11 Vị trí đặt cây cảnh trong nhà tốt cho phong thủy

11 Vị trí đặt cây cảnh trong nhà tốt cho phong thủy

Nhà là nơi mang đến sự bình yên, thư thái và an toàn mỗi khi trở về nhà sau những giờ làm việc căng thẳng. Vì ý nghĩa đó mà trong khi thiết kế xây dựng ngôi nhà bạn cần chú ý tới việc đưa cây cảnh và hoa vào không gian nội thất của ngôi nhà, giúp ngôi nhà thêm tính thẩm mỹ và gần gũi với thiên nhiên, cải thiện không gian và môi trường sống được trong lành, mát mẻ. Trong nhà, mỗi vị trí sẽ có một ý nghĩa khác nhau khi bạn đặt cây nên bạn cần phải tìm hiểu kỹ trước khi đưa cây vào vị trí nào đó.

Tuy nhiên, với đa số người dân không phải ai cũng có thể hiểu hết được ý nghĩa của các loại cây để có thể bài trí chúng hợp với phong thủy, giúp phát huy tối đa tác dụng của chúng. Vì thế, trong bài viết này chúng tôi xin đưa ra một số gợi ý về vị trí và loại cây cảnh phù hợp để bài trí trong không gian nội thất ngôi nhà.

1. Cổng chính

Phong cách và cá tính của ngôi nhà trước tiên được thể hiện ở nơi cổng chính, đây cũng là nơi đón nguồn năng lượng chính đi vào nhà. Việc chọn một cây cảnh phù hợp để bài trí ở cổng cần phải tìm hiểu rất kỹ, tránh những nguồn năng lượng xấu vào trong nhà.

Khi cổng nhà được làm bằng gỗ thì chủ nhà nên chọn những cây cảnh có thân cột hình trụ lớn đặt ở hai bên cổng để tăng cường yếu tố Mộc, bởi Mộc chính là mùa Xuân, mùa của sự phát triển. Nguồn năng lượng từ Mộc sẽ nuôi dưỡng và mang lại sự sống động, ấm áp cho ngôi nhà.

Nếu cửa được làm bằng kim loại thì chủ nhà nên chọn những loại cây có lá nhỏ, thân mềm, xum xuê để tăng cường yếu tố Thủy. Bởi khi cửa làm bằng kim loại là yếu tố Kim, Kim sẽ sinh Thủy, Kim là biểu tượng của sức mạnh và mùa Thu còn Thủy tạo nên sự cân bằng, hài hòa, mang lại những nguồn năng lượng tích cực cho ngôi nhà.

vị trí đặt cây cảnh trong nhà

2. Lối vào nhà

Bạn có thể đặt hai chậu cây ở hai bên cửa hoặc trồng những cây cảnh nhỏ dọc theo lối đi vào nhà. Những loại cây phù hợp để trồng là Trúc, Tre, Táo, Chanh…nên trồng cây ở hướng Nam vì đây là hướng mang đến ánh sáng, gió vừa đủ cho cây, rất thích hợp để cây sinh trưởng phát triển tốt.

Không nên trồng cây có tán rộng trên lối đi vào nhà, không trồng một cây và cũng không trồng quá nhiều cây, không trồng cây ở hướng Tây Nam hoặc hướng Tây, không trồng các loại cây như cây Dương, cây Dâu, cây Liễu, cây Đa, cây Bách và những cây có tính âm. Cửa là điểm khởi đầu khi bước vào nhà nên đây là khu vực trọng yếu cần phải lưu tâm, nó chính là diện mạo của ngôi nhà. Đây là nơi bạn tiếp khách, là nơi gió ra vào và mang đến những luồng khí tốt đẹp cho gia đình, việc đặt cây cảnh ở đây cần hết sức lưu tâm đến yếu tố phong thủy.

