“Tưới từng nào nước thì đủ?” là câu hỏi mà bất kì ai chơi sen đá cũng đã đều tự hỏi. Bài viết này mình sẽ hướng dẫn các bạn cách tưới cho sen đá nói riêng hay các loại cây mọng nước nói chung sao cho đơn giản nhất.
Như các bạn cũng đã biết, thực vật mọng nước rất đa dạng, mỗi loại sẽ yêu cầu lượng nước khác nhau, do chúng có xuất xứ từ những vùng khí hậu khác nhau trên thế giới. Có những loại có thể chịu khô hạn trong suốt hàng tháng trời, nhưng có những loại chỉ chịu được vài tuần hay đôi khi vài ngày.
Nghe đến đây, chắc hẳn các bạn đều nghĩ rằng, sen đá rất khó tưới đúng không? Hơi thiếu nước một tí cũng không được, mà hơi thừa nước một tí cũng không xong. Nhưng đừng lo lắng, tôi sẽ chỉ cho bạn cách dễ nhất để tưới cho sen đá mà không lo cây bị thiếu nước hay thừa nước.
Thật ra, các loại sen đá chẳng có cây nào là yêu cầu một lượng nước cụ thể, độ ẩm không khí và độ thông thoáng của đất mới là những yếu tố chính quyết định việc bạn tưới bao nhiêu nước cho cây, còn việc tưới thế nào, tần suất là bao nhiêu cũng không quá quan trọng.
Việc sử dụng hỗn hợp đất trồng thông thoáng sẽ giúp cho không khí lưu thông trong đất tốt hơn, đất sẽ khô nhanh hơn từ đó bạn sẽ chẳng lo cây bị úng nước khi tưới quá nhiều. Ngoài ra, bạn nên sử dụng chậu đất nung để trồng sen đá, vì chậu đất nung có khả năng hút nước rất tốt, đó cũng là lý do có những bạn dám để cho cây tắm mưa rào mà không hề lo lắng.
“Mình có một chậu sen đỏ được trồng vào chậu đất nung cùng với hỗn hợp đất thoát nước tốt, trồng hoàn toàn ngoài trời không có mái che mưa, có lần mưa bão còn ngập cả chậu mà cây vẫn sống nhăn răng. Tuy nhiên tôi sẽ không khuyến khích bạn làm điều đó đâu nhé hehe.”
Vì vậy, trước khi tìm hiểu cách tưới nước cho sen đá, bạn nên tìm hiểu cách trộn hỗn hợp đất thoát nước tốt và tìm hiểu khí hậu, cụ thể là độ ẩm không khí nơi bạn đang sinh sống đã nhé.
À quên mất, mình sẽ nói qua một chút về độ ẩm không khí để bạn hiểu hơn. Độ ẩm từ 40% đến 70% là bình thường, dưới 40 % là quá khô, trên 70% là quá ẩm. Nếu độ ẩm quá cao, đất sẽ lâu khô và ngược lại độ ẩm thấp đất sẽ nhanh nhanh khô. Cách đơn giản nhất để bạn có thể biết được chính xác độ ẩm không khí nơi bạn đang sống đó là xem thời tiết, hoặc mua một chiếc ẩm kế về là xong. Ngoài ra, bạn cũng có thể cảm nhận được độ ẩm bằng bản năng tự nhiên. Ví dụ, nếu không khí hanh khô, mũi cũng sẽ bị khô hơn bình thường và da có thể nứt nẻ, nếu không khí nồm ẩm, rõ rệt nhất là mỗi khi mưa rào kéo dài, sàn nhà hay các đồ đạc sẽ hơi ướt, da của bạn cũng vậy. Những người bị bệnh xương khớp hoặc viêm xoang, dị ứng sẽ có những cảm nhận rõ rệt hơn về độ ẩm không khí.
Tôi rất mừng vì bạn vẫn còn ở đây và kiên nhẫn đọc đến dòng này. Điều đó chứng tỏ bạn đang rất quan tâm đến vấn đề mà chúng ta đang bàn luận hôm nay – cách tưới cho sen đá. Yên tâm vì không chỉ riêng mình bạn, bất kỳ ai yêu thích các loại cây mọng nước, ngay cả tôi cũng đã từng vật lộn với việc tưới nước và không dưới 10 cây đã phải chết dưới tay tôi. Đó chính là lý do tôi chia sẻ kinh nghiệm để những bạn yêu thích cây mọng nước sẽ không phải vật lộn tìm cách tươi giống như tôi. Bài viết này sẽ khá dài, các bạn hãy cố gắng đọc hết nhé!
