Cả ngày làm việc trong văn phòng, hết nhìn máy tính thì lại nhìn vu vơ, không gian làm việc của bạn đang quá đơn điệu và bí bách thì một gợi ý thay đổi góc riêng ấy chính là cây thủy sinh để bàn. Không chỉ mang lại sự tươi mới, cây thủy sinh còn giúp điều hòa không khí và mang lại may mắn cho bạn nữa đó. Trong bài viết này chúng tôi sẽ giúp các bạn hiểu thêm về cây thủy sinh.
Cây thủy sinh dễ trồng và cần ít ánh sáng nên rất được ưa chuộng dùng làm cây cảnh trong nhà. Điểm nhấn cho không gian của bạn chính là bình cây thủy sinh, nó mang đến sự độc đáo, sự khác biệt.
Cây thủy sinh để bàn có lợi đối với sức khỏe con người như những loài cây trồng trong nhà khác. Có tác dụng hấp thu, hạn chế các chất độc hại thoát ra từ nội thất, thiết bị điện tử trong nhà, văn phòng. Nó còn giúp con người giảm stress, thư giãn đầu óc, cho tinh thần sảng khoái khi phải đối mặt với bộn bề công việc và lo toan.
Cây cảnh thủy sinh để bàn cũng có ý nghĩa nhất định về phong thủy. Trong thuyết phong thủy cây xanh thì mang lại sự trong lành còn nước mang lại tài lộc, vận may. Vì vậy, đặt cây thủy sinh trong nhà hay văn phòng sẽ mang lại may mắn cho chủ nhân của nó.
1. Cây tiên ông thuỷ sinh
Tiên ông thủy sinh là loại cây trong nhà có tính thẩm mỹ cao. Cây sẽ có bộ rễ trắng như cước, giống bộ râu của tiên ông trong truyền thuyết. Hoa của tiên ông thủy sinh có hình chuông 5 cánh mọc liên tiếp và nối vòng quanh trên một trụ hoa tạo thành một hình tháp dài 20 – 25 cm với màu sắc bắt mắt mang lại vẻ đẹp tươi mới cho không gian của bạn. Hoa tiên ông có nhiều màu cho bạn lựa chọn và mỗi màu sẽ phù hợp với mệnh hay tuổi khác nhau.
2. Cây phất lộc thủy sinh
Cây phất lộc thủy sinh được nhiều người lựa chọn vì sức sống mạnh mẽ và dễ dàng chăm sóc. Đây là một loại cây mang đến năng lượng dồi dào. Phất dụ có nhiều đốt rỗng nên theo phong thủy thì tinh thần của gia chủ cũng theo đó mà dễ lưu thông, tâm hồn được tự do. Dù trong điều kiện có khắc nghiệt nhưng cây vẫn sinh tồn mãnh liệt, giữ được dáng thẳng, hiên ngang thể hiện cho ý chí bền bỉ, cầu tiến trong công việc.
3. Cây trầu bà thủy sinh
Ít ai biết rằng loài cây này có nguồn gốc từ đảo Solomon của Indonesia, rất dễ sống dù trong bất kỳ môi trường khắc nghiệt nào. Cây thuộc lá đơn, họ thân leo, có loại lá đốm vàng xen kẽ, có loại xanh toàn phần. Được rất nhiều tín đồ công sở ưa chuộng vì trầu bà có khả năng hút được khí độc hại từ máy vi tính, lọc không khí rất tốt. Cây có ý nghĩa mang đến cho gia chủ sự thành đạt, bình an, may mắn.
4. Cây vạn lộc thủy sinh
Vạn lộc có nhiều màu sắc nổi bật như đỏ, hồng, cam… với viền lá màu xanh rất thích hợp với người mạng hỏa và mạng thổ giúp tương sinh cho gia chủ. Cây vạn lộc có lá cây dày, nổi gân, bóng, mọc thẳng đứng, tán phủ tròn. Cây có tên gọi, hình dáng, màu sắc đều vô cùng bắt mắt và tràn đầy năng lượng, cây vạn lộc thủy sinh có ý nghĩa mang lại tài lộc cho chủ nhân, rất phù với những bạn đang tìm cây để bàn mang lại may mắn.
5. Cây lan ý thủy sinh
Lan ý có thể trồng trong nước hoặc trong đất. Lan ý thủy sinh để bàn rất đẹp, chăm sóc không cầu kỳ, hình dáng cây nhẹ nhàng thích hợp với phái nữ. Cây có nghĩa mang lại may mắn, thuận lợi trong công việc khi đặt nó ở văn phòng.
Ngoài ra, lan ý còn là loại cây cảnh có khả năng hút khí độc và tia bức xạ phát ra từ các thiết bị điện tử trong nhà. Vì vậy, lan ý thủy sinh rất phù hợp để đặt trong nhà hay văn phòng để lọc sạch không khí và trang hoàng cho không gian của bạn thêm tươi mới, đầy sức sống.
6. Cây bách thủy tiên thủy sinh
Bách Thủy Tiên là loại cây ưa nước, ưa ẩm, dễ trồng, có tốc độ sinh trưởng nhanh. Cây có thể phát triển tốt ở những nơi thiếu ánh sáng hoặc đầy đủ ánh sáng. Theo các chuyên gia phong thủy, cây Lan nước còn mang đến niềm vui, may mắn, sự thịnh vượng cho gia chủ.
Vì là cây thủy sinh nên việc thay nước định kỳ cho cây để cây có thể sống và phát triển khỏe mạnh là rất quan trọng. Tùy vào từng loại cây, chúng có nhu cầu về nước và thời gian thay nước khác nhau. Ngoài ra, thay nước theo mùa cũng là một kinh nghiệm trong chăm sóc cây thủy sinh để bàn. Mùa hè bạn nên thay nước thường xuyên, khoảng 4 – 5 ngày một lần. Còn mùa đông thì có thể để lâu hơn một chút, khoảng từ 8 – 10 ngày thì thay một lần.