Tết đến Xuân về ai cũng muốn cây cối trong nhà mình ra nụ trổ bông cho xuân càng thêm xuân. Đặc biệt là làm cho hoa nở được vào đúng những ngày Tết Nguyên Đán thì càng tuyệt vời. Vậy làm thế nào để những điều chúng ta mong muốn đó có thể trở thành hiện thực. Sau đây chúng tôi xin đưa ra một số mẹo nhỏ giúp hoa nhà bạn có thể nở đúng ngày mà bạn muốn và thời gian ra hoa có thể kéo dài.
1. Điều chỉnh ánh sáng
Khi cây được cung cấp càng nhiều ánh sáng thì hoa sẽ càng nở nhanh hơn nên bạn có thể hạn chế ánh sáng chiếu vào bằng cách che các tấm vải đen, bạt nhựa đen hoặc giấy đen. Những thứ đó sẽ cản bớt ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp lên cây và hoa. Nếu có thể bạn hãy đem cây vào nơi tối hơn để hạn chế sự ra hoa sớm.
Trong trường hợp ngược lại nếu bạn thấy nụ hoa hoặc búp hoa còn nhỏ, khả năng sẽ không nở được đúng dịp Tết thì bạn hãy tăng thêm thời gian chiếu sáng cho cây bằng cách đem cây ra phơi nắng vào ban ngày còn ban đêm thì bật thêm đèn để hoa nhanh nở hoa.
2. Điều tiết nhiệt độ
Một số loài hoa như Hoa Đào, Hoa Mai không nhạy cảm với ánh sáng thì bạn nên dùng nhiệt độ để hạn chế việc chúng nở hoa. Nhiệt độ bảo quản hoa tốt nhất là từ 18 đến 24 độ C, khi hoa bắt đầu nở nụ thì giảm nhiệt xuống còn từ 8 đến 15 độ C. Việc này giúp đưa hoa vào trạng thái ngủ để hoa không nở sớm khi Tết chưa đến.
Nếu bạn muốn Hoa Đào, Hoa Mai nở đúng vào dịp Tết thì vào khoảng cuối thu bạn nên đem cây vào nhà, giữ ở nhiệt độ 18 đến 24 độ C. Khoảng 10 đến 15 ngày sau cây sẽ ra nụ hoa thì bạn chuyển sang nhiệt độ từ 8 đến 15 độ C là hoa sẽ nở vào đúng dịp Tết.
Đối với những loại hoa như Đỗ Quyên, Cẩm Chướng, Cúc Đồng Tiền, Mẫu Đơn… chúng có rễ chùm thì ngày mà tăng nhiệt độ cần phải tính toán thời gian sinh trưởng và phát triển đến khi cây nở hoa. Khi nhiệt độ tăng thì cần tưới nước hàng ngày, sao cho nhiệt độ ban ngày ở mức 25 đến 28 độ C còn ban đêm là 15 độ C. Nếu khi nhiệt độ giảm sẽ kéo dài thời kỳ ra hoa của cây. Riêng với hoa Ly Ly thì việc bảo quản hoa ở nhiệt độ từ 2 đến 5 độ C trong vòng 6 đến 8 tuần sẽ là cách tốt nhất để cho hoa nở đúng dịp Tết. Hoa Loa Kèn thì cần để ở nhiệt độ 2 độ C trong khoảng từ 8 đến 10 tuần cũng sẽ giúp cho hoa nở đúng dịp bạn mong muốn.
3. Thay đổi môi trường, độ ẩm
Để điều chỉnh sinh trưởng cho một số cây cảnh và hoa thì có thể tạo ra môi trường khô để làm cho sự phân hóa chồi xảy ra sớm hơn. Với Hoa Cúc thì có thể làm cho cây khô để xúc tiến sự phân hóa nụ hoa trước khi phân hóa chồi và tưới thêm axit boric cùng với bón phân để chồi hoa phân hóa nhanh. Sau đó có thể tưới nước bình thường để khôi phục sự hấp thụ nước của cây, mấy ngày sau cây sẽ nở hoa.
Bạn có thể tự tạo cho hoa một một trường khô để kìm hãm sự phát triển của hoa, bằng cách để cây trong nhà có máy lạnh và máy hút ẩm. Trong môi trường này cây không đủ điều kiện để phát triển và hoa cũng sẽ ra chậm.
Ngược lại, nếu bạn muốn hoa nở nhanh hơn, phát triển hơn thì hãy cung cấp cho cây có môi trường tốt nhất, phù hợp nhất để phát triển.
4. Tỉa cành, ức chế hoạt động của cây
Vào mùa sinh trưởng của hoa, khi bạn tỉa bớt cành cũng sẽ góp phần làm cho hoa nở muộn. Một số biện pháp như bóc chồi, hái nụ cũng làm giảm sự phát triểm của cây và làm cho hoa của cây chậm phát triển hơn. Về bản chất, đây là phương pháp ngăn chặn chất dinh dưỡng đi từ lá xuống rễ để cây không phát triển nhanh.
5. Hạn chế tưới nước
Có thể áp dụng biện pháp này với một số loài hoa mọng nước như Hoa Sứ, Hoa Xương Rồng, có thể là cả Hoa Mai. Hãy hãm nước cho cây vào khoảng tháng 10 và tháng 11 hàng năm thì Hoa Mai sẽ nở chậm lại. Đến cận Tết mới tưới đủ độ ẩm cho cây, lượng nước cũng nên điều chỉnh sao cho phù hợp với thời tiết của từng năm.