Trước khi tìm hiểu việc tưới, tôi muốn nói với bạn một số vấn đề phổ biến mà mọi người thường gặp phải khi bắt đầu trồng sen đá. Nếu bạn có thể giải quyết vấn đề này, tôi tin rằng việc tưới nước không còn là điều khó khăn nữa.
Sử dụng chậu không có lỗ thoát nước
Trên thực tế, Sen đá hoàn toàn có thể sống trong những chậu không có lỗ thoát nước hoặc những bình terrarium, Nhưng bạn sẽ phải mất khá nhiều công sức và cần có kinh nghiệm mới có thể giữ được cây sống sót. Vì vậy, tôi khuyên bạn hãy bắt đầu trồng bằng những chậu có lỗ thoát nước tốt, đặc biệt nên sử dụng chậu đất nung.
Nếu bạn muốn trồng sen đá vào những chiếc cốc, hãy nhờ ai đó hoặc tự mình tìm cách khoan lỗ ở dưới đáy chậu, Đối với những bình thủy tinh, nên lót dưới đáy chậu một lớp sỏi, bổ sung thêm than hoạt tính giúp hút ẩm và hạn chế việc phát triển của các loại nấm mốc gây hại.
Đất không thoát nước tốt
Như tôi đã nói ở trên, việc chọn đất là một vấn đề lớn đối với bất kỳ loại cây nào đặc biệt là các loại cây mọng nước. Hãy đảm bảo rằng, đất của bạn thoát nước tốt để việc tưới tắm cho cây dễ dàng hơn.
Dùng bình xịt
Nhiều bạn nghĩ rằng, tưới nước là dùng bình xịt phun phun vào lá gọi là tưới, nhưng không phải, tưới nước là việc bạn phải giữ ẩm cho đất để rễ cây có thể phát triển. Vì thế, chúng ta không thể dùng bình xịt để làm ẩm cho đất được.
Nếu bạn đã hiểu được 3 vấn đề trên, bây giờ chúng ta đã có thể cùng nhau tìm hiểu về các phương pháp tưới được rồi.
TƯỚI NƯỚC CHO SEN ĐÁ VÀ CÁC LOẠI CÂY MỌNG NƯỚC
Dụng cụ tưới
- Bạn có thể dùng bất kì thứ gì chứa được nước như cái bát, cái cốc…
- Có thể sử dụng các loại bình tưới dành cho cây cảnh thông thường và vặn sang chế độ vòi tưới (không để chế độ phun sương)
- Sử dụng bình tưới có vòi dài chuyên dụng dành riêng cho Sen đá, Xương rồng.
Những lưu ý trước khi tưới
- Tránh tưới vào phần lá hoặc thân, nếu nước đọng trên lá và lâu khô, phần lá đó sẽ bị thối nhũn
- Không nên tưới vào những lúc thời tiết nồm ẩm hoặc nắng nóng
- Không tưới vào buổi trưa hoặc đầu chiều, thời gian tưới lý tưởng là vào buổi sáng
- Không dùng các loại bình xịt phun sương để tưới
- Không dùng nước lọc để tưới, nên tưới bằng nước máy hoặc nước mưa
Cách tưới
- Nếu dùng cốc, bạn đồ thằng nước vào vùng đất xung quanh chậu cây, Sao cho nước ngấm vừa đủ toàn bộ đất trong chậu mà không bị đọng trên lá.
- Nếu dùng các loại bình tưới dạng xịt, hãy vặn phần vòi của bình sang chế độ phun tia nước, sau đó phun nhẹ vào xung quanh đất, tránh phun mạnh vì nếu thế đất sẽ bắn tung toé ra ngoài. Tuy nhiên, loại bình tưới này sẽ to và nặng, khá vướng víu nếu bạn tưới những chậu sen đá nhỏ nhỏ.
- Tưới ngấm là một phương pháp đơn giản giúp bạn tránh tưới vào lá. Chỉ cần đặt cả chậu cây vào một xô nước, sao cho nước ngập 3/4 chậu cây, sau 1-2 phút để nước ngấm từ lỗ dưới đáy vào rễ thì đặt chậu cây ra ngoài cho ráo nước.
