Bởi lỡ say đắm với huyền thoại Troh Bư được biết đến với vùng đất đẹp như tranh, người đàn ông Ban Mê đã dốc hết tâm huyết của mình để nơi đây trở thành một ”bảo tàng lan rừng” khổng lồ, biến nó thành một ”không gian Tây Nguyên thu nhỏ” ngay giữa thiên nhiên.
Rẫy hoang thành khu bảo tồn Lan rừng
Anh Đỗ Tuấn Hưng, người vốn có chuyên môn về ngành kinh tế nông nghiệp, sau khi tốt nghiệp đại học lại quyết theo nghề lâm nghiệp của cha mình. Tuy nhiên với sở thích làm vườn của mình, anh đã biến khu đất hoang tại buôn Niêng 3, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn (Đák Lắk) xưa dần trở thành khu sinh thái vô cùng hấp dẫn.
Theo lời anh Hưng nhớ và kể lại: “Có được khu đất 2 ha mà có rừng, thung lũng, suối xung quanh là cơ duyên cho anh. Ban đầu khu vực này là rẫy hoang và một số ít đất trồng lúa. Nhìn mảnh đất đã gắn với huyền thoại đẹp của người đồng bào bản địa nhưng đang trong cảnh xác xơ vì bỏ phí nên tiếc lắm”. Bởi vậy, anh vẫn luôn tranh thủ thời gian rảnh để cải tạo lại vườn, trồng cây ăn quả và cà phê mặc dù vẫn đang làm việc cho một cơ quan Nhà nước.
Cây rừng mọc bao quanh thung lũng, trái cây cũng sắp đến mùa thu hoạch. Anh vô cùng thích thú khi thấy trên những thân cây rừng xuất hiện những nhánh lan đẹp, cùng với đó là sở thích chơi lan có sẵn, anh quyết định sưu tầm thêm các loại lan rừng về gây thêm giống.
Khu rừng ngày càng phát triển tươi tốt, lan rừng cũng sinh trưởng thành nhiều quần thể lan phong phú. Anh đã quyết định chặt bỏ hết cây ăn trái và cà phê để khu đất rừng phát triển tạo môi trường sinh sản tự nhiên cho lan rừng.
Anh sưu tầm thêm nhiều loại lan bằng cách lặn lội vào rừng York Đôn và các địa phương, nhờ cả bạn bè, người thân tìm và giới thiệu thêm những giống lan đẹp để về nuổi trên thân cây. Những người chơi lan đều trầm trồ khi nhìn thấy khu vườn với hàng trăm loại lan rừng tự nhiên khi được đến thăm nơi đây. Họ gọi nó bằng tên ” bảo tàng lan rừng” (hay khu bảo tồn lan rừng).
Giờ đây vào Troh Bư, ta sẽ như thấy một khu rừng tràn ngập cơ man nào là lan khi đi dọc theo những con đường nhỏ xung quanh vườn. Có những mần lan nhỏ bé mới nảy mầm, những nhánh dài ôm lấy thân cây gốc, loài thì đang khoe sắc đón xuân, loài chờ mùa ong đi lấy mật…
Với khoảng 200 loại lan, nổi bất nhất ở đây có lẽ là Giáng hương (nhạn sóc Lào) mang đặc trưng của rừng Buôn Đôn, Ea Súp; với các giống lan quý như Nghinh Xuân, Thủy tiên trắng, Quế lan hương… nơi đây chắc hẳn tập trung đủ những giống lan quý của vùng Tây Nguyên.
Các loài Lan ở đây nở quanh năm, giống như một lập trình hoàn hảo của thiên nhiên khi mà mùa nào thì lan ấy: tháng 3 với Thủy tiên trắng cùng Long tu vàng rực, tháng 4 với Giả hạc tím mộng mơ, còn mỗi dịp tết đến xuân về thì không thể thiếu được Nghinh xuân khoe sắc.
Theo chia sẻ của anh Hưng, hoa Lan vốn là loài khó tính, để nảy mầm thì phải có nấm cộng sinh, và chỉ có được vài cây sống sót trong số hàng ngàn cây nảy mầm. Chính vì vậy mà anh phải vô cùng nghiêm ngặt trong công tác bảo vệ và hạn chế tác động vào khu vườn để hoa Lan sinh sản được tự nhiên nhất, quần thể được phát triển. Anh tin rằng với niềm đam mê và công sức bỏ ra, trong thời gian ngắn nữa vườn lan của anh sẽ trở thành ”Ngũ bách lan viên” (vườn lan 500 loại). Và bảo tàng lan sẽ là một trong những điểm đến của những người chơi lan khi có dịp đến khu sinh thái Troh Bư để phục vụ nhu cầu tham quan và nghiên cứu.
Ngoài ra, anh còn định sẽ đặt hàng các viện nghiên cứu cấy mô nhân giống lan phục vụ khách tham quan. Du khách khi đến thăm có thể ngắm nhìn thỏa sức, tự tay làm một giỏ lan theo ý thích cho riêng mình hoặc đem tặng. Với việc lấy lan rừng tự nhiên làm điểm nhấn cho khu du lịch sinh thái tại Dak Lak này, có thể nói đây là một sự sáng tạo, một hướng đi mới mẻ và đầy hứa hẹn trong tương lai.
Giữ hồn Tây Nguyên cho mai sau
Thủy tiên với vẻ đẹp rực rỡ, kiều diễm là loài Lan anh Hưng thích nhất trong số hàng trăm loài anh sưu tầm. Nhưng điều khiến anh trân trọng loài Lan nhất lại chính là triết lý sống đẹp đẽ với cốt cách như người quân tử của nó: sống trên thân cây nhưng ăn gió, uống sương để ra hoa.
