Họ Đào kim nương hay họ Sim (theo tên gọi của chi Rhodomyrtus), còn gọi là họ Hương đào (theo chi Myrtus) (danh pháp khoa học: Myrtaceae) là một họ thực vật hai lá mầm, được đặt trong bộ Đào kim nương (Myrtales). Sim (đào kim nương), đinh hương, ổi, bạch đàn, tiêu Jamaica và ổi dứa đều thuộc họ này. Tất cả các loài đều có thân gỗ, chứa tinh dầu và hoa mọc thành cụm từ 4-5 hoa đơn. Một đặc trưng nổi bật của họ này là li be nằm ở cả hai bên của xylem (chất gỗ), chứ không ở bên ngoài như ở phần lớn các loài thực vật khác. Lá của chúng thuộc loại thường xanh, mọc so le hay mọc đối, lá đơn và thông thường có mép lá nhẵn (không khía răng cưa). Hoa thường có 5 cánh hoa, mặc dù ở một vài chi thì cánh hoa rất nhỏ hay không có. Nhị hoa thường rất dễ thấy, có màu sáng và nhiều về lượng.
Họ Myrtaceae chứa ít nhất 3.000 loài, phân bổ trong 130-150 chi. Chúng phân bổ rộng khắp ở vùng nhiệt đới và ôn đới ấm áp trên thế giới, và nói chung rất phổ biến trong nhiều khu vực đa dạng sinh học của thế giới. Các chi với quả nang như Eucalyptus, Corymbia, Angophora, Leptospermum, Melaleuca, Metrosideros chỉ có ở khu vực Cựu thế giới, tách biệt với chi một loài là Tepualia ở Chile. Các chi với quả nhiều cùi thịt tập trung nhiều ở miền đông Úc và Malesia (khu sinh thái Australasia) và khu vực nhiệt đới Trung- Nam Mỹ. Eucalyptus (bạch đàn) là chi chiếm đa số, gần như có mặt ở khắp mọi nơi trong khu vực ẩm thấp hơn của Úc và kéo dài về phía bắc với mật độ thưa hơn tới tận Philipin. Một cây trong loài Eucalyptus regnans hiện nay là loại thực vật có hoa cao nhất thế giới. Các chi quan trọng khác ở Úc là Callistemon (tràm liễu), Syzygium (trâm, roi), và Melaleuca (tràm). Chi Osbornia, có nguồn gốc ở khu vực Australasia, là các loại cây đước. Eugenia, Myrcia và Calyptranthes là các chi trong số các chi lớn nhất ở Trung và Nam Mỹ. Hệ thống APG III năm 2009 công nhận 131 chi và khoảng 4.620 loài cho họ này.
Trong lịch sử, họ Myrtaceae đã từng được chia thành hai phân họ.
- Phân họ Myrtoideae có quả nhiều cùi thịt và lá đối, mép trơn. Phần lớn các chi trong phân họ này có một trong ba dạng dạng phôi dễ nhận ra. Các chi của Myrtoideae có thể rất khó phân biệt khi không có quả đã chín. Phân họ Myrtoideae được tìm thấy khắp thế giới trong các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, với các trung tâm đa dạng nằm ở Trung Mỹ, Nam Mỹ, đông bắc Úc và Malesia.
- Phân họ Leptospermoideae có quả khô, không nứt (quả nang) và các lá mọc so le hay theo vòng xoắn. Phân họ Leptospermoideae tìm thấy chủ yếu ở Australasia, với trung tâm đa dạng nằm ở Úc. Nhiều chi ở miền tây Úc có các lá bị suy thoái mạnh và các hoa mang các đặc điểm điển hình cho vùng sinh trưởng khô cằn hơn.
