Có 2 cách nhân giống Địa Lan: Bằng củ và tách nhánh.
1. Nhân giống Địa Lan bằng củ.
– Địa lan – Cymbidium có 3 loại củ:
- Loại 1: Củ Địa Lan già trọc lá. Là chỗ dự trữ dinh dưỡng khi cần thiết. Loại củ này không còn cho bông hoặc ra cây con nếu còn trồng trong chậu.
- Loại 2: Củ Địa Lan già còn lá. Là củ sẽ có khả năng cho thêm chồi con hoặc ra bông.
- Loại 3: Củ Địa Lan non, cây non. Khi củ già loại 2 đâm chồi, tùy theo hormone của cây chính lúc đó để cho cây hoặc cho bông. Khoảng 1 năm hoặc hơn thì loại này mới có khả năng để trở thành loại 2.
- Cách ươm lại cây Địa Lan non từ củ già trọc lá loại 1. Củ Địa Lan già gọt rễ sạch sẽ, bóc hết lớp vỏ khô để cái củ trọc lóc. Rửa nước sạch sẽ bỏ. Để ở chỗ có ánh sáng và ấm áp. Khoảng 2 tháng, nó sẽ nảy mầm. Khoảng 1 tháng nữa (tổng cộng khoảng 3 tháng) khi nó bắt đầu nảy rễ thì đem nó trồng vào chậu.
Nhân giống Địa Lan: Rửa sạch và bỏ vào bịch nylon.
Nhân giống Địa Lan: Mắt mới bắt đầu bung, mầm mới sẽ mọc.
Nhân giống Địa Lan: Củ ra mầm mới.
Nhân giống Địa Lan: Ra mầm mới, khoảng 2 tháng.
Nhân giống Địa Lan: Mầm mới đã phát triển được 3 tháng.
Trồng cây vào chậu.
2. Nhân giống Địa Lan bằng tách nhánh.
– Thời điểm tách nhánh cây Địa Lan.
- Xưa các cụ có câu “Cửu nguyệt phân lan”, theo cách hiểu thông thường nghĩa là tháng Chín (âm lịch) là thời điểm tách nhánh Địa Lan phù hợp nhất. Có thể giải thích nôm na rằng: vào thời điểm này, mầm mới của cây Địa Lan đã phát triển hoàn thiện, củ Địa Lan đã hình thành, lá đã phân chia đầy đủ và tích lũy dinh dưỡng chuẩn bị cho hoa. Cây bắt đầu vào mùa nghỉ.
- Một lợi điểm nữa của việc tách nhánh Địa Lan vào tháng Chín, đó là, tách nhánh vào lúc này, tỉ lệ ra hoa thấp, cây sẽ phát triển mầm cao hơn, do đó, đối với mục đích nhân giống nhanh, ta sẽ có thể có củ Địa Lan sinh sôi nảy nở 2 lần trong 1 năm. Tuy nhiên, ngược lại, phải chấp nhận bỏ chơi hoa trong lần tách chiết Địa Lan này.
- Mùa Xuân, sau khi hoa Địa Lan đã tàn cũng là thời điểm tách nhánh cây Địa Lan thích hợp nhất. Mùa này vạn vật thăng hoa, cây cối đâm chồi nảy lộc nên tỉ lệ cây tách nhánh sống sót rất cao.
Bước 1: Chuẩn bị nguồn giống Địa Lan.
Ở đây chúng ta có thể tách nhánh Địa Lan từ các chậu lan đã sinh trưởng mà số lượng nhánh trong chậu quá chật chội ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển nên những chậu này cần được tách nhánh phân chia chậu hoặc các khóm Địa Lan mới thu thập hoặc những cụm lan mới mua về.
Chậu Địa Lan và các khóm lan đủ tiêu chuẩn tách nhánh.
Bước 2: Chuẩn bị giá thể và chậu trồng Địa Lan.