Để tạo thành một ”không gian Tây Nguyên thu nhỏ” bên cạnh khu bảo tồn lan rừng, anh đã bố trí những tiểu cảnh, khu vực khác nhau trong khuôn viên khu vườn của mình. Cuối khu vườn là ngôi nhà nhỏ với kiến trúc phương Tây được trang trí gỗ lũa và lan rừng các loại xung quanh giúp khách tham quan như trở về quá khứ với những biệt thự của chủ đồn điền cà phê tại Buôn Ma Thuột thời kỳ Pháp thuộc. Còn lại là phía bên kia ngôi nhà truyền thống người Êde bản địa sinh sống với Gah (khu tiếp khách), ôk (khu bếp và giường ngủ), Kpan (ghế đáng chiêng) cùng cầu thang.
Các vật dụng như: gùi, mõ trâu, tổ chim ròng rọc, xoay tơ… đều thể hiện được những nét độc đáo trong văn hóa, sinh hoạt của người dân Êđê cũng được chủ khu vườn trưng bày.
Với chiều dài 9 mét, rộng 1,75 mét của chiếc thuyền độc mộc (đặc trưng của người Êđê, Lào vùng Buôn Đôn) được xem như báu vật vô giá với anh. Được tìm thấy ở phía Tây Dak Lak, tạo bởi cố nghệ nhân Nay Nen Lào – đệ nhất đẽo thuyền độc mộc tại Buôn Đôn, dùng cây gỗ sao đẽo trong vòng 6 tháng trời, và được hoàn thành năm 1998, nó được coi là chiếc thuyền độc mộc lớn nhất cho đến nay và đã được anh Hưng phát hiện ra rồi đem về Troh Bư 3 năm trước. Dù được người chơi đồ cổ đổi với chiếc xe hơi trị giá 200 triệu đồng nhưng anh cũng không đồng ý. Nó như chiếc đàn khổng lồ anh tạo thành từ những viên đá lớn vác từ lòng suối về, với âm thanh khi gõ như tiếng gọi tha thiết từ đại ngàn.
Tất cả những vật dụng anh đem về và sắp xếp tại nơi đây đều chứa đựng sự trân trọng trong đó để hình thành nên một bảo tàng về Tây Nguyên, tái hiện lại quá trình lịch sử của vùng đất này. Mỗi cuối tuần, anh đều dồn tâm trí vào những cành lan rừng và chăm chút đến từng tiểu cảnh nơi Troh Bư để ngày càng hoàn thiện và biến không gian thân yêu của mình thành khu sinh thái, văn hóa nổi bật.
Với không gian du lịch đang ngày càng hoàn thiện và phát triển này đây, khách du lịch sẽ được tận hưởng không gian nên thơ của thiên nhiên với khu rừng xanh tươi, rừng lan tuyệt đẹp, tiếng suối chảy róc rách, còn được tiếp xúc với những người dân bản địa Êđê để khám phá về hành trình làm ra cà phê, cùng với đó là những nét văn hóa độc đáo thú vị, những món ăn đầm đà bản sắc Tây Nguyên nữa.
Mọi người cho rằng anh Đỗ Tuấn Hưng xây dựng Troh Bư chỉ nhằm kiếm tiền từ du lịch, nhưng anh chỉ cười và nói: ” Mong muốn lớn nhất là giữ lại cái hồn Tây Nguyên cho mai sau”.n
Huyền thoại Troh Bư
Xa xưa, tại vùng đất nọ bị Giàng làm cho khô hạn, không có nổi một giọt mưa suốt mấy năm liền, đất đai nứt nẻ, nước uống khan hiếm. Lương thực cạn kiệt dần, mọi người phải chia nhau vào rừng tìm lương thực, rau củ mưu sinh, rồi đến cả rau củ cũng cạn dần, chim chóc kéo nhau rời đi khiến con người ngày càng khốn khổ,
Dù cho già làng có cúng tế biết bao lễ vật đi nữa thì Giàng cũng chẳng hề thương xót mà ban mưa. Cả làng bèn khăn gói kéo nhau đến vùng đất mới, dù đã qua nhiều ngày vầ họ cũng đã cách khá xa nơi ở cũ, nhưng xung quanh cũng chỉ toàn xác xơ cây cối khiến tất cả chán nản và vô cùng mệt mỏi.
Vào một buổi sáng, bỗng dưng trước mắt họ hiện ra một vùng đất có cây cối, đó là một khu rừng đất đai màu mỡ, cây cối tươi xanh. Dừng chân bên con suối nhỏ cạnh thung lũng nhiều nước, họ phát hiện có rất nhiều cá lóc bên trong thung lũng và cùng nhau đắp bờ tát cá. Nhưng dân làng rất lấy làm lạ bởi khi nước cạn thì cá lóc như từ dưới lòng đất chui lên, bắt mãi mà không hết. Ngày hôm sau cũng vậy, cá trong thung lũng vẫn là nguồn sống của dân làng.
Mọi người đều ưng bụng với vùng đất mới này và không muốn đi xa nữa. Họ phát hiện có nhiều nguồn nước mạch chảy tự nhiên quanh đó, con suối lớn giúp cho việc lập buôn làng mới trở nên thuận lợi.
Nghĩ rằng được Giàng giúp đỡ, mọi người quyết định dừng chân nơi đây, cúng tạ và lập buôn làng mới. Buôn làng mới có tên là buôn Niêng, Ea Nuôl là dòng suối chảy qua buôn, Troh Bư là tên thung lũng đầy cá lóc ấy (theo tiếng Êđê có nghĩa là thung lũng cá lóc)…