3. Phòng khách

Toàn bộ thẩm mỹ, diện mạo của ngôi nhà, phong cách và lối sống của gia chủ gần như được thể hiện ở phòng khách. Đây cũng là nơi thu hút tài lộc và có nhiều loại cây cảnh phù hợp để trồng ở đây. Ở phòng khách thì yếu tố tiền tài luôn được chú trọng nên một số loại cây nên trồng như cây Phú Quý, cây Kim Ngân, cây Phát Lộc, cây Kim Tiền, cây Ngọc Bích, cây Thường Xuân… Những cây này còn giúp mai lại bầu không khí trong lành, thoáng mát cho căn phòng, là điều mà gia chủ nào cũng mong muốn có được.

vị trí đặt cây cảnh trong nhà - phòng khách

Trong phong thủy quan niệm rằng những nơi có góc cạnh thường mang lại những tiêu cực cho không gian sống nên bạn hãy đặt cây cảnh ở góc phòng và chọn những cây có lá tròn, nó sẽ giúp bạn mang lại nguồn năng lượng tích cực cho phòng khách cũng như cả ngôi nhà.

Khi đặt cây cảnh trong phòng khách bạn nên tránh các hướng Tây Nam, hướng Bắc và Đông Bắc. Lưu ý là không đặt cây dưới máy lạnh hoặc chắn lối đi lại, có thể đặt lên cao một chút như kệ để ti vi hoặc trên bàn.

Trường hợp bạn muốn trong nhà có cây xanh mà không thể trồng cây thì bạn có thể treo một bức tranh về cây cối, điều đó cũng giúp mang lại ý nghĩa không kém việc trồng cây cảnh thật. Có điều việc bài trí cây cảnh hay tranh cây cảnh trong nhà phải hài hòa và hợp lý, mang lại giá trị thẩm mỹ, thỏa mãn nhu cầu của gia chủ và cũng mang lại những may mắn về phong thủy.

4. Phòng làm việc – phòng đọc sách

Khi bạn có phòng làm việc hoặc phòng đọc sách ở nhà thì bạn nên đặt trong phòng một cây cảnh, bạn sẽ thấy những lợi ích không ngờ mà cây mang lại. Lưu ý là không nên đặt quá nhiều cây ở trong phòng này, chỉ nên chọn loại cây cảnh nhỏ hoặc cây bonsai mini, thậm chí bạn có thể đặt một bể cá thủy sinh nhỏ tạo sự thư giãn và cân bằng cho môi trường làm việc hay học tập. Cây bạn chọn nên có lá to, thân chắc chắn, tránh rung rinh qua lại làm cho bạn phân tán tư tưởng.

5. Phòng ngủ

Phòng ngủ là nơi giúp bạn lấy lại sức sau một ngày dài làm việc, đây cũng là nơi chia sẻ tình cảm vợ chồng cùng với những yêu thương. Cây cảnh hoặc hoa đặt trong phòng phải là những loại tạo cảm giác ấm cúng, gần gũi, thầm kín, gợi cảm nhất là không gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của gia chủ.

Theo nghiên cứu khoa học thì cây xanh để trong phòng ngủ không tốt cho sức khỏe vì cây sẽ thải CO2 vào ban đêm nên ảnh hưởng tới việc hô hấp của con người. Vì lí do đó mà bạn không nên đặt cây gần đầu giường bạn ngủ. Nếu vẫn muốn có cây trong phòng bạn nên chọn cây nhỏ để bàn mà không cần tưới nước nhiều hoặc có thể là hoa giả để căn phòng thêm sức sống mà không hại tới sức khỏe.

Có một chút mách nhỏ là nếu bạn mệnh Mộc hoặc mệnh Hỏa thì nên trồng một cây xanh nhỏ trong phòng, theo phong thủy là yếu tố tương sinh sẽ tốt cho bạn. 

vị trí đặt cây cảnh trong nhà - phòng- ngủ

Phòng ngủ thuộc tính âm do đó không nên đặt những cây xù xì, to, đậm ở trong phòng sẽ gây ảnh hưởng xấu tới thể chất và tinh thần gia chủ. Những cây phù hợp trồng trong phòng ngủ và có thể hút khí độc là cây Nha Đam, cây Lưỡi Hổ, cây Ngũ Gia Bì…

6. Phòng ăn

Trong nhà, phòng ăn chính là nơi các thành viên trong gia đình đoàn tụ, là nơi chia sẻ những câu chuyện trong ngày để mọi người gần gũi và hiểu nhau hơn. Vì thế mà những cây hoặc hoa bài trí ở đây phải là những loại mang lại cảm giác gần gũi, ấm cúng, vui vẻ và thoải mái.

Cây trồng tại đây phải lưu ý đến hình dáng, quá trình sinh trưởng, màu sắc của cây… để không gây cản trở cho người ngồi đối diện đang trò chuyện. Không nên trồng hoặc trưng những loại cây hoặc hoa có mùi hương đậm đà trong phòng vì nó sẽ gây khó chịu khi bạn và gia đình ăn cơm.

7. Nhà bếp

Bếp là nơi mà nữ chủ nhân thường xuyên có mặt, với các mùi đặc trưng của bếp là mùi thức ăn, gia vị và nguyên liệu nấu ăn, đồ dùng trong bếp cũng tương đối nhiều và lỉnh kỉnh, rối rắm. Nếu bạn có ý định trồng cây cảnh trong phòng bếp thì nên chọn những cây thân cột, lá to, có khả năng hút mùi tốt. Màu sắc của cây là những màu nền nã, không quá rực rỡ để mang lại sự tập trung và điềm tĩnh cho chủ nhân của căn bếp.

Các cây có thể trồng trong bếp là Hương Thảo, Lavender, hoặc những cây gia vị giúp khử mùi trong bếp như Húng Quế, Bạc Hà.

vị trí đặt cây cảnh trong nhà - phòng bếp

Một lưu ý nhỏ là nếu bếp nhà bạn ở hướng Đông thì không bên trồng cây cảnh.

8. Phòng tắm

Phòng tắm là nơi rất riêng tư nên bạn có thể chọn những cây cảnh nhỏ, thích hợp với cá tính của chủ nhân. Còn nếu nhà tắm đó là chung của nhiều người trong nhà thì nên chọn những cây thân cọc, nhỏ để tạo cảm giác riêng tư và an toàn cho mọi người. Cây trồng trong nhà tắm phải là những cây không ưa nắng và có sức sống tốt.

9. Cầu thang – giếng trời

Giếng trời và cầu thang là những điểm yếu theo quan niệm phong thủy của ngôi nhà, chính vì thế mà gia chủ có thể dùng tiểu cảnh để khắc phục những hạn chế đó. Nhưng không phải ngôi nhà nào cũng có thể làm được tiểu cảnh, thay vào đó là họ dùng những chậu cây hoặc hoa cảnh để khắc phục. Những cây trồng ở vị trí này nên là những cây thân trụ to, nhiều lá, lá to để đặt ở chân cầu thang tạo ra cảm giác an toàn, giúp che phần góc khuất của cầu thang. Ở các bậc của cầu thang có thể bày những chậu cây cảnh lá mềm, nhỏ để cho lối đi thêm sinh động và uyển chuyển.

10. Hành lang

Lưu thông chính giữa các phòng trong ngôi nhà chính là hành lang. Đây cũng là nơi mang lại những dòng năng lượng đến với không gian ngôi nhà. Bạn có thể chọn những cây giúp khí lưu thông tốt nhưng màu sắc không quá rực rỡ để đặt tại hành lang. Nếu hành lang nhà bạn nhỏ thì nên chọn những cây thân trụ nhỏ để không gây cản trở cho lối đi còn hành lang rộng bạn có thể trồng những cây nhiều lá, thân mềm để dòng khí lưu thông tốt hơn.

11. Ban công, cửa sổ

Cửa sổ hay ban công đều là những nơi đớn các dòng năng lượng, dòng khí vào nhà. Nếu trồng cây ở ban công bạn nên chọn những cây vững chắc, gốc to, ý nghĩa mang lại may mắn và tài lộc, sau đó bạn có thể trồng thêm các chậu hoa nhỏ trang trí treo song song với tường nhà, giúp ngôi nhà thêm nhiều màu sắc và tăng tính thẩm mỹ.

cây trồng ban công

Để lại một bình luận

0988110300
chat-active-icon