– Yêu cầu đối với chậu trồng Địa Lan cần đảm bảo một số yếu tố:
- Phù hợp: chậu trồng cây gì thì phải phù hợp với dạng cây đó, sao cho cân đối hài hòa với tổng thể cây trồng. Chậu trồng cây cũng phải phù hợp với diện tích vườn lan, không nên lựa chọn chậu quá to trong khi diện tích quá nhỏ, không nên dùng chậu quá to để trồng một khóm lan nhỏ,….
- Tính thẩm mỹ: Vẻ đẹp của cây Địa Lan được thể hiện cả ở dáng cây, dáng lá, hình thái hoa và hương thơm. Chính vì thế, chậu trồng nó cũng cần phải được đảm bảo sao cho tôn vinh vẻ đẹp của cây Địa Lan thêm bội phần.
- Đảm bảo cho sự phát triển của cây: Chậu gì thì cũng phải đảm bảo độ thoát nước, và chứa đủ giá thể để cho cây Địa Lan có thể phát triển một cách tốt nhất. Nếu chậu có lỗ thoát nước nhỏ, có thể khoan thêm lỗ dưới đáy chậu hoặc thành chậu để nước có thể thoát dễ dàng sau khi tưới, tránh gây úng cho cây Địa Lan.
- Các yếu tố khác: Tùy theo mục đích của việc trồng Địa Lan mà lựa chọn loại chậu trồng sao cho phù hợp, trồng Địa Lan thương mại thì nên chọn chậu có giá thành vừa phải, hợp lý, trồng Địa Lan thưởng thức có thể lựa chọn các loại chậu thật đẹp….
Các loại chậu phù hợp cho việc trồng Địa Lan.
– Giá thể trồng Địa Lan:
- Địa lan có thể trồng bằng rất nhiều loại giá thể khác nhau như đất cục, xỉ than, than củi, trấu, đá, vỏ lạc, vỏ thông, dớn cọng, dớn mềm,…Tuy nhiên, giá thể trồng Địa Lan phải đảm bảo yêu cầu sao cho luôn “ẩm nhưng không được ướt” là nguyên tắc quan trọng nhất. Ngoài ra, chọn loại giá thể gì để trồng Địa Lan cần phù hợp với khí hậu vườn lan của mình. Dưới đây xin giới thiệu cách trồng sử dụng đất cục theo cách truyền thống.
- Đất trồng Địa Lan phải là loại đất bùn ao, đất sú, đã phơi khô nỏ qua nhiều nắng, phơi được càng lâu càng tốt. Yêu cầu của đất trồng Địa Lan phải không được phân rã khi gặp nước tưới. Muốn biết đất có dùng để trồng Địa Lan được hay không, có thể chặt ra 1 cục nhỏ cỡ đầu ngón tay, ngâm vào nước vài giờ, nếu đất không bị phân rã ra là được.
- Nếu công phu hơn thì cần phải luyện đất, hãy luyện theo cách “Cửu tẩm, cửu trưng” (chín lần tẩm, chín lần phơi) của các cụ, có nghĩa là đất bùn ao sau khi lấy về phơi nỏ, đập nát ra, nhào trộn với lông lợn, tóc rối…đóng bánh, phơi khô cho cứng lại, tiếp tục tẩm nước ốc, nước hến, nước giải pha loãng….cứ tẩm rồi lại phơi đủ chín lần là dùng được.
- Tuy nhiên, trong điều kiện cuộc sống đô thị ngày nay, khó có thể làm được theo phương pháp này, thường dùng đất bùn ao đã luyện 1 – 2 lần, phơi nỏ 1-2 năm là dùng được.
Các loại giá thể trồng Địa Lan.
Bước 3: Tiến hành tách nhánh.
- Hơi nghiêng chậu, dùng tay vỗ mạnh xung quanh thành chậu cho chất trồng bong ra khỏi thành chậu.
- Khi bộ rễ đã long ra khỏi chậu và chất trồng thì nhẹ nhành rút cả cụm lan ra khỏi chậu.
Nghiêng chậu Địa Lan để lấy chúng ra khỏi chậu.