Sự phân chia Myrtaceae thành Leptospermoideae và Myrtoideae đã bị nhiều tác giả nghi ngờ, trong đó có Johnson và Briggs (1984), các ông đã xác định 14 tông hay nhánh trong họ Myrtaceae, và phát hiện ra là phân họ Myrtoideae là đa ngành. Phân tích ở mức độ phân tử của Wilson, O’Brien và những người khác vào năm 2001 đã phát hiện thấy 11 phân nhóm rõ nét trong phạm vi họ này, bao gồm nhiều phân nhóm đã được Johnson và Briggs xác định. Phân tích phân tử sau đó của Sytsma và Litt (2002) đã phát hiện phân nhóm Myrtoideae ở Trung – Nam Mỹ phù hợp với phân họ đa ngành Leptopermoideae.
Các chi Heteropyxis và Psiloxylon, được một số học giả đưa vào trong họ Myrtaceae, nhưng trong khoảng thời gian gần đây lại được tách ra thành các họ riêng rẽ bởi nhiều học giả, dựa trên chứng cứ về sự tách ra của chúng trước khi có sự xuất hiện của tổ tiên chung cho họ Myrtaceae. Tuy nhiên, hệ thống APG III năm 2009 vẫn coi các chi này là các thành phần cơ sở của họ Myrtaceae.
Các chi
Acca Accara Acmena Acmenosperma Actinodium Agonis Allosyncarpia Amomyrtella Amomyrtus Angasomyrtus Angophora Archirhodomyrtus Arillastrum Astartea Asteromyrtus Austromyrtus Backhousia Baeckea Balaustion Barongia Basisperma Beaufortia Blepharocalyx Callistemon Calothamnus Calycolpus Calycorectes Calyptranthes Calyptrogenia Calythropsis Calytrix Campomanesia Carpolepis Chamelaucium Chamguava Choricarpia Cleistocalyx (Vối) Cloezia Conothamnus Corymbia Corynanthera Cupheanthus Darwinia Decaspermum |
Eremaiea Eucalyptopsis Eucalyptus Eugenia Feijoa (Acca) Gomidesia Gossia Hexachlamys Homalocalyx Homalospermum Homoranthus Hottea Hypocalymma Kania Kjellbergiodendron Kunzea Lamarchea Legrandia Lenwebbia Leptospermum Lindsayomyrtus Lithomyrtus Lophomyrtus Lophostemon Luma Lysicarpus Mallostemon Marlierea Melaleuca (Tràm) Meteoromyrtus Metrosideros Micromyrtus Mitranthes Mitrantia Monimiastrum Mosiera Myrceugenia Myrcia Myrcianthes Myrciaria Myrrhinium Myrtastrum Myrtella Myrteola |
Myrtus (Hương đào) Neofabricia Neomitranthes Neomyrtus Ochrosperma Octamyrtus Osbornia Paramyrciaria Pericalymma Phymatocarpus Pileanthus Pilidiostigma Piliocalyx Pimenta Pleurocalyptus Plinia Pseudanamomis Psidium (Ổi) Purpureostemon Regelia Rhodamnia Rhodomyrtus (Sim, Đào kim nương) Rinzia Ristantia Scholtzia Siphoneugena Sphaerantia Stereocaryum Stockwellia Syncarpia Syzygium (Trâm, roi) Tepualia Thryptomene Tristania Tristaniopsis Ugni Uromyrtus Verticordia Waterhousea Welchiodendron Whiteodendron Xanthomyrtus Xanthostemon |
Tham khảo
- Johnson, L.A.S. và Briggs, B.G. 1984. Myrtales and Myrtaceae – a phylogenetic analysis. Annals of the Missouri Botanic Garden 71: 700-756.
- Wilson, Peter G., O’Brien, Marcelle M., Gadek, Paul A. và Quinn, Christopher J. 2001. “Myrtaceae Revisited: A Reassessment of Infrafamilial Groups”. American Journal of Botany 88 (11): 2013–2025. Có sẵn trực tuyến (tập tin dạng pdf).
- Sytsma, Kenneth J. và Amy Litt. 2002. Tropical disjunctions in and among the Myrtaceae clade (Myrtaceae, Heteropyxidaceae, Psiloxylaceae, Vochysiaceae): Gondwanan vicariance or dispersal? (Bản tóm tắt). Botany 2002 Conference, University of Wisconsin, Madison, Wisconsin, 4-7 tháng 8 năm 2002.