đủ, hóa cách, mà quan trọng nhất là nó gợi ý, ám chỉ về một điều gì đó hơn là khẳng định. Người Nhật thường so sánh Bonsai với thể thơ cổ điển “Hai-Kai” của họ chỉ có 17 âm tiết diễn tả một cách cô động súc tích, ẩn tàng một tình cảm hay một trạng thái tinh thần dồi dào và mãnh liệt.
Cũng có quan niệm cho rằng cây cảnh Bonsai là một hình thái nghệ thuật đơn nhất vì nó là sự hòa hợp giữa nghệ thuật và nghề làm vườn. Cũng có người cho Bonsai là nghệ thuật của cái đẹp, có người thì nói Bonsai là một hình thức đặc trưng của nghề làm vườn.
Tóm lại tùy theo quan niệm, trong khi người này xem cây cảnh Bonsai như là một trong những lẽ sống đầy ý nghĩa thiêng liêng cao cả của tư tưởng, triết học, tôn giáo… thì người khác lại xem đó chỉ là một thú vui lúc nhàn rỗi, tiêu khiển giết thời gian lúc về già.