- Đối với bình tưới chuyên dụng, thì việc tưới khá dễ dàng. Do có vòi dài giúp định hướng dòng chảy của nước sát vào gốc, ngấm thẳng vào đất mà không lo đọng nước trên lá. Ngoài ra, vỏ bình còn hiển thị các mức thể tích nước, giúp bạn kiểm soát được lượng nước khi tưới, rất nhỏ nhẹ và tiện lợi.
Lượng nước
Không có lượng nước cố định, thông thường ban đầu các bạn nên tưới đến bao giờ nước thoát ra từ lỗ dưới đáy chậu thì dừng lại, các lần sau bạn có thể ước chừng lượng nước sao cho nước vẫn ngấm đủ toàn bộ đất mà không bị chảy ra từ lỗ thoát nước. Nếu đã sử dụng hỗn hợp đất cần nước tốt cùng với chậu đất nung thì bạn không cần quá lo về lượng nước, cứ tưới nhiều nhiều một chút cũng chẳng sao cả.
Bao lâu tưới 1 lần?
Mỗi loại cây mọng nước sẽ có khả năng chịu hạn khác nhau, có những loại một tháng bạn mới phải tưới một lần, nhưng có những loại thì gần như ngày nào bạn cũng phải tưới. Do còn phụ thuộc vào độ ẩm của không khí nên bạn hãy linh động một chút trong việc tưới nhé.
Có một phương pháp mà mình thường hay chỉ cho mọi người. Hãy tưới lần đầu tiên, sau đó không tưới nữa, quan sát biểu hiện của cây, thường thì cho tới khi nào lá hơi nhăn, nhìn không được căng mọng như lúc đầu, tức là cây đang thiếu nước. Lúc này bạn hãy bắt đầu tưới cho cây lần thứ hai, chỉ một vài lần như vậy là bạn đã quen với việc tưới rồi đó. Tức là bạn gần như chẳng cần chăm chút hay tưới tắm gì nhiều, chỉ cần quan sát thế là đủ.
- Nếu trồng sen đá ngoài trời, đất nhanh khô, lượng nước tưới sẽ yêu cầu nhiều hơn, có thể để cây tắm mưa thay cho việc tưới, tránh tắm mưa quá nhiều.
- Nếu trồng sen đá trong nhà, nên tưới ít hơn vì đất lâu khô. Tuy nhiên, nếu sử dụng điều hòa thường xuyên, độ ẩm không khí sẽ thấp, tức là bạn sẽ phải tưới nhiều hơn một chút.
- Ngoài ra, việc tươi thế nào khi đang nhân giống sen đá bằng lá cũng là một câu hỏi rất phổ biến. Bạn nên sử dụng hỗn hợp đất giữ ẩm tốt, vì điều kiện ẩm sẽ giúp rễ phát triển nhanh hơn, tức là bạn sẽ phải giữ ẩm cho đất thường xuyên hơn. Lúc này bạn có thể sử dụng bình phun sương, do lá cây có thể hấp thụ hơi nước từ không khí để kích thích rễ phát triển, tuy nhiên không nên để nước thành giọt đọng trên lá, gây thối lá.
Những biểu hiện
Sen đá và các loại cây mọng nước do trong thân của chúng trữ nước giúp cây có thể chịu hạn, chính vì vậy chúng ta có thể dễ dàng nhận biết khi cây bị thiếu hay thừa nước.
Thừa nước
Lá vàng và mềm nhũn. Nhiếu trường hợp cây bị úng và thối rễ, lá sẽ nhũn và có dịch màu nâu do bị vi khuẩn xâm nhập.
Thiếu nước
Lá nhăn, khô và héo dần, phần thân sẽ cằn cỗi.
Kết luận
Sau khi đọc bài viết này, bạn không cần quá cẩn thận và khắt khe trong việc tưới mà chỉ cần nhớ rằng:
- Chú ý tới đất trồng và chọn chậu phù hợp.
- Hiểu về khí hậu nơi bạn sinh sống.
- Nếu nhớ 2 điều trên thì việc tưới nước vô cùng đơn giản.
Cuối cùng, tôi mong rằng sau khi đọc bài chia sẻ này, các bạn có thể chăm sóc cho những chậu cây mọng nước của mình thật tốt và hơn cả, đó là giữ gìn tình yêu đối với cây cối.
Chia sẻ bởi NOTH Garden.