- Dùng kéo nhọn, cắt bỏ các rễ đã hư thối, cắt sâu vào phần đã thối 3 – 4 cm, cố gắng giữ lại các rễ vẫn còn tươi, tiến hành bôi vôi vào các vết cắt để hạn chế sự xâm nhập của nấm bệnh.
- Nếu chất trồng bị nấm trắng hoặc có mùi mốc thì trước hết cần phải rửa sơ bộ rễ của cây, tuyệt đối không được rửa quá sạch vì điều đó sẽ làm mất vi khuẩn cộng sinh trên rễ Địa Lan.
- Xác định hướng phát triển của cây để tách nhánh, thường tách mỗi cụm lan 3 đơn vị để cây có thể phát triển mạnh nhất, tuy nhiên, nếu muốn nhân giống Địa Lan nhanh có thể tách rời từng thân một, với điều kiện các thân một tách rời phải hoàn toàn khỏe mạnh, không sâu bệnh và còn rễ sống.
Các nhánh lan đã được tách.
Bước 4: Trồng các nhánh Địa Lan đã tách vào chậu mới.
- Cây Địa Lan tách nhánh sau khi xử lý và hong khô cho se vết cắt, đem ra trồng lại.
- Chậu trồng Địa Lan, nếu là chậu dùng lại thì nên rửa sạch bằng xà phòng, để ráo. Nếu trồng bằng chậu đất nung hoặc chậu gốm thì nên ngâm nước trong 1 ngày rồi mới đem ra trồng để tránh việc chậu đất nung hoặc gốm khô hút nước ngược từ giá thể, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây Địa Lan.
- Lót dưới đáy chậu khoảng 1/4 chiều cao chậu là lõi xỉ than, hoặc than củi to, hoặc mút xốp, hoặc vỏ ốc,….chú ý không được bít vào lỗ thoát nước của chậu, nếu lỗ thoát nước của chậu nhỏ quá có thể khoan rộng ra và khoan thêm lỗ bên đáy và 2 bên hông.
- Dùng dao chặt nhỏ đất cục ra cỡ bao diêm, xếp đất vào chậu theo thứ tự to trước, nhỏ sau, và đất to được xếp sát xung quanh thành chậu lên sát mép chậu.
Chất trồng Địa Lan được cho vào chậu.
- Đặt khóm Địa Lan vào chính giữa chậu, chú ý hướng phát triển của khóm Địa Lan quay ra thành chậu.
- Nếu trồng nhiều nhánh nhỏ trong 1 chậu để có được 1 chậu lan xum xuê thì khi đặt Địa Lan vào chậu nên cố định cho từng khóm nhỏ hoặc từng nhánh Địa Lan bằng cách cắm que tre, và cột nhánh lan vào que đó, phân bố đều các khóm lan trên mặt chậu.
- Nếu khóm Địa Lan có nhiều rễ thì chỉ cần gác 1 chiếc que nhỏ ngang miệng chậu, đặt khóm Địa Lan lên trên chiếc que rồi cho giá thể trồng vào giữa là cây có thể đứng vững. Hoặc có thể dùng 1 cục đất dài, cho đặt khóm Địa Lan ngồi lên trên cục đất và xếp giá thể nhỏ xung quanh.
Đặt nhánh Địa Lan vào giữa chậu.
- Cho đất nhỏ cỡ 1/2 – 1/4 bao diêm chèn nhẹ nhàng xung quanh bộ rễ của khóm Địa Lan từ dưới lên trên, sau mỗi lớp đất vừa xếp, cho thêm 1 lớp mỏng chất mùn (dớn cọng vụn nát, trấu ủ phân chuồng hoai mục, mùn dừa,….), cứ như thế cho đến khi ngập dần lên gần gốc Địa Lan.
Nhánh Địa Lan đã cho đất và giá thể vào trong chậu.
- Phủ một lớp rêu lên trên bề mặt chậu, nhằm tạo điều kiện chất trồng giữ được ẩm và cây sinh trưởng phát triển tốt.
Chậu Địa Lan đã được phủ một lớp rêu giữ